Báo Hà Tĩnh - Tin tức Hà Tĩnh mới nhất, tin nhanh Hà Tĩnh 24h
Story
Kinh tế
Nông nghiệp
“Cha đẻ” của hàng vạn cây giống ăn quả đặc sản
Tác giả: Ngọc Loan - Dương Chiến
04/03/2024 09:30
Tôi là Nguyễn Xuân Toàn (SN 1979) - Trại trưởng Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Truông Bát (Trại giống Truông Bát - đóng tại xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh). Năm 2003, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), tôi bắt đầu bén duyên với sự nghiệp “sản sinh” và chăm sóc cây giống. Hơn 20 năm có cơ hội được làm việc tại nhiều đơn vị chuyên về cây giống, nhờ đó tôi tích lũy được kha khá kinh nghiệm.
Tôi “đầu quân” cho Trại giống Truông Bát từ năm 2017. Đây là đơn vị trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, có nhiệm vụ khảo nghiệm, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhằm lưu giữ và khai thác sử dụng làm mắt ghép nhân giống một số giống cây ăn quả đặc sản của tỉnh và cây lâm nghiệp.
Trại giống Truông Bát được thành lập từ năm 1994, tuy nhiên, giai đoạn từ 2007 - 2017 gần như bỏ hoang, không sản xuất. Năm 2017, bằng nguồn lực xã hội hóa, trong đó có sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup và sự đóng góp của cán bộ, nhân viên, trại được “hồi sinh”. Thời điểm đó, ở đây gần như là một rừng hoang cây cỏ, chỉ có một số cây ăn quả, phải cải tạo lại gần như toàn bộ.
Đến nay, trại có diện tích hơn 3 ha với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó có 7 nhà lưới phục vụ cho công tác bảo tồn gen và nhân giống cây ăn quả có múi.
Trại đang lưu giữ, bảo tồn 450 cây giống, trong đó 80 cây S0 (là cây được nhân giống vô tính theo phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng từ cây đầu dòng cây có múi, được kiểm tra và xác nhận không mang mầm bệnh vàng lá Greening và bệnh Tristeza) và 370 cây S1 (là cây được nhân giống vô tính từ cây S0, được kiểm tra và xác nhận không mang mầm bệnh vàng lá Greening và bệnh Tristeza). Ngoài ra, trại còn có 2 cây bưởi Phúc Trạch đầu dòng.
Trong 80 cây S0 có 15 cây quýt khốp Kỳ Anh, 15 cây cam Khe Mây, 20 cây bưởi Phúc Trạch, 15 cây cam chanh và 15 cây cam bù. Đây đều là các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Cây ăn quả là cây trồng lâu năm, việc lựa chọn giống cây có ý nghĩa quan trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Do vậy, nguồn cây S0 và S1 được lưu giữ ở trại là vô cùng quý giá phục vụ việc nhân giống, cung cấp cây giống chất lượng cao cho người dân sản xuất. Theo chu trình 5 năm một lần, các cây giống S0 và S1 sẽ được đánh giá và thay lại.
Từ nguồn gen cây giống S0 và S1, trung bình mỗi năm, chúng tôi đã sản xuất hơn 10.000 cây giống ăn quả các loại, cung ứng cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Trước đây, Trại giống Truông Bát có 6 người, sau khi sắp xếp lại nhân sự, hiện quân số của trại còn 3 người. Công việc hằng ngày của chúng tôi ở trại là lấy mắt ghép nhân giống, theo dõi và chăm sóc cây giống theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Đây là anh Trịnh Đình Triều - cán bộ kỹ thuật của trại. Cũng như tôi, anh Triều gắn bó với Trại giống Truông Bát từ những ngày đầu trại được khôi phục trở lại. Anh là người đồng hành cùng tôi trong quá trình sản xuất, chăm sóc cây giống.
Công việc thường xuyên của anh Triều là theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh, thực hiện các công tác kỹ thuật như cắt tỉa cành, ghép cây, theo dõi sinh trưởng cây trồng.
Còn chị Trần Thị Kỳ là kỹ thuật viên, đã làm việc ở đây từ năm 1995 và có kinh nghiệm dày dặn trong chăm sóc cây giống để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hằng ngày, chị phụ trách các công việc như tưới nước, dọn cỏ, cắt cành cây...
Trong các công việc ở trại thì ghép mắt nhân giống cây là kỹ thuật đặc biệt quan trọng và cần sự tỉ mẩn nhất. Để tỷ lệ ghép thành công đạt cao, sau khi chuẩn bị các dụng cụ như dao, kéo, bằng con mắt và bàn tay của người làm nghề lâu năm, chúng tôi phải lựa chọn được những mắt và gốc ghép chất lượng.
Mắt ghép phải lấy mắt nằm giữa cành của những cành mập, khỏe, được chọn cành từ bánh tẻ (cành có lá đã ổn định, không non cũng không quá già) trên cây S1 hay cành bánh tẻ ở những cây đã cho quả ổn định và chọn cành nằm ở lưng chừng tán trên vườn cây tập đoàn. Gốc ghép phải chọn gốc sinh trưởng khỏe, sạch bệnh, có đường kính gốc cách mặt đất 20 cm đạt từ 0,6 - 0,8 cm.
Chúng tôi dùng dao ghép chuyên dụng tạo lát cắt phần mắt ghép và gốc ghép cho thật phẳng mịn, mắt ghép vừa với miệng ghép ở gốc rồi ghép vào với nhau. Sau đó, phải quấn dây nilon thật chặt cho vết ghép bao kín toàn bộ mắt và miệng ghép để tránh nước thấm vào làm hỏng. Sau thời gian khoảng 2-3 tháng mới đánh giá được độ thành công của cây sau ghép.
Đối với chúng tôi, làm cây giống cũng như chăm con cái. Không chỉ nắm vững kỹ thuật mà đòi hỏi người làm phải yêu nghề, tâm huyết với nghề, chỉn chu trong từng công đoạn. Có như vậy mới tạo ra những cây giống khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, cho năng suất hiệu quả.
Ngoài nhiệm vụ thường xuyên thực hiện tại trại, tôi cùng anh Triều còn đến các vườn cây của người dân để khảo sát, trao đổi, chuyển giao các kiến thức về kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho bà con.
Trong những năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Trại giống Truông Bát đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và là một trong những cơ sở được công nhận đủ điều kiện sản xuất giống cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, được các cấp, ngành đánh giá cao trong công tác bảo tồn, phát triển giống cây ăn quả có múi.
Tin liên quan
Hoàn thiện quy trình sản xuất cam chanh, bưởi Phúc Trạch hữu cơ
Bưởi Phúc Trạch mang về cho người dân Hương Khê gần 590 tỷ đồng
Có thể bạn quan tâm
Sẵn sàng cho ngày khai hội cam và các sản phẩm Hà Tĩnh
Chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông
TP Hà Tĩnh có thêm 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao
Quyết tâm đưa Cẩm Xuyên đạt huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024
Tàu thuyền của Hà Tĩnh cơ bản đang neo đậu, không ra khơi
Trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao ở Đức Thọ
Mục sở thị những gốc cam gần 20 tuổi, quả ngọt lịm ở Hà Tĩnh
Sản xuất trong nhà lưới - giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị