Chính quyền

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Tại kỳ họp này, các đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 4 nghị quyết với sự thống nhất cao.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Kỳ họp đã kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng nhanh với những thay đổi của thực tiễn cuộc sống và đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.

Thành công của kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm của Quốc hội, luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục khẳng định tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, phúc đáp kịp thời những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, thể hiện rõ vai trò của các vị đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.

Nghị quyết đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID -19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài gần 49,3 km, trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh dài 4,84 km đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở,Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trong công tác thi hành án dân sự; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại,là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm các giải pháp khả thi, hiệu quả; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khẩn trương ban hành, chủ động chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới.

Khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đẩy nhanh lộ trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên; nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp nào trái pháp luật,…

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh tham gia đầy đủ các phiên họp trực tuyến của Quốc hội và phiên họp của Đoàn. Thông qua 4 buổi thảo luận trực tuyến, 3 buổi thảo luận ở tổ đã có 21 lượt ĐBQH trong đoàn phát biểu với nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng vào dự án luật và các nghị quyết.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Đức

Về công tác lập pháp: Lãnh đạo đoàn đã phân công cho các đại biểu tập trung nghiên cứu sâu dự án luật và các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực thi pháp luật, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và cả những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn tại địa phương liên quan đến đầu tư công, hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp, thuế tiêu thu đặc biệt, đấu thầu, thi hành án dân sự, điện lực. Từ đó, đề xuất các kiến nghị cụ thể đối với từng luật, đồng thời đề nghị sớm sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Thi hành án dân sự,… đảm bảo tính khả thi, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc.

Về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đoàn Hà Tĩnh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng, hoạch định; rà soát kỹ, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, tính toán việc huy động nguồn lực bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; có giải pháp cụ thể về tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng vay vốn phục hồi phát triển sản xuất; cần quy định chi tiết hơn các chính sách tài chính, tiền tệ; cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng, tránh lạm phát, dòng tiền chảy sang kênh chứng khoán, bất động sản; có chính sách đảm bảo ổn định nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV quyết định các vấn đề lớn, cấp bách về kinh tế - xã hội

Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Đức

Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, trong đó có 109km đi qua địa bàn Hà Tĩnh, các đại biểu nhất trí cao việc đầu tư toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công, khẳng định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để đảm bảo tiến độ dự án, đại biểu đề nghị giao bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện phải ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương và tạo cơ chế đặc thù trong triển khai; phối hợp chặt chẽ, sớm có kế hoạch di dời các công trình nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án, nhất là các công trình quốc phòng an ninh; rà soát, bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án; bố trí kinh phí đầu tư đường công vụ, nếu mượn đường dân sinh làm đường công vụ phải có phương án hoàn trả trước khi thông xe cao tốc, không để ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, ý kiến các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết bởi Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong. Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, tính toán tăng cường hơn nữa cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước cho Cần Thơ, cần quan tâm bảo vệ môi trường trong triển khai các dự án tại vùng; đồng thời đề xuất áp dụng cơ chế cho tất cả các địa phương được chủ động quyết định sử dụng số dư cân đối nguồn cải cách tiền lương hằng năm để bổ sung chi thu nhập tăng thêm.

Cùng với đó, đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron để bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.