Bằng đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng, anh Nguyễn Tuấn Anh - SN 1988, trú thôn Tân Bình, xã Sơn Ninh (huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh) đã chế tác ra những sản phẩm gỗ độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Với anh, việc theo nghề không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giữ gìn, trao truyền cho những người đam mê nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em ở thôn Tân Bình (xã Sơn Ninh), bố mất khi Nguyễn Tuấn Anh vừa tròn 7 tuổi, một mình mẹ phải tần tảo nuôi anh và các em ăn học.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2006), Nguyễn Tuấn Anh xin mẹ học nghề ở Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Đến năm 2010, anh vào Gia Lai theo học nghề điêu khắc mỹ nghệ. Sau nhiều năm lăn lộn, tích lũy kinh nghiệm, năm 2014 Nguyễn Tuấn Anh quyết chí trở về quê hương lập nghiệp.
Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: "Thời gian đầu về quê lập nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn, bởi khách hàng chưa biết đến sản phẩm của mình và giá trị thực của các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Nhưng không nản chí, bằng kinh nghiệm và kỹ thuật có được, tôi đã tự sáng tạo ra các tác phẩm từ nhỏ nhất có thể cầm tay đến các sản phẩm lớn như tranh, tượng gỗ với các nét đục đẽo tinh xảo, sắc nét.
Dần dần, khách yêu nghệ thuật thích thú, truyền tai nhau và tìm đến xưởng đặt hàng ngày càng nhiều. Hiện nay, xưởng của tôi không thiếu việc, ngoài phục vụ khách trong tỉnh, các tác phẩm còn được khách ở các tỉnh bạn như: Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai... đặt hàng liên tục".
Theo Nguyễn Tuấn Anh, điêu khắc gỗ là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài khéo tay, phải có sự sáng tạo, nghề cũng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê.
Ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải học vẽ để biết cách tạo dáng, biết phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm.
Trước khi bắt tay vào chế tác một sản phẩm nào đó, Nguyễn Tuấn Anh đều kiểm tra lại đồ nghề của mình. “Gia tài” của anh chỉ đơn giản là những chiếc đục sắt, cưa, máy phay gỗ...
Nói về đặc thù của nghề điêu khắc gỗ, Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng nghề điêu khắc gỗ khác với nghề mộc dân dụng ở chỗ đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và có tính nghệ thuật rất cao.
Trong khi nghề mộc dân dụng có thể sử dụng máy móc sản xuất ra sản phẩm hàng loạt giống nhau thì mỗi tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ra đời là độc bản”.
Từ những gốc cây, thân cây, rễ cây... Nguyễn Tuấn Anh đã sáng tạo ra những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ, khối u, lỗ thủng... trên từng khối gỗ.
Bởi vậy, dù cùng kích thước, hình dáng hay chất liệu gỗ nhưng nét đẹp, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt, không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào.
Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng quan trọng nhất là công đoạn chọn phôi gỗ, hình thành ý tưởng, phá thô, làm tinh xảo sắc nét, hoàn thiện sản phẩm.
Hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ. Theo đó, gỗ phải là loại tốt, có độ dẻo, không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải có sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động, có “hồn”...
Trước yêu cầu của tác phẩm điêu khắc, anh Nguyễn Tuấn Anh luôn nâng cao tay nghề, không ngừng sáng tạo và thường xuyên lên mạng internet sưu tầm, cập nhật hình ảnh độc, lạ nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Đeo đuổi nghề điêu khắc gỗ không phải một sớm một chiều sẽ thành công mà cần cả một quá trình nỗ lực, rèn dũa. Muốn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải có nhiệt huyết, đam mê, dấn thân với nghề. Với “nghệ nhân” trẻ Nguyễn Tuấn Anh cũng vậy, anh luôn học hỏi, nghiên cứu, để mỗi tác phẩm ra đời luôn được trọn vẹn. Với anh, việc theo nghề điêu khắc gỗ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giữ gìn, trao truyền cho những người đam mê nghệ thuật này.
Đến với nghề điêu khắc gỗ đã được gần 12 năm, đến nay, Nguyễn Tuấn Anh đã sáng tác trên 1.000 tác phẩm.
Giờ đây, Nguyễn Tuấn Anh được khách hàng gọi là “nghệ nhân”, bởi đôi bàn tay tài hoa của anh đã chạm trổ ra những đường nét, hoa văn, họa tiết cầu kỳ đạt đến độ tinh xảo.
Khi khách hàng mang gốc gỗ đến cơ sở, việc đầu tiên mà Nguyễn Tuấn Anh làm là định hình ra tác phẩm và báo giá tiền công.
Theo Nguyễn Tuấn Anh, muốn trở thành nghệ nhân có tay nghề giỏi, quan trọng nhất phải chú tâm vào nghề để sản phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao. Tuấn Anh chia sẻ, có những tác phẩm anh phải mất nhiều tháng miệt mài đục đẽo, tỉ mỉ chạm khắc mới thành công.
Bên cạnh chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, Nguyễn Tuấn Anh rất chú trọng chữ tín trong sản xuất và kinh doanh. Anh luôn luôn giao hàng đúng hẹn, đảm bảo chất lượng và sẽ từ chối đơn hàng nếu không đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian của người đặt.
Các sản phẩm điêu khắc gỗ của Nguyễn Tuấn Anh đều có nội dung, hình ảnh thân thuộc với người Việt, như: tranh Bác Hồ, tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng Phật, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng 12 con giáp, tranh thư pháp, tranh tứ quý...
Mỗi tác phẩm có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ, kích thước, sự cầu kỳ, công phu và cái hồn trong từng sản phẩm.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của Nguyễn Tuấn Anh nhận khoảng 10 - 15 đơn hàng.
.
Cặp tranh thư pháp để bàn được anh Nguyễn Tuấn Anh vẽ bằng ngòi bút kim loại, được nung nóng bằng điện.
Tác phẩm Long Quy - là tuyệt tác mà Nguyễn Tuấn Anh dày công và tâm đắc, phải mất hơn 3 tháng mới có thể hoàn thành.
Những đòi hỏi khắt khe của nghề điêu khắc gỗ không chỉ tạo cho Nguyễn Tuấn Anh đôi tay tài hoa, khối óc sáng tạo mà còn rèn đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ để bền bỉ với nghề.
Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ đây là nghề khó theo đuổi nhưng sẽ dễ dàng với những ai có niềm đam mê. Bản thân tôi có nghề cũng nhờ đam mê và ham học hỏi. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được truyền nghề lại cho thế hệ sau, đặc biệt là những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề ngày càng phát triển” - Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
.........
Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: “Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nhận đào tạo và tạo việc làm cho các thanh niên trên địa bàn có chung niềm đam mê, góp phần đưa nghề điêu khắc gỗ ngày càng phát triển, mở rộng ở địa phương.
Nguyễn Tuấn Anh là một trong những đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Đoàn xã Sơn Ninh, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, khao khát học hỏi và quyết chí đi theo đam mê. Những thành quả mà anh đạt được hôm nay không tự nhiên có mà bắt nguồn từ tinh thần học hỏi, lao động nghiêm túc, không chịu khuất phục bởi khó khăn. Không chỉ say mê với nghề, Nguyễn Tuấn Anh còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhất là đoàn hội; sống chan hòa, gần gũi, luôn sẵn sàng giúp đỡ đoàn viên thanh niên trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống". Bí thư Đoàn xã Sơn Ninh Nguyễn Văn Nhật |
trình bày: huy tùng