Chấp nhận số phận nhưng không đầu hàng số phận, anh Phạm Sỹ Long (SN 1988) - một người khuyết tật nặng ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Anh là 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước vừa được vinh danh tấm gương “Tỏa sáng nghị lực Việt” cuối năm 2022.
Cách đây hơn 10 năm, chàng trai ở Hà Tĩnh bị liệt tứ chi nhưng dùng miệng để viết thơ, hồi ký và vẽ tranh trở thành câu chuyện lan tỏa khắp cộng đồng mạng và cơ quan truyền thông. Cho đến hôm nay, anh vẫn là một “hiện tượng” về nghị lực phi thường để tất cả mọi người, nhất là người khuyết tật được tiếp thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống.
Phạm Sỹ Long sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác trong gia đình có 4 chị em. Cuộc sống dẫu còn khó khăn bởi cha mẹ đều làm nông để nuôi các con ăn học nhưng gia đình vẫn luôn êm đềm, hạnh phúc. Biến cố ập đến vào năm 2003, khi chuẩn bị bước vào lớp 10, trong một lần trèo cây, Phạm Sỹ Long bị ngã dập đốt xương cổ. Chấn thương đó khiến anh không thể vận động được, chân tay ngày càng teo tóp. 15 tuổi - lứa tuổi đầy hoài bão, ước mơ của anh phải khép lại để làm bạn với chiếc xe lăn.
Không chấp nhận nổi sự thật nghiệt ngã, Phạm Sỹ Long đã có những chuỗi ngày dài bi quan, tâm lý bị kích động. Anh buông xuôi với cuộc sống của mình dẫu gia đình, người thân hết lòng yêu thương, chia sẻ. Phải mất hơn 4 năm, Phạm Sỹ Long mới dần chấp nhận sự thật và anh bắt đầu tự vực dậy với khát khao sống, quyết tâm “trở thành một bản ngã có ý nghĩa hơn”.
Tình mẹ đã giúp anh Phạm Sỹ Long thoát khỏi vực sâu tuyệt vọng.
Anh Long trải lòng: “Có thời điểm tôi đã muốn kết thúc cuộc đời mình, tôi mắng chửi mẹ, phá đồ đạc khi được mẹ chăm sóc. Rồi tôi thấy mẹ khổ vì tôi nhiều quá, dần dần tôi suy nghĩ tích cực hơn. Tôi bắt đầu hát để giải tỏa tâm lý. Hè năm 2007, khi được xem tivi, nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật viết bằng chân, tôi ước gì mình có thể viết được. Chân tay không thể cử động được, tôi nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Lúc đó, mọi người đều nghĩ tôi đang mơ mộng viển vông, thế nhưng, với quyết tâm của mình, tôi đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên. Ban đầu nét chữ rất to, tôi tô đi tô lại rồi tập viết nhỏ dần đến lúc có thể viết thẳng hàng. Những dòng chữ đầu tiên tôi viết họ tên của mình, của người thân trong gia đình”.
Những dòng chữ được viết bằng miệng là họ tên của mình, của người thân trong gia đình.
Không chỉ tập viết, anh còn tập vẽ tranh, tô màu…
Với một người lành lặn khỏe mạnh ngậm bút vào miệng ngồi viết đã khó bội lần và chưa mấy ai có thể thực hiện được. Và, Long đã kiên trì luyện tập, có lúc miệng bị loét, răng ê buốt, đầu choáng váng nhưng anh vẫn không nản lòng.
Thậm chí, có thời gian, hàng tháng trời anh chỉ có thể uống nước cháo loãng vì miệng đau do ngậm bút quá nhiều; mắt cũng mờ dần khi phải nhìn sổ quá gần. Khổ cực là vậy, thế nhưng, không chỉ tập viết, anh còn tập vẽ tranh, tô màu… Những bức tranh vẽ về hoa lá, tĩnh vật cứ thế dần hiện lên đầy màu sắc bằng cách vẽ đặc biệt của Long.
