Học Bác không phải ở đâu xa mà chính từ những đức tính tốt đẹp, gần gũi, giản dị của Người. Đối với Hà Tĩnh, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng nhân rộng những mô hình hay, tấm gương sáng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Từng là y tá có hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên (nay là Trung tâm Y tế huyện), bà Chu Thị Lương (SN 1944, thị trấn Cẩm Xuyên) đã chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của bệnh nhân nghèo. Năm 2014, khi đã nghỉ hưu, có điều kiện về thời gian, bà bắt đầu thực hiện ý tưởng bao năm ấp ủ của mình. Huy động bà con, bạn bè, những người đồng ý tưởng, bà đã chủ trì xây dựng mô hình “Tổ Bát cháo Tự Tâm”, nấu cháo tặng bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện. Với 12 thành viên ban đầu, là những người cao tuổi tự nguyện góp công, góp quỹ để thực hiện, mô hình đã nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự ủng hộ về kinh phí của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhà hảo tâm. Đến nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, “Tổ Bát cháo Tự Tâm” đã nấu hơn 300 nồi cháo từ thiện với hơn 60.000 suất cháo dành cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, tổ còn gây quỹ hỗ trợ 300 suất quà cho hoàn cảnh khó khăn.
Bà Lương trải lòng: “Thấm sâu việc học Bác ở tình yêu thương con người, đồng thời phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, mỗi thành viên trong tổ luôn cảm thấy bản thân cần phải sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội, biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chúng tôi đã cố gắng thực hiện ý tưởng của mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, với tâm nguyện là san sẻ bớt những khó khăn, thiếu thốn của người nghèo khi đến điều trị tại bệnh viện”.
Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng cuốn sổ nhỏ in bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Minh (SN 1955), Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trung Hải, thôn giáo toàn tòng của xã Gia Phố (Hương Khê) lưu giữ cẩn thận và coi đó là báu vật của cuộc đời mình.
Ông Minh thổ lộ: “Năm 1972, trước khi vào chiến trường miền Nam - Tây Nguyên, cấp trên đã trao tặng cho mỗi người lính chúng tôi một cuốn sổ nhỏ, trong đó có in bản Di chúc của Bác Hồ. Nghiền ngẫm từng chữ, từng ý của Bác, trong tôi như được tiếp thêm nguồn lực tinh thần to lớn, thêm quyết tâm để vượt qua gian khó, hy sinh, phấn đấu rèn luyện để trở thành người chiến sĩ trung thành với Đảng, với Nhân dân”.
Năm 1982, xuất ngũ trở về quê hương, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Trần Văn Minh tiếp tục cống hiến trên mặt trận mới. Hơn 26 năm gánh trên vai trọng trách người đứng đầu Chi bộ thôn Trung Hải, ông Minh một lòng vì dân, gương mẫu, “đi đầu bước trước” để mọi người làm theo. Trong giai đoạn thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông đã đi đầu cùng với tập thể cán bộ thôn lãnh đạo Nhân dân khắc phục khó khăn, đưa Trung Hải từ điểm xuất phát thấp, trở thành thôn đầu tiên của xã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu vào năm 2019. Không chỉ phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, ông Minh còn tiên phong xóa bỏ vườn tạp của gia đình, làm vườn mẫu và hiến 140 m2 đất để mở rộng tuyến đường thôn từ 1m lên 5m.
Ông Phan Anh Chứ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Phố tự hào: “Gần 70 năm tuổi đời, 46 năm tuổi Đảng, 26 năm là cán bộ thôn, CCB Trần Văn Minh là một đảng viên, giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo” và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương. Đặc biệt, tấm gương mẫu mực về học và làm theo Bác của đồng chí Minh đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã nhà đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương”.
Trong những năm qua, đặc biệt là trong 3 năm thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bên cạnh ban hành các văn bản, kế hoạch, triển khai thực hiện bám sát tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, Hà Tĩnh đã phát động phong trào học Bác sâu rộng trong mỗi cấp, ngành, mỗi lĩnh vực cụ thể. Trong đó, chú trọng việc xây dựng mô hình, điển hình học tập và làm theo; nêu gương trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. 12 cá nhân điển hình được tỉnh xét vinh danh cấp tỉnh, khu vực và Trung ương dịp sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01, là tấm gương sáng của những giáo viên tận tụy, sáng tạo trong sự nghiệp trồng người; những người khoác áo blouse trắng miệt mài cống hiến vì sức khỏe Nhân dân; những cán bộ cơ sở đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, đô thị văn minh; cán bộ, chiến sĩ LLVT như quân sự, công an, ngoài nhiệm vụ giữ gìn ANTT, bảo vệ Tổ quốc thì có các mô hình, hoạt động vì cộng đồng, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao… Mỗi người một vị trí công tác, một nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, nhưng họ đều mang trên mình hành trang là sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gặp nhau trên con đường phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước phồn thịnh, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Vượng Lộc từng là địa phương xếp tốp cuối của huyện Can Lộc, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để đưa phong trào của địa phương đi lên, Đảng bộ xã đã kiên định lời dạy của Bác: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Lấy dân làm gốc” trong mọi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.
Xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân bằng việc phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, Đảng ủy xã Vượng Lộc đã có nhiều giải pháp hữu hiệu trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đội ngũ cán bộ xã, đặc biệt là người đứng đầu đã thường xuyên thực hành nêu gương; gần dân, lắng nghe dân nói, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để đưa ra những chủ trương, quyết sách sát hợp với thực tế, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhờ đoàn kết một lòng trong xây dựng NTM; thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất; chăm lo công tác an sinh xã hội…, Đảng bộ và Nhân dân Vượng Lộc đã thu được những kết quả đáng tự hào: tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm (giai đoạn 2020-2023) đạt 11,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 51 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 3 với diện tích 653 ha (đạt 99,7%); đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2023. Đảng bộ xã 3 năm liền (2021-2023) được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được BTV Huyện ủy tặng giấy khen; Nhân dân và cán bộ xã Vượng Lộc được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh...
Ông Nguyễn Thành Chung - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vượng Lộc cho biết: “Qua thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã rút ra 3 bài học quan trọng, đó là: xây dựng khối đoàn kết, thống nhất nội bộ, phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi kế hoạch, hoạt động và tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân, vì dân. Những bài học này cũng chính là “kim chỉ nam” trên hành trình phát triển của địa phương”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng; trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cấp ủy Đảng và các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Lời Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Đoàn kết, cảnh giác; liêm, chính, kiệm, cần; hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, dũng cảm trước địch, vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, luôn được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh khắc ghi. Từ đó, không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phát triển KT-XH khu vực biên giới…
Học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lực lượng BĐBP Hà Tĩnh đã xây dựng thành công các mô hình học Bác như: “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn biên phòng”; “BĐBP chung tay xây dựng NTM”; Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh”... Từ các mô hình này, trong 3 năm qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp trao tặng 64 mô hình sinh kế với tổng trị giá trên 100 triệu đồng cho đồng bào vùng biên; tặng trên 6.000 suất quà, trị giá gần 5 tỷ đồng cho các hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách. Đặc biệt với các mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, BĐBP đã nhận nuôi 6 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cho 394 học sinh nghèo và 1 sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh (người dân tộc Chứt)… Với mô hình “BĐBP chung tay xây dựng NTM”, lực lượng đã huy động được 5.000 ngày công giúp các xã xây dựng NTM; đỡ đầu thôn 3, xã Hương Liên (Hương Khê) xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng...
Đại tá Nguyễn Thái Bình - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, nhờ duy trì hiệu quả phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, Đảng ủy BĐBP Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình để giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến biên giới, lãnh thổ; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới. BĐBP cũng đã xây dựng thành công các mô hình học Bác, với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt...”.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01, tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trên mỗi lĩnh vực, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành nền nếp, ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Ngành y tế học Bác về phát huy tinh thần “Lương y như từ mẫu”; ngành giáo dục nỗ lực xây dựng trường học tích cực, học sinh thân thiện, mỗi thầy cô là một tấm gương sáng để học sinh noi theo; các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ…
Song song với xây dựng các mô hình, việc tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị quan tâm thực hiện. Trong 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi đơn vị lựa chọn 2-4 tập thể, 2-3 cá nhân để bồi dưỡng, xây dựng gương điển hình học Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, qua đó chỉ đạo nhân rộng. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Thạch Hà đăng ký xây dựng 271 mô hình, huyện Đức Thọ 431; TX Hồng Lĩnh 331; huyện Kỳ Anh 190; huyện Nghi Xuân 245 mô hình học và làm theo Bác...
Trong 3 năm, toàn tỉnh vinh danh 3.845 gương điển hình tiên tiến (1.180 tập thể, 2.665 cá nhân). Những điển hình tập thể, cá nhân học và làm theo Bác không ngừng nhân rộng đã tạo sức mạnh to lớn để tỉnh nhà vượt qua khó khăn, thử thách, tạo sự bứt phá trên hành trình phát triển.
BÀI, ẢNH: THU HÀ - SONG THỦY - ANH TẤN
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(Còn nữa)