Những câu chuyện đau lòng
Thực tế đã xẩy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng do hành vi hoang tưởng, ảo giác của các đối tượng tâm thần phân liệt gây ra và nó đang trở thành nỗi hoang mang, lo lắng, thậm chí là ác mộng, ám ảnh đối với gia đình, cộng đồng...
Gần 3 năm nay, cuộc sống người dân ở thôn Đồng Bàu (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) dường như đã bị xáo trộn. Mọi người luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng trước các hành vi của Hoàng Đình Truyền (sinh năm 1989) - người bị tâm thần phân liệt. Truyền là người đã tốt nghiệp đại học nhưng khi trở về địa phương thì lười biếng, thường xuyên gây mâu thuẫn với những người xung quanh và có các hành vi gây rối trật tự công cộng. Trong hồ sơ của cơ quan cảnh sát điều tra, các hành vi manh động, nguy hiểm được Truyền thực hiện khá nhiều.
Khi lên cơn, người tâm thần phân liệt thường rất manh động, liều lĩnh, hành vi có thể gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng nên cần phải có biện pháp kiểm soát, khống chế.
Theo đó, vào ngày 8/9/2014, đối tượng này khởi đầu cho các hành vi điên loạn của mình bằng việc cầm cào sang nhà bà Trương Thị Tiếp ở cùng thôn để gây chuyện rồi đánh bà Tiếp bị thương ở 2 tay, đánh con trai bà là Dương Danh Hoàng bị thương ở tay trái. Chưa dừng lại ở đó, Truyền đã liên tiếp thực hiện các hành vi ngang ngược đối với những người cùng thôn như: dùng gậy tre và dao gây gổ với ông Trần Quý; dùng mác ra gây gổ với anh Trần Đức Thịnh rồi chặt đứt 2 lốp xe máy của người này; cầm mác ra đứng ngoài đường chửi bới, rào chắn đường, gây gổ với hàng xóm, chửi bới và tấn công công an xã cùng nhiều hành vi ngang ngược khác.
Đặc biệt, vào ngày 13/7/2015, Truyền đã dùng mác từ trong nhà chạy ra đánh gãy tay bà Hoàng Thị Luân (SN 1963, cùng thôn) khiến bà phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh...
Cũng là nạn nhân của đối tượng bị tâm thần phân liệt nhưng có lẽ câu chuyện của gia đình ông N. (xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) là tàn khốc và đau xót nhất. Dù sự việc đã qua khá lâu, song người dân trên địa bàn vẫn chưa hết hoang mang, kinh sợ khi đối tượng bị Lê Viết Thịnh lên cơn điên dùng gậy tấn công dã man gia đình ông N. Sự việc bắt nguồn từ việc giữa hai bên có xẩy ra mâu thuẫn nên khoảng cuối năm 2010, Thịnh đòi sang nhà ông N. đập phá nhưng đã bị công an và mọi người xung quanh ngăn chặn và bắt giữ.
Đến nửa đêm, đối tượng tự cởi trói, thoát khỏi nơi tạm giữ, cầm gậy tìm sang nhà đánh chết ông N. Khi con dâu ông N. phát hiện sự việc, hô hoán kêu cứu thì bị đối tượng dùng gậy đánh bị thương nặng. Chưa dừng lại ở đó, phát hiện cháu Q. khóc, Thịnh cũng đã tàn nhẫn xuống tay với cháu bé. Thế nhưng, Thịnh không phải trả giá cho hành vi tội ác của mình vì khi đi giám định thì cho kết quả đối tượng bị mất năng lực trách nhiệm hình sự do tâm thần phân liệt...
Gánh nặng cho gia đình và xã hội
Theo các chuyên gia y tế và các tài liệu khoa học, tỷ lệ bệnh tâm thần phân liệt chiếm khoảng 1% dân số, nó không phụ thuộc vào vị trí địa lý, quốc gia, lãnh thổ, điều kiện kinh tế, đời sống văn hóa. Ở tỉnh ta, do hạn chế trong việc thống kê, theo dõi nên không có con số chính thức và số đối tượng được phát hiện, quản lý, chăm sóc, chữa trị chưa nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi còn được nghe, được thấy nhiều câu chuyện đau lòng, nhiều hành vi đáng lo ngại do những người bị tâm thần phân liệt gây ra.
Mới đây nhất, ông Bùi Quang Thạc (tổ dân phố 8, thị trấn Cẩm Xuyên) bị Đ.X.T (ở cùng tổ dân phố) đánh bị thương phải ra bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu vì đã tiện tay ghép thanh tre chắn giữa đường sang một bên; lăng mộ của dòng họ Phan Thanh (thôn Tân Duệ, xã Cẩm Duệ) bị đối tượng P.V.D (thôn Na Trung, Cẩm Thạch) dùng búa đập phá; mỗi khi phát bệnh là Đ.T.Y (Thạch Bằng, Lộc Hà) lại chửi bới xóm giềng, vợ con, chính quyền, chòm xóm; bà P.T.N (Cổ Đạm, Nghi Xuân) lên cơn là tìm trụ sở xã, đến hội quán thôn, đền chùa để quậy phá, chửi bới...
Phóng viên Báo Hà Tĩnh trao đổi với ông Hoàng Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên về tình trạng người bị tâm thần phân liệt gây rối trật tự trên địa bàn và các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
Việc người tâm thần phân liệt quậy phá, chửi bới, gây án là thực trạng xẩy ra từ lâu và khá thường xuyên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Điều này không chỉ gây mất tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng trong chính gia đình đối tượng và cộng đồng dân cư mà còn khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đau đầu. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Hoàng Văn Chương phản ánh: “Chúng tôi rất đau đầu với các trường hợp tâm thần phân liệt, trong đó, đáng chú ý nhất là Đ.X.T ở tổ dân phố 8. Đây là đối tượng manh động, nguy hiểm, liều lĩnh, khó quản lý và trong nhà luôn có dao kiếm nên nguy cơ mất an toàn đối với gia đình và cộng đồng rất cao.
Dù có nhiều hành động ngang ngược nhưng nếu bị hàng xóm, chính quyền nhắc nhở thì tỏ thái độ chống đối, thù hằn. Chúng tôi đang rất lo lắng vì gia đình đối tượng này không thể quản lý, chính quyền không thể giám sát thường xuyên, nhà lại nằm trên trục đường hàng ngày có nhiều học sinh đi học nên đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Phó Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên Lê Viết Đường cũng khẳng định: “Các đối tượng tâm thần phân liệt giống như những quả bom nổ chậm, có thể gây án bất cứ lúc nào. Vì chưa có cách nào theo dõi, quản lý hiệu quả nên cộng đồng, nhất là láng giềng xung quanh sống trong nỗi lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng này, các đối tượng tâm thần phân liệt sẽ thay đổi bệnh tình, tính cách theo hướng cực đoan nên hành động càng trở nên khó lường hơn...”.
(Còn nữa)