Không chỉ tập viết, tập vẽ, Long bắt đầu nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn. Và anh bắt đầu vẽ tranh và viết có chủ đề. Hàng chục bức tranh, hơn 300 bài thơ và các tập truyện ngắn đã ra đời bằng nghị lực phi thường của Long. Với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2013, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”. Số tiền có được từ xuất bản thơ và sách, một phần anh dùng để trao tặng các suất quà cho trẻ em nghèo học giỏi trên địa bàn.
Với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2013, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”
Bên cạnh đó, từ năm 2010, Long dành tâm huyết viết hồi ký đời mình, tuy nhiên, đến năm 2016, khi đã được hơn 800 trang thì phải tạm dừng do các khớp miệng của anh bị lệch, răng bị mài mòn.
Không thể dùng miệng để viết lên sổ nhiều như trước, Phạm Sỹ Long chuyển sang dùng bút ngậm tự chế để thao tác trên điện thoại, ipad. Cũng nhờ việc tham gia mạng xã hội, anh tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài và bắt gặp hình ảnh Nick Vujicic - một thanh niên không tay không chân người Úc nhưng đã trở thành một diễn giả truyền cảm hứng khắp thế giới. Từ đây, Phạm Sỹ Long như nhìn thấy con đường đi mới của mình, anh bắt đầu tham gia các khóa học về luyện giọng, đào tạo MC từ các diễn giả trong và ngoài nước như MC Thanh Bạch, diễn giả Jimmy Thái, nhạc sỹ khiếm thị Hà Chương… Thấy anh chịu khó, ham học, nhiều cơ sở đào tạo đã cấp học bổng, tiếp sức để anh theo đuổi đam mê.
Sử dụng điện thoại thông minh giúp anh Long tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài.
Hè năm 2021, Phạm Sỹ Long bắt đầu hiện thực hóa ý nghĩ táo bạo của mình - thử nghiệm mở lớp học online luyện giọng nói. Cuối năm 2021, anh ra mắt câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” trên kênh youtube và facebook. Khóa học đầu tiên, câu lạc bộ đón nhận 20 học viên đăng ký tham gia ở khắp mọi miền đất nước. Ban đầu, câu lạc bộ mở ra nhằm tạo môi trường giao lưu, học hỏi cho những người khuyết tật nhưng đến nay, đã có những học viên là học sinh, giáo viên, công chức... tham gia. Họ đến với anh không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng, nghị lực sống.
Học viên Nguyễn Thương chia sẻ: “Trước đây lúc nói tôi thường bị hụt hơi, không rõ khẩu hình miệng, điều đó khiến tôi rất tự ti trong giao tiếp. Nhưng khi được tiếp cận khóa học của anh Phạm Sỹ Long, tôi dần học hỏi được nhiều kỹ năng và điều chỉnh được giọng nói của mình. Đến bây giờ tôi đã có thể tự tin giao tiếp và làm người dẫn chương trình khi có yêu cầu. Không chỉ thế, câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của anh còn giúp tôi có thêm động lực để cố gắng vượt qua chính mình”.
Một buổi lên lớp của thầy Phạm Sỹ Long.
Sau hơn 1 năm mở lớp, đến nay, anh đã khai giảng khóa học thứ 8 với gần 100 học viên tham gia, mỗi khóa học kéo dài 12 buổi. Để duy trì lớp học, anh thu một khoản phí nho nhỏ; đối với những học viên khó khăn, khuyết tật nhưng có đam mê học thì anh không thu phí. Ngoài giảng dạy online, chỉ với cây bút ngậm trên miệng, anh Long còn tự chỉnh sửa video, thiết kế maket online, tự tạo và đăng tải, chia sẻ các video của bản thân.
