Hai năm dưới sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Vượng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết liệt kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm, tham nhũng, chỉ đúng người đúng tội.
-------------------------------------
Ngày 9/5, tại Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết đồng ý để ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII. Ông Vượng như vậy sẽ tập trung cho nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư.
Thay thế ông Trần Quốc Vượng ở vị trí đứng đầu Ủy ban Kiểm tra là ông Trần Cẩm Tú. Ông Tú trước đó là Phó chủ nhiệm Thường trực của cơ quan này.
Điểm lại hai năm hoạt động dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức tới 24 kỳ họp. Vào những giai đoạn nóng bỏng, các kỳ họp diễn ra liên tiếp trong tháng để xem xét, kết luận và đề nghị thi hành kỷ luật với các đảng viên, tổ chức đảng.
Đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII đã kỷ luật và đề xuất kỷ luật 57 đảng viên từ cán bộ cấp cao đến lãnh đạo các địa phương có vi phạm nghiêm trọng, cùng nhiều tổ chức đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét nhìn vào kết quả công việc, có thể khẳng định cơ quan này đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ.
"Trong 2 năm, Ủy ban đã đưa ra những kết luận xác đáng, tâm phục khẩu phục. Qua kết quả đó, tôi thấy rất trân trọng lao động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Chủ nhiệm Ủy ban là ông Trần Quốc Vượng", ông Hùng chia sẻ.
Ngay sau Đại hội XII, Trung ương Đảng xác định quyết tâm phòng chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ban ngành và mọi địa phương. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí quan liêu”.
Thông điệp đó được Tổng bí thư nhắc lại nhiều lần trong những cuộc tiếp xúc, trao đổi cử tri.
Như tinh thần của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không có ‘vùng cấm’ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ở cấp ủy viên Trung ương Đảng, Ủy ban quyết định thi hành kỷ luật với 7 người, gồm các ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Minh Quang, Huỳnh Minh Chắc, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Xuân Anh, Phạm Văn Vọng và Trần Quốc Cường.
Ở cấp ủy viên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng với những vi phạm khi còn là Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN.
Dù đương nhiệm hay nghỉ hưu, những cá nhân vi phạm đều không tránh được kỷ luật.
"Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoạt động tích cực, theo phương châm "nói ít làm nhiều" và được ví như "thanh bảo kiếm" quyết diệt trừ nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền", ông Vũ Quốc Hùng nói với Zing.vn.
Năm 2018, Ủy ban thậm chí có thể kiểm tra một số đơn vị trực thuộc tỉnh như huyện, để tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Như vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện, rà soát chặt chẽ và xác định “tắm rửa từ đầu trở xuống”.
“Anh nào cũng kêu oan, nhưng dân thì cho rằng vẫn còn nhẹ, phải quyết liệt hơn nữa. Các vụ án, kiểm tra vừa rồi đều rất tâm phục, thậm chí người bị xử lý còn cảm ơn những người thi hành kỷ luật”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội cuối năm 2017.
Trong số các hình thức kỷ luật với cá nhân, cảnh cáo chiếm tỷ lệ đa số với 20 trường hợp, 11 người bị khiển trách, 5 lãnh đạo bị cách chức và 4 bị khai trừ khỏi Đảng.
Hai vi phạm chủ yếu được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quan hệ vị thân, bổ nhiệm người nhà, thân quen, lợi ích nhóm. Nhiều cá nhân có 2-3 vi phạm trở lên.
Đây đều là những vi phạm nhức nhối, tồn tại dai dẳng và khiến cử tri, nhân dân bức xúc phản ánh qua nhiều kênh thông tin, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc chỉ rõ vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có rất nhiều cán bộ cao cấp, cho thấy phản ánh tiêu cực, tham nhũng dạng "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ" của người dân là hoàn toàn chính xác.
Chẳng hạn, trong năm 2017, ở kỳ họp thứ 17 diễn ra vào tháng 9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng bộ, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh ông Xuân Anh đã vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, có biểu hiện áp đặt bố trí nhân sự, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Hơn nữa, ông này còn thiếu trung thực trong kê khai, sử dụng bằng cấp. Đáng nghiêm trọng hơn là ông Xuân Anh sử dụng ôtô, nhà ở do doanh nghiệp biếu tặng, gây dư luận xấu trong xã hội.
Hay vụ việc ông Lê Phước Thanh, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 bị kết luận có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng khi ưu ái bổ nhiệm cho con trai Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh và sự cố Formosa Hà Tĩnh, 5 thứ trưởng nằm trong danh sách kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 17 lãnh đạo các địa phương cũng bị nêu đích danh từ những cuộc thanh tra, kết luận.
Lý giải về vấn nạn chủ nghĩa vị thân, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Ban tổ chức Trung ương) cho rằng: "Một mặt là do buông lỏng nguyên tắc, quy định trong công tác cán bộ, rồi việc thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên".
Ông Hưng cũng nhắc tới tình trạng lạm quyền, nhiều người năm vị trí chủ chốt tranh thủ “gửi gắm” con cháu, người thân, chi phối bổ nhiệm.
Cuối tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 14 và xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số cá nhân có liên quan.
Ông Đinh La Thăng được xác định chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009-2011. Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Thăng theo thẩm quyền.
Chỉ 2 tuần sau, tại Hội nghị Trung ương 5, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sau đó quyết định cho ông Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), phân công làm Phó ban Kinh tế Trung ương.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Đinh La Thăng mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng Ban Thường vụ Đảng ủy PVN đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng. Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.
Liên quan đến 2 vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng lần lượt phải lĩnh 2 bản án 13 và 18 năm tù.
Ngày 9/5, tại Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương tiếp tục quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Chia sẻ với Zing.vn, thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, cho biết lần đầu trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhận xét việc công khai xử lý những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ trong việc xử lý nghiêm những sai sót của cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, ngành nào.
Nhiều cán bộ lão thành đã nghỉ hưu lẫn đương chức đều thẳng thắn nhìn nhận đảng viên có chức có quyền vi phạm, tham ô, tham nhũng không phải là mới. Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế, quy mô vi phạm, sai phạm ngày nay nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi hơn.
Trước thực tế đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và vạch ra những vi phạm, sai phạm của nhiều tổ chức và cá nhân. Với kết quả thời gian qua, tín hiệu mừng đã được nhiều người nói đó là "chống tham nhũng không có vùng cấm". Ai sai phạm được kiểm tra, kết luận và xử lý tương xứng. Không chỉ xử lý về mặt nội bộ mà còn cả mặt pháp luật.
Hơn 20 năm làm công tác đảng, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ câu chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng không phải bây giờ mới có nhưng trước đây, kỷ luật thường mới chỉ dừng ở mức phê phán chung chung. Còn nay, Ủy ban Kiểm tra đã chỉ ra đúng người, đúng tội.
Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì nhấn mạnh: "Đúng là khi xử lý những cán bộ đó, mất cán bộ thì rất tiếc, rất trăn trở, rất day dứt, nhưng không thể không xử. Vì đã đến mức vi phạm phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý để giữ kỷ cương kỷ luật của Đảng, giáo dục chung trong toàn Đảng"
Bước sang giai đoạn mới của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng chúng ta cần mạnh mẽ loại bỏ những người không đủ tư cách đạo đức, năng lực.
"Những cán bộ, đảng viên đã "nhúng chàm" chưa bị lộ cần tiếp tục bị nhận diện và loại bỏ. Người đang có mưu đồ riêng, vì lợi ích riêng thì hãy nhìn những tấm gương xấu để chỉnh mình, để không đánh mất bản thân", ông nói.