Hà Tĩnh sáp nhập tổ chức, đơn vị: Giảm đầu mối các tổ chức hội

(Baohatinh.vn) - Kết luận 05-KL/TU, ngày 29/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về “Một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị” đề cập sâu việc sắp xếp các tổ chức hội.

>> Hà Tĩnh sáp nhập thôn: Giảm 11.849 người làm, tiết kiệm 84 tỷ đồng/năm!

Kết luận nêu rõ: “Tiếp tục sắp xếp các tổ chức hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật”. Theo đó, việc sắp xếp tổ chức hội đã được nhiều địa phương tích cực thực hiện...

Can Lộc tiên phong

Ngày 17/12/2015, UBND huyện Can Lộc ban hành Quyết định số 3020/QĐ-UBND “Về phê duyệt đề án sáp nhập các tổ chức hội”. Thời điểm đó, Can Lộc có 16 tổ chức hội hoạt động, trong đó, 7 hội đặc thù, hưởng lương từ ngân sách. Trên cơ sở đề án, từ đầu năm 2016, tất cả các tổ chức hội từ cấp huyện đến cơ sở ở Can Lộc đã tiến hành các bước sáp nhập.

Chủ tịch UBND huyện Võ Hữu Hào cho hay: “Thực tế hoạt động của các tổ chức hội này nhiều năm qua còn một số mặt hạn chế. Một số hội còn lúng túng trong hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Kinh phí hoạt động của các hội còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách, việc các hội tự tạo lập còn ít; việc chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên, các tổ chức hội trên cùng một lĩnh vực còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã ban hành đề án để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội này”.

ha tinh sap nhap to chuc don vi giam dau moi cac to chuc hoi

UBND huyện Can Lộc xây dựng đề án sáp nhập một số tổ chức xã hội vào Hội Chữ thập đỏ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. (Trong ảnh: Đại biểu tham dự Đại hội Hội Chữ thập đỏ huyện Can Lộc biểu quyết, bầu 23 ông bà vào BCH nhiệm kỳ 2016 – 2021)

Theo phương án trình bày trong đề án, đối với cấp huyện, sáp nhập hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi với hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hội khuyến học với hội cựu giáo chức. Đối với hội cấp cơ sở, sáp nhập hội người mù, chữ thập đỏ, nạn nhân chất độc da cam, bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành hội chữ thập đỏ, bảo trợ xã hội và người khuyết tật; sáp nhập hội khuyến học và hội cựu giáo chức.

Với quyết tâm chính trị của cấp huyện và cơ sở, đến nay, 23 xã, thị trấn đều đã thực hiện thành công các phương án sáp nhập theo đề án. Tại Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ huyện nhiệm kỳ 2016– 2021, ngày 21/7/2016, BCH hội đánh giá: “Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đề án của UBND huyện về sáp nhập một số tổ chức xã hội vào hội chữ thập đỏ xã, thị trấn, từ đó, hoạt động của hội chữ thập đỏ có vị trí, vai trò lớn hơn, hiệu quả hoạt động tốt hơn, toàn diện hơn. Từ hiệu quả hoạt động bước đầu, có thể khẳng định, chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về sáp nhập hội ở cơ sở là đúng đắn, phù hợp, giảm được sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động nhân đạo, từ thiện”.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Trần Xuân Hoài cho hay: “Quá trình tham mưu xây dựng đề án, chúng tôi đã gặp gỡ các tổ chức hội nên khi tiến hành thực hiện, mọi việc đều thuận lợi. Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi sáp nhập với hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vừa qua đã tổ chức đại hội, bầu ông Trần Quốc Dinh làm chủ tịch. Đầu năm 2016, hội khuyến học và hội cựu giáo chức từ cơ sở đến huyện đã sáp nhập thành một tổ chức. Các hội: sinh vật cảnh, hội làm vườn giao hội nông dân quản lý; hội truyền thống bộ đội Trường Sơn giao hội cựu chiến binh tiếp nhận, quản lý”.

Lộc Hà tiếp bước

Thực trạng hoạt động các tổ chức hội, bên cạnh những ưu điểm còn bộc lộ những hạn chế là tình trạng phổ biến ở các địa phương. Từ thực tế này, huyện Lộc Hà đã triển khai bàn phương án sáp nhập khá sớm. Ông Nguyễn Viết Cường – Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: “Việc sáp nhập tổ chức hội là rất cần thiết, song mỗi hội có mỗi chức năng, nhiệm vụ và đóng góp riêng nên phải bàn bạc kỹ lưỡng để thống nhất. Từ chủ trương của huyện, ngày 14/10/2015, Phòng Nội vụ đã ban hành Công văn số 30 về việc góp ý phương án tinh gọn bộ máy tổ chức hội cấp xã. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, ngày 4/4/2016, UBND huyện ban hành Công văn 404 “Về việc thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức hội xã hội cấp xã”.

ha tinh sap nhap to chuc don vi giam dau moi cac to chuc hoi

Tại Lộc Hà, 13/13 xã đã sáp nhập hội nạn nhân chất độc da cam - dioxin với hội bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi. (Trong ảnh: Khám, tư vấn sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam - điôxin)

Ông Cường cho biết thêm: đến nay, 13/13 xã đã sáp nhập hội nạn nhân chất độc da cam - dioxin, bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi, đã bố trí 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch; sáp nhập hội khuyến học và hội cựu giáo chức, bố trí 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch. Mức phụ cấp đối với chủ tịch và phó chủ tịch các tổ chức hội này hiện là 700.000 đồng/tháng và 600.000 đồng/tháng. Hiện, huyện đang bàn bạc để xây dựng đề án thực hiện Kết luận 05-KL/TU của BTV Tỉnh ủy, theo đó, các hội cấp huyện sẽ tiến hành sáp nhập như phương án của cơ sở.

Theo tìm hiểu ở các địa phương, không chỉ Can Lộc, Lộc Hà mà các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Cẩm Xuyên cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức sáp nhập các hội. Tại Cẩm Xuyên, các xã Cẩm Bình, Cẩm Thịnh, Cẩm Lạc đã hoàn thành việc sáp nhập. Tuy vậy, nhìn chung, nhiều địa phương vẫn còn nhiều tổ chức hội như: TP Hà Tĩnh 22, Thạch Hà 18, Hương Sơn 18, Vũ Quang 15…

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.078 tổ chức hội, trong đó, cấp xã có 1.836 hội; kinh phí hoạt động còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách, chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí. Trong lộ trình thực hiện Kết luận 05-KL/TU, các địa phương sẽ tiến hành khảo sát thực trạng, kiện toàn tổ chức, hoạt động các hội theo hướng gọn đầu mối, hiệu quả; cấp ngân sách phải cân đối, hỗ trợ kinh phí cho các hội theo khả năng của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.

Nếu chủ trương trên thực hiện rộng rãi, mỗi xã chỉ còn 4 tổ chức hội, giảm khoảng 800 tổ chức trên toàn tỉnh; các hội nghề nghiệp được chuyển sang hình thức giao tự chủ mọi mặt.

(Còn nữa)

Đọc thêm