Anh Long bộc bạch: “Việc mở lớp online cũng là cách để tôi nâng cấp bản thân. Khi chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, tôi cũng học lại từ mọi người nhiều điều hay và có thêm những người bạn mới. Hơn 1 năm nay, khi mở lớp học, tôi như được sinh ra một lần nữa, bởi vì tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình mỗi khi được chia sẻ những kiến thức mà mình đã học được. Tuy chưa giàu về kinh tế nhưng tôi là tỷ phú về tình yêu thương. Tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình”.
Phạm Sỹ Long là người truyền cảm hứng tích cực cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Không dừng lại với những lớp học online, Phạm Sỹ Long còn là người truyền cảm hứng tích cực cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Anh trở thành nhân vật chính chia sẻ động lực, thắp lửa nhiệt huyết sống và cống hiến trong các chương trình ngoại khóa của nhiều trường học trên địa bàn.
Cũng là một người mang trên mình những khiếm khuyết tại địa bàn huyện Nghi Xuân, bạn Phạm Thu Hằng chia sẻ: “Thật khó có thể tránh khỏi những mặc cảm khi bị khuyết tật vận động, song câu chuyện cuộc đời và những việc anh Phạm Sỹ Long đang làm đã giúp tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống. Anh đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng để lựa chọn những niềm yêu thích, lựa chọn công việc phù hợp, từ đó tôi kết giao rộng hơn, tự tin hơn. Từ chỗ tự ti nay tôi luôn tin yêu và hy vọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống”.
Đoàn viên Trần Ngọc Ảnh (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho biết: “Được biết về câu chuyện cuộc đời của anh Long rồi trực tiếp trò chuyện cùng anh là cơ hội để tôi nhìn nhận lại bản thân; để hiểu rằng, khi mình đang có tuổi trẻ, sức khỏe đã là một điều may mắn và cần phải cống hiến nhiều hơn, mang tới nhiều hơn những điều tốt đẹp cho xã hội”.
Dũng cảm vượt qua “vùng an toàn” của bản thân, mới đây, Phạm Sỹ Long đã đăng ký hiến đầu mình cho ca “phẫu thuật ghép đầu người” đầu tiên tại Việt Nam nếu như được thực hiện, đăng ký hiến toàn bộ cơ thể của mình cho y học sau khi qua đời.
Bí thư Đoàn xã Xuân Phổ Trần Thị Hà thông tin: “Vượt qua biến cố và nghịch cảnh, anh Phạm Sỹ Long đang lan tỏa lối sống tích cực, tinh thần lạc quan đến đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã. Sắp tới đây, trong các chương trình, hoạt động của Đoàn, chúng tôi sẽ tiếp tục mời anh tham gia để truyền động lực cho các bạn trẻ”.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, những điều anh làm đã giúp anh trở thành điển hình tiêu biểu trong học và làm theo Bác do Đảng ủy xã Xuân Phổ vinh danh giai đoạn 2011-2025; được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2022; tấm gương “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trao tặng năm 2022…
Tai nạn cướp đi cơ thể của Phạm Sỹ Long nhưng không cướp được trái tim tràn đầy tình yêu cuộc sống trong anh, trái lại còn cho anh nghị lực phi thường. Anh đang sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và đáng khâm phục với phương châm sống “tôi chấp nhận số phận nhưng tôi không đầu hàng số phận”. Giờ đây, khi đã tìm được cách thực hành khác, Phạm Sỹ Long đang tiếp tục viết hồi ký của mình với những trang đời đầy tươi sáng, lan tỏa lối sống đẹp, tích cực đến cộng đồng.
“Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các lớp học online và tiếp tục viết sách, viết thơ bằng máy tính. Tôi không muốn sống hoài, sống phí thêm một phút giây nào nữa. Tôi mong mỗi bạn trẻ hãy biết trân trọng mỗi giây phút đi qua, để sống có ích và ý nghĩa hơn” - Phạm Sỹ Long tâm sự.
Thiết kế: Thanh Hà