Với hành trang tích lũy từ hàng trăm năm nay của cha ông để lại cùng với những bài học kinh nghiệm được đúc rút qua bao thế hệ, Đức Thọ (Hà Tĩnh) sẽ như dòng La xanh mát có cội nguồn từ dãy đại ngàn cao vợi và sâu thẳm, theo hướng mặt trời mọc mà chảy mãi.
Ngược dòng lịch sử, mảnh đất Đức Thọ ngày nay từng bao lần thay đổi địa giới hành chính, địa danh, chuyển dời lỵ sở. Khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (năm 1428), huyện La Giang thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An cho đến thời Lê Trung Hưng (1729-1740) mới đổi thành huyện La Sơn thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An.
(Video tư liệu)
Năm 1822, Đức Thọ là tên phủ trong đó có huyện La Sơn. Năm 1831, phủ Đức Thọ và phủ Hà Hoa gồm 6 huyện: Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa của trấn Nghệ An được tách ra lập thành tỉnh riêng Hà Tĩnh. Sau 1945, huyện La Sơn đổi thành huyện Đức Thọ và từ đó đến nay, cũng đã thêm vài lần phân hợp, điều chỉnh lại địa giới hành chính huyện và các xã.
Xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) nhìn từ trên cao (Ảnh: Thiên Vỹ)
Năm 1991, huyện gồm 2 thị trấn: Đức Thọ (huyện lỵ), Hồng Lĩnh và 35 xã. Sau khi thành lập TX Hồng Lĩnh vào năm 1992, Đức Thọ còn lại thị trấn Đức Thọ và 33 xã.
Năm 2000, sau khi tách 6 xã: Ân Phú, Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang để thành lập huyện mới Vũ Quang, Đức Thọ còn lại 1 thị trấn và 27 xã.
Đôi bờ sông La (Ảnh: Huy Tùng)
Năm 2019, sau khi tiến hành sáp nhập xã, huyện còn lại 1 thị trấn và 15 xã: An Dũng, Bùi La Nhân, Đức Đồng, Đức Lạng, Hòa Lạc, Lâm Trung Thủy, Liên Minh, Quang Vĩnh, Tân Dân, Tân Hương, Thanh Bình Thịnh, Trường Sơn, Tùng Ảnh, Tùng Châu, Yên Hồ.
Trải qua nhiều biến động nhưng trên mảnh đất khi rộng khi hẹp này có một thứ đã lặng lẽ kết tụ thành trầm tích. Đức Thọ là đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và học hành khoa bảng, là quê hương của bao bậc hiền tài có công với dân, với nước.
Trong thời kỳ