Ngày ngày, trên tầng 20 của tòa nhà 93, phố Lò Đúc (Hà Nội), người ta vẫn thấy một ông già trán cao, tóc trắng bước vào thang máy một cách điềm tĩnh. Gia đình GS Đinh Xuân Lâm sống ở Thái Thịnh nhưng người con trai cả đã dành cho cha mình căn hộ đẹp ở nơi này để hàng ngày cụ có thể chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học lịch sử mà 60 năm qua cụ đã say sưa theo đuổi.
Phong thái thâm trầm, bước đi không còn nhanh nhẹn nhưng đôi mắt tinh anh và giọng nói chậm rãi nhưng rất khúc chiết chứng tỏ ở tuổi 86, GS Lâm vẫn còn khỏe mạnh và minh tường. Khi biết tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Hà Tĩnh, cụ bỗng sôi nổi: “Quê gốc tôi ở Sơn Tân - Hương Sơn nhưng tôi cũng sinh ra ở thị xã Hà Tĩnh. Được 1 năm thì theo bố ra Thanh Hóa sống. Hồi đó bố tôi làm tri huyện ở Yên Định. Lớn lên ở quê hương Lê Lợi, năm 1946 tôi đã dạy trung học ở Lam Sơn, năm 1954, ra Hà Nội học Đại học sư phạm Văn khoa đến năm 1956 tốt nghiệp và được phân công giảng dạy bộ môn Lịch sử cận đại tại Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
GS - NGND Đinh Xuân Lâm trong những phút giây thư thái ngắm nhìn phố phường Hà Nội |
Sự nghiệp khoa học của chàng trai mang trong huyết quản của mình nhiều ân nghĩa với quê hương đất nước cũng bắt đầu từ đây. Ngoài những giờ trên bục giảng, anh giành nhiều thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu và viết bài cho các tạp chí, giáo trình, sách khoa học. Nhiều công trình do anh chủ biên hoặc tham gia viết là sách giáo khoa, giáo trình của học sinh, sinh viên như “Lịch sử Việt Nam Cận đại” tập 2, … Nhiều công trình mang tính khai mở, phát hiện cao, góp phần đúc kết những bài học về chính trị, kinh tế, văn hóa, KHKT của các triều đại, các nhân vật trong lịch sử cho đời sau như: “Tứ bình thời Lê Trịnh” “Phong trào Đông kinh nghĩa thục” …
Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, ông đã cùng các nhà nghiên cứu như: Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều diễn đàn khoa học để khơi dậy những giá trị to lớn mà cha ông để lại, làm phong phú và sâu sắc thêm những di sản vật thể và phi vật thể. Đó là những bài viết: “Nhà đấu xảo”, “Phố Tràng Tiền”, “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”... Ông tham gia chủ trì hội thảo “Lê Trịnh với Thăng Long - Hà Nội”, viết bài cho các hội thảo về nhà Nguyễn, nhà Mạc và 7 hội thảo về các dòng họ khác trên cả nước.
Đến nay, GS Đinh Xuân Lâm đã có trên 300 công trình nghiên cứu, trong đó: 210 đầu sách, 614 bài viết cho các tạp chí… Năm 1980, ông được phong nhà giáo nhân dân và năm 1984 được phong hàm giáo sư. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu trong nước, ông còn được mời tham gia giảng dạy ở Đại học Pháp, Hà Lan, Đức, làm chuyên gia ở Malaysia, Châu Phi. |
Dù không có nhiều ký ức tuổi thơ ở Hà Tĩnh nhưng dòng sông Ngàn Phố hiền hòa và nhiều trầm tích văn hóa chảy quanh làng Sơn Tân quê hương cùng những tên đất, tên người Hà Tĩnh ghi đậm dấu ấn trong tâm trí ông. “Đó là một vùng đã hiến dâng cho đất nước, cho Thăng Long nhiều danh nhân, hiền tài, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tôi đã nhiều lần trở về Hà Tĩnh, tham gia viết “ Thông sử Hà Tĩnh”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh”, tham gia các hội thảo về Nguyễn Công Trứ, Tùng Ảnh, Ngã ba Đồng Lộc”…
Những ý kiến tâm huyết của ông tại một số hội thảo ở Hà Tĩnh không dài nhưng sâu sắc, mới mẻ và rất cần thiết cho việc gìn giữ, phát huy những giá trị ông cha để lại. Hiện tại, GS Đinh Xuân Lâm là 2 trong tứ trụ “ Lâm, Lê, Tấn, Vượng” của nước nhà còn khỏe mạnh và còn hăng say hoạt động. Mỗi người một phong cách nhưng chung nhau ở nhiệt huyết và niềm đam mê. GS Lâm khoe: Tôi vừa đi Pháp, Hung, Đức, Ý về. Không phải theo con đường của Nhà nước nhưng đó là một chuyến đi hết sức thú vị, cho tôi thêm nhiều niềm vui và nghị lực để sống, để làm việc.
GS Lâm có 3 người con, tất cả đều thành đạt, một người con gái học xong Đại học ở Bun-ga-ri về làm việc tại Viện Năng lượng, một người con trai đang định cư ở Bu-đa-pét, một con trai là trung tá quân đội. Bà vợ của ông đã tuổi cao sức yếu sống ở phố Thái Thịnh cùng cô con gái. Nhắc đến bà vợ, giáo sư bùi ngùi kể cho tôi một kỷ niệm: Đã 3 lần ông được gặp Bác Hồ vào dịp 30 Tết, khi Người đến chúc Tết các trí thức, văn nghệ sĩ nhưng có một lần làm ông nhớ mãi. Đó là khoảng năm 1958 hay 1959 gì đó, ngoài sân trời bắt đầu rét. Bác Hồ cầm 2 gói quà từ tay người phục vụ và nói: “Chú nhớ mang về cho thím và các cháu! Chúc các cô, các chú sang năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc”.
Câu nói đơn sơ mà ấm tình người đã khiến ông cảm động, rưng rưng cho đến tận bây giờ. Có lẽ, đó cũng là một trong những động lực để đến hôm nay, gần 9 thập niên, ông vẫn nhẫn nại, vẫn say sưa làm việc, không ngừng nghỉ, như dòng sông Hồng dưới kia cứ chảy mãi, chảy mãi không nguôi.