Bị cuốn vào game online và mạng xã hội, nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh sa đà vào thế giới “ảo”. Bên cạnh nhiều hệ lụy về học tập, lối sống…, nghiện game, nghiện mạng xã hội cũng khiến các em tự đánh mất quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời.
9h30’ sáng, tại một quán game online kế bên chùa Kim Quang, cách Trường THCS Thạch Kim (Lộc Hà) khoảng 300m, khác với bên ngoài vắng vẻ với tấm biển hiệu cũ sờn không còn rõ chữ nằm khuất một bên bờ tường, bên trong là không khí sôi nổi. Mặc dù đang trong giờ học nhưng tại quán có khoảng 20 “game thủ” độ tuổi học sinh, có em còn mang đồng phục có logo của một số trường THCS, THPT trên địa bàn đang dán mắt trên màn hình với các trò game.
Tình trạng trên cũng diễn ra tại một quán game nằm trong hẻm gần đường Xuân Diệu (thị trấn Nghèn, Can Lộc). Em Trần Văn L. học sinh lớp 8, tiết lộ: “Em và 9 bạn khác (trong nhóm đang chơi game online tại quán - PV) đều là học sinh Trường THCS N.T.T. Em thì thỉnh thoảng nhưng các bạn ấy thì thường xuyên trốn tiết để ra đây chơi game”.
Trong giờ học nhưng những "game thủ" độ tuổi quàng khăn đỏ ở nhiều địa bàn trong tỉnh thường xuyên trốn tiết chơi games.
Không chỉ trốn học ban ngày, nhiều bạn trẻ còn “tranh thủ cày game” vào ban đêm. Nhiều gia đình không biết làm cách nào để kéo con mình ra khỏi “ma trận” game online. Anh Nguyễn Phúc, một phụ huynh ở thôn Bằng Sơn (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Ở địa phương tôi hiện nay có nhiều gia đình bất lực trước việc con nghiện game, hy vọng một cách mơ hồ rồi sẽ đến lúc chúng chán sẽ bỏ. Còn tôi nghĩ, chỉ khi nào không còn dịch vụ này may ra mới hết tình trạng con em lao vào game”.
Em Nguyễn Ngọc K. ở Thạch Kim (Lộc Hà) từng là một “game thủ”, hiện đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh ân hận chia sẻ: “Cuộc sống của em có lẽ đã tốt hơn bây giờ nếu như từ năm lớp 10 em không sa đà vào game. Chính vì “nghiện” chơi game nên em đã bỏ bê chuyện học hành rồi rớt tốt nghiệp THPT và phải học lại 1 năm. Điều khiến em ân hận hơn cả là vì mê game, em đã khiến gia đình “nháo nhào” trong một thời gian dài. Bản thân em nhiều lần hỗn xược với bố. Lỗi lầm ấy không biết khi nào xóa bỏ được”.
Quán games ở gần cụm trường học THCS Xuân Diệu, THCS Nguyễn Tất Thành, THPT Dân lập Can Lộc, THPT Nghèn (Can Lộc) - ảnh trái - và nằm “núp lùm” trong hẻm ở Thạch Bằng (Lộc Hà) - ảnh phải - bên ngoài lặng ngắt như tờ nhưng bên trong luôn rất sôi động bởi các "game thủ" tuổi học đường
Một quán game ở TP Hà Tĩnh bên ngoài trang trí rất "bắt mắt"
...và bên trong là những chiêu khuyến mãi hấp dẫn của chủ quán. Ảnh Đình Nhất
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Sở Thông tin - Truyền thông Hà Tĩnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, trong đó, một số địa phương có số lượng khá lớn như: TP Hà Tĩnh khoảng 30 điểm, TX Kỳ Anh 20, Cẩm Xuyên 30, Can Lộc 20, Nghi Xuân 25, Lộc Hà 19 điểm…
Sau khi Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực (ngày 15/4/2018), các quán game đã dần lùi về các con hẻm. Tuy nhiên, học sinh không khó để tìm đến các điểm cung cấp dịch vụ với những phiên bản mới hấp dẫn thường xuyên được cập nhật và giá cả rất “mềm”: 4.000 đồng/giờ đối với màn hình phẳng, 5.000 đồng/giờ đối với màn hình cong.
Em Nguyễn K.L đang là bí thư chi đoàn lớp 11 tại một trường THPT ở TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Thời gian gần đây, việc quản lý lớp trong các giờ sinh hoạt khiến em rất mệt vì bạn nào cũng mải mê với facebook. Chữa bài tập các bạn cũng thờ ơ, sinh hoạt văn nghệ cũng không mấy người hào hứng, phổ biến công tác đoàn, kế hoạch lớp thì ai cũng tỏ ra như đã nghe, nhưng sau đó lại quên thực hiện. Đặc biệt giờ ra chơi, mỗi bạn “ôm” điện thoại ngồi một góc, nhiều khi em muốn bắt chuyện để trao đổi hay tâm sự chuyện học hành, chuyện bạn bè, nhưng các bạn lại không mặn mà”.
Thực trạng học sinh THCS, THPT trên địa bàn Hà Tĩnh sở hữu thiết bị công nghệ và sử dụng mạng xã hội diễn ra phổ biến đã khiến một số em rơi vào những cạm bẫy. Trường hợp xẩy ra với em K.Ch ở Hồng Lộc (Lộc Hà) vào giữa tháng 9/2019 vừa qua là một ví dụ.
Dù mới học lớp 8 nhưng K.Ch đã được bố mẹ sắm cho một chiếc điện thoại thông minh. Có điện thoại, Ch. thường xuyên vào mạng xã hội facebook đăng hình “seo-phì”, tương tác với mọi đối tượng, không phân biệt người quen hay người lạ. Do thiếu sự cảnh giác, ngày 15/9/2019, em đã bị một đối tượng là bạn trên facebook rủ rê đi chơi ở TP Hà Tĩnh, sau đó lại dẫn ra đến tận Phú Thọ ép phục vụ trong một quán karaoke. Phải 5 ngày sau, khi gia đình thông báo mất tích và ra sức tìm kiếm, em mới được Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) phát hiện và giúp đỡ trở về nhà.
Thường xuyên đăng ảnh tự sướng trên Facebook Em Nguyễn K Ch. học sinh lớp 8, trường THCS Hồng Tân (Lộc Hà) bị đối tượng xấu rủ rê…
Thực trạng nhiều học sinh Hà Tĩnh bị các thiết bị điện tử kéo vào game online và mạng xã hội, trở thành “nô lệ” của thế giới ảo như hiện nay là một điều rất đáng báo động. Làm thế nào để giúp các em hòa nhập, vận dụng công nghệ mà không đánh mất quãng thời gian thanh xuân với nhiều niềm vui khác bên thầy cô, mái trường, bè bạn và tránh được những điều đáng tiếc xẩy ra là câu hỏi không chỉ dành cho các nhà trường, các bậc phụ huynh mà còn của cả xã hội.
ảnh: thiên vỹ - đình nhất
thiết kế: huy tùng