Về Hà Tĩnh

Lênh đênh phận chài...
Lênh đênh phận chài...

Không thể bứt mình ra khỏi hình ảnh những phụ nữ ngư dân đợi thuyền trên con đường bê tông màu trắng đục ngay chân lạch Cửa Sót, chúng tôi đã trở lại làng biển Thạch Kim. Đó là một ban trưa bàng bạc nắng. Sự bàng bạc trùm lên cả trảng cát dài phân chia ranh giới giữa nhà cửa và những con thuyền, trùm lên cả màu nước lặng lờ nơi chân sóng… Những người đàn bà ngoại tỉnh lúc đó đã lục tục kéo nhau ra khỏi nhà “chủ thu mua” mà họ vẫn quen gọi là “sếp” để đến đứng vào chỗ ngầm mặc định trên con đường bê tông cũng chính là kè lạch biển Cửa Sót.

Xa xa ngoài kia, những con thuyền nhỏ đang rẽ sóng vào bờ. Mặc cho nỗi háo hức mong chờ của những bà vợ, những người đàn ông đi biển trở về đều mang dáng vẻ trầm ngâm, vô cảm. Dường như nỗi mệt nhọc sau một đêm lao động miệt mài đã níu chùng những thanh âm vui vẻ trong lòng họ. Mỗi người một thuyền, họ từ từ tiến về vị trí của mình rồi buông neo và lặng lẽ vứt lên bờ cho vợ mình chiếc dây thừng.

Lênh đênh phận chài...

Những người đàn bà sau một đêm chong đèn móc lưới sẽ cười thật rạng rỡ và đưa tay ra bắt lấy sợi dây kia như bắt lấy nguồn sống mới của gia đình. Họ cẩn thận buộc thật chặt sợi dây ấy vào một cái cột mốc trên bến và rạng rỡ đón lấy “chiến lợi phẩm” từ tay người chồng để bắt đầu cân kéo hàng hoá nhập cho “sếp”. Xong xuôi họ sẽ đu theo những sợi dây và trở lại thuyền, nấu bữa trưa cho chồng rồi lại cặm cụi ngồi vá lưới.

Giữa bộn bề công việc ấy, giữa cơ man thuyền bè ấy, chúng tôi để ý người phụ nữ đen gầy mặc chiếc áo màu vàng có gương mặt nhuốm buồn. Đó là Nguyễn Thị Hằng, người làng Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hằng sinh năm 1982 nhưng lại mang gương mặt khá già nua khi đã là mẹ của 4 đứa con, trong đó, buồn thay, đứa con trai đầu lòng lại bị tật bẩm sinh phải nằm một chỗ 17 năm nay.

Lênh đênh phận chài...

Vốn dĩ là con gái miền biển, từ nhỏ Hằng đã dạn dĩ với sóng, với gió, với nắng… Lên 4 lên 5 đã theo bè mảng của cha mẹ mình lênh đênh trên biển. Việc mưu sinh và gắn bó với một người chồng đi biển là điều hiển nhiên sẽ đến trong cuộc đời Hằng. Và, năm 18 tuổi, Hằng kết hôn với chàng trai cùng làng Phan Văn Hà. Một năm sau, đứa con đầu tiên ra đời, những tưởng đó sẽ là đứa con trai đầu tiên theo cha đi biển, nào ngờ, mãi mà đứa trẻ cũng chẳng thể đứng dậy để cất những bước đi đầu tiên. Bao nhiêu vốn liếng làm lụng trong mấy năm trời đều được vợ chồng Hằng tìm thầy tìm thuốc chữa trị cho con nhưng lực bất tòng tâm. Hằng nuốt nước mắt vào trong và chấp nhận số phận. Đó là nỗi buồn thẳm sâu nhất của một người mẹ…

Lênh đênh phận chài...

Rồi 3 đứa con nữa nối tiếp nhau ra đời, nhưng Hằng không còn nuôi hy vọng những đứa trẻ sẽ nối nghiệp cha nữa. Những đêm dài căng mắt chờ chồng giữa biển thẳm bão bùng giông gió, những buổi chiều phập phồng lo âu khi nghe tin áp thấp nhiệt đới… đã khiến Hằng thay đổi suy nghĩ. Hằng muốn con cái mình được học hành và mưu sinh bằng con đường khác.

Nghĩ vậy nên vợ chồng Hằng quyết định bỏ nghiệp đánh bắt khơi xa mà dồn vốn liếng mua một con thuyền nhỏ, bắt đầu đánh bắt trong lộng. Kể từ đó, cuộc sống của Hằng và thằng cu út cũng chuyển hẳn lên thuyền. Đã gắn bó với nhiều vùng biển nhưng ít có vùng nào ngư dân lại thân thiện và gần gũi như ở lạch Cửa Sót này nên đây là nơi thuyền của vợ chồng Hằng và bà con neo lại trong thời gian dài nhất.

