Đi qua một nhiệm kỳ đầy khó khăn, đến nay, Hà Tĩnh đã có sự phục hồi với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những bài học quý được đúc rút từ gian khó sẽ làm đầy thêm hành trang trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, để vươn tới một nhiệm kỳ mới với những thắng lợi mới.
Thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong 2 năm đầu, Hà Tĩnh đối mặt với chồng chất khó khăn: sự cố môi trường biển ngay từ đầu nhiệm kỳ gây ra nhiều hệ lụy, an ninh trật tự diễn biến phức tạp, liên tiếp các đợt thiên tai và đại dịch Covid-19 cuối nhiệm kỳ đã tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống KT-XH và mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Thế nhưng, sức mạnh của khối đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cùng những quyết sách điều hành tâm huyết, sát đúng, thống nhất của hệ thống chính trị đã vực dậy Hà Tĩnh trong hoàn cảnh khó khăn nhất. “Hà Tĩnh đã có sự hồi sinh với nhiều thành tựu. Quy mô kinh tế Hà Tĩnh chiếm 1,1% quy mô kinh tế cả nước và xu hướng tăng lên. Đến lúc Hà Tĩnh tự tin mình là một cực tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước” như lời đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vào năm giữa nhiệm kỳ.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng khen cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Đình Nhất
Sẽ dễ hình dung hơn hành trình từ “tổn thương - phục hồi - tăng trưởng - ổn định” khi nhìn những số liệu thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ đầy khó khăn vừa qua. Năm 2016, kinh tế giảm sâu ở mức âm 14,58%. Thế nhưng, năm 2017 đã phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng với 9,9%; năm 2018 có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước với 20,85%, năm 2019 tăng trưởng 9,44%; năm 2020 nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong điều kiện đặc biệt khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Chất lượng tăng trưởng có chuyển biến mới, trong đó yếu tố sản xuất đóng góp ngày càng quan trọng, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ…
Công nhân Công ty Sao Mai vào ca sản xuất. Ảnh: Huy Tùng
Kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, dịch vụ - thương mại. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. QPAN, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế mở rộng…
Cụ thể hóa mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII bằng chương trình hành động, ban hành và triển khai các đề án, chính sách trên tất cả các lĩnh vực phát triển, từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đến giáo dục, văn hóa, QPAN… Chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề lớn, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết nút thắt, điểm nghẽn, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, triển khai các nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đó là đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, lâm nghiệp và du lịch.
Toàn cảnh Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng Vũng Áng trở thành khu kinh tế (KKT) động lực. Cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt từ việc ban hành kịp thời các nhóm chính sách. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại được thực hiện hiệu quả từ việc ban hành cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh đạt chuẩn đô thị loại II, TX Kỳ Anh đạt chuẩn đô thị loại III; thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng đô thị, huy động tạo được nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển, chỉnh trang, nâng cấp các thị trấn, thị tứ…
Điểm nhấn trong “bức tranh” phát triển của Hà Tĩnh nhiệm kỳ qua đó là lĩnh vực công nghiệp đã trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,1%/năm, trở thành điểm sáng trên “bản đồ” công nghiệp cả nước với hạt nhân là dự án Formosa. Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công và bước đầu phát huy hiệu quả như: dự án Nhà máy Sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt; một số dự án công nghiệp tại khu công nghiệp Gia Lách, cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên; dự án điện mặt trời tại Cẩm Xuyên… Cùng với dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, các dự án trọng điểm đã trở thành nền tảng nâng cao năng lực sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, đóng góp bền vững vào tăng trưởng nền kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng cùng đoàn công tác thăm Nhà máy Sản xuất gỗ MDF Thanh Thành Đạt tại cụm công nghiệp Vũ Quang, huyện Vũ Quang (tháng 1/2020). Ảnh: Thanh Hoài
Bên cạnh đó, để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước triển khai SXKD, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, địa phương duy trì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nằm trong tốp cao của bảng xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử…
Với quyết tâm cao cùng nhiều cách làm sáng tạo, Hà Tĩnh đã có những bước tiến dài, ghi dấu ấn đặc biệt trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn quốc. Suốt những năm tháng dựng xây và phát triển, Hà Tĩnh vẫn kiên định một điều rằng: việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Điều quan trọng nhất là biết tổ chức cho Nhân dân, cán bộ phải biết lo cho dân để phát huy sức mạnh Nhân dân. “Kim chỉ nam” đó luôn soi đường cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị tỉnh nhà. Và riêng với xây dựng NTM, điều này đã trở thành những việc làm cụ thể, vừa gần gũi, vừa quyết liệt; vừa nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.
Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đó là việc tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng NTM; triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực xã hội hóa, mạnh dạn có cơ chế “rút bằng” nếu không bền vững, chạy theo thành tích… Đến nay, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; vượt chỉ tiêu và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đại hội.
Những kết quả của nhiệm kỳ vừa qua là nền tảng, kinh nghiệm và cũng là trăn trở để Hà Tĩnh vững tin hơn với hành trang phát triển của nhiệm kỳ mới. Hẳn còn những khó khăn để đạt mục tiêu “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, QPAN đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, song, với quyết tâm chính trị cao nhất để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, cả hệ thống chính trị và Nhân dân sẽ tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết, đồng thuận, thống nhất trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện ngay từ những ngày tháng khởi động nhiệm kỳ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Đức Thọ, Sở GTVT Hà Tĩnh cắt băng khánh thành cầu Thọ Tường. Ảnh: Thanh Hoài
Những quyết sách phát triển của nhiệm kỳ mới sẽ được thực hiện căn cơ, bám sát các phương hướng như: nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, KH&CN là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người trên mảnh đất Hồng La. Hà Tĩnh xác định “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang” làm trọng điểm phát triển. Song song với đó là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; chủ động hội nhập quốc tế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị văn minh.
Những vườn mẫu xanh tươi từ bàn tay lao động của người dân tạo nên sức sống mới cho những vùng quê nông thôn mới. Ảnh: Thái Oanh
Để thực hiện được những phương hướng, mục tiêu đề ra, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa thành 7 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm, 3 đột phá chiến lược. Triển khai thành các chương trình, kế hoạch; phân công rõ nhiệm vụ để tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể. Đặc biệt hơn, hệ thống chính trị sẽ đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, gắn trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kịp thời xây dựng chương trình triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư gắn với công bố quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng huyện, liên huyện, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định...
Tàu quốc tịch Panama vào đón hàng tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Thanh Hoài
Đối với nhóm nhiệm vụ về phát triển các ngành kinh tế, tập trung xây dựng đề án đưa KKT Vũng Áng vào nhóm các KKT ven biển trọng điểm quốc gia; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KKT; rà soát, tham mưu xây dựng mới chính sách đầu tư vào KKT Vũng Áng và các khu công nghiệp; nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vũng Áng theo hướng mở rộng phạm vi để đáp ứng yêu cầu phát triển...
Với lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Hà Tĩnh sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng các đề án liên quan để phát triển hợp tác xã làng nghề, ngành nghề nông thôn, hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của tỉnh kết nối với cả nước... Đặc biệt, trên cơ sở thực tiễn, Hà Tĩnh sẽ nghiên cứu để sớm ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Khu du lịch Vinpearl Cửa Sót là điểm nhấn trong bức tranh phát triển du lịch của Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch cũng sẽ được tập trung với các hoạt động như nghiên cứu xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh; lập, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics Sơn Dương. Đồng thời, rà soát bổ sung quy hoạch các khu, vùng du lịch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trọng điểm, các trục giao thông kết nối, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch...
Đối với nhiệm vụ huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tỉnh sẽ sớm triển khai xây dựng chương trình hành động tiếp tục thực hiện các nghị quyết của cấp trên về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Quốc lộ ven biển - một trong những tuyến giao thông quan trọng vừa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm, tỉnh sẽ phối hợp triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án của quốc gia qua địa bàn tỉnh theo lộ trình (đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Bãi Vọt - Vũng Áng; nâng cấp quốc lộ 8, quốc lộ 12C, quốc lộ 8C). Tập trung triển khai định hướng phát triển tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về đầu tư xây dựng, hoàn thành các trục giao thông kết nối, phát triển vùng ven biển; các trục kết nối mở rộng không gian TP Hà Tĩnh, kết nối trục ngang giữa các đô thị dọc quốc lộ 1A với đường ven biển.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động, tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số; hình thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát triển văn hóa, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 và tham gia các hoạt động cùng người dân thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Thu Trang
Nhiệm kỳ mới đang mở ra, chào đón những trí lực mới của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Hà Tĩnh. Những giải pháp hiện thực hóa đích đến nhiệm kỳ đã được căn cơ kỹ lưỡng. Nhưng hơn hết, hệ thống chính trị và Nhân dân Hà Tĩnh hiểu rằng, việc phát huy những kết quả, bài học đúc rút được từ thực tế kết hợp với phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân là điều cốt lõi để Hà Tĩnh vững vàng thực hiện những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
ảnh: PV - CTV