Lênh đênh phận chài...

Quá trưa trở về đêm là quãng thời gian gia đình Hằng đoàn tụ bên nhau. Xong bữa cơm, chồng Hằng cũng giống như những người chồng ở đây sẽ ngồi đan lưới cùng vợ. Họ cứ ngồi như thế, tay thoăn thoắt luồn những sợi cước trắng tinh vá víu những tấm lưới bị rách hoặc dệt thêm những tấm lưới mới trong lòng không thôi hy vọng về những mẻ lưới đầy ngày mai. Phía trong khoang phòng ngủ, thằng cu út mắt sáng rực theo trò chơi điện tử trên chiếc smart phone của mẹ. Thế giới của nó không có gì khác ngoài con mực, con ghẹ và chiếc điện thoại. Hằng chợt quay sang nhìn con và thảng thốt, mai mốt nó lớn hơn chút em sẽ cho con về ở với bà nội để đi học…

Lênh đênh phận chài...
Lênh đênh phận chài...

Bằng chất giọng mặn mòi vị biển, ông Trọng kể về những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Thuở ấy, Thạch Kim chưa có cảng, tàu thuyền ra vào khá vất vả. Được cái, ngư dân Thạch Kim hiền lắm, biển Hà Tĩnh hào phóng lắm. Có lần thuyền vào bến gặp mưa gió bị đất cát vùi lấp, chính người dân Thạch Kim đã giúp đỡ khơi đất để lôi thuyền ra. “Đời ngư phủ, tôi đã đi qua rất nhiều làng biển, từng nếm trải bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng nhưng chưa nơi nào cho tôi cảm giác an yên như ở lạch Cửa Sót này”, nói rồi ông nheo nheo mắt nhìn ra xa, tay với cây điếu cày, châm lửa hút một hơi dài sảng khoái...

Tôi hỏi ông, vì sao lại chọn đi lộng trong khi thu nhập từ nghề đi lộng chẳng thấm tháp gì so với đi khơi. Ông chỉ cười, đàn ông đi biển cũng như những con thuyền, có lớn đến mấy, đạp bằng bao nhiêu sóng gió cuối cùng vẫn muốn trở về nằm bình yên lặng lẽ nghe sóng nhỏ vỗ êm êm. Nói thế thôi, đi lộng đã là nghề từ trong trứng nước, nó đồng hành với không biết bao nhiêu thế hệ trai tráng của gia đình và làng quê ông. Hơn nữa, để đầu tư một con thuyền đi khơi cũng là việc quá sức đối với tiềm lực kinh tế của gia đình ông.

Lênh đênh phận chài...

Cạnh bên, bà Nhung vợ ông nở nụ cười hiền hậu, tay vẫn thoăn thoắt đan lưới. Bà Nhung cũng giống như hàng chục người phụ nữ trên “xóm ngụ cư” này, họ đều không biết đâu thời điểm bắt đầu và đâu là thời điểm kết thúc của một ngày lao động của mình. Cứ chừng 23h đêm, khi các ông chồng bắt đầu dong thuyền ra khơi, các bà vợ lại tục tục tay xách nách mang nào kim đan, con thoi và cuộn cước lên nhà chủ thu mua để ngủ. Nói là ngủ nhưng tại đó cũng chẳng mấy ai ngủ, họ cùng nhau ngồi đan lưới cho đến chừng 2, 3h sáng rồi mới thiếp đi. Tầm khoảng 6 h lại trở dậy và tiếp tục công việc đan lưới cho tới giờ người chồng trở về…

Lênh đênh phận chài...
Lênh đênh phận chài...
Lênh đênh phận chài...

Chúng tôi rời lạch Cửa Sót khi gió chiều đã bắt đầu đẩy từng con nước vỗ mạnh vào mạn thuyền. Những người đàn ông dân chài đã bắt đầu đứng dậy sửa soạn ngư cụ cho chuyến đi mới. Còn những người vợ “xóm ngụ cư” vẫn cứ ngồi nguyên một vị trí ấy, tay không ngừng đưa lên đưa xuống theo sợi cước trắng tinh. Những cặp vợ chồng ấy gợi cho chúng tôi nhớ tới hình ảnh những con chim yến miệt mãi giữa trùng khơi, kiên nhẫn rút ruột xây tổ cho những đứa con thân yêu của mình… Nghĩ đến thôi, chúng tôi đã cảm thấy cay cay nơi khoé mắt…

Ảnh: Phong Linh - Tuệ Anh - Huy Tùng

Thiết kế: Huy Tùng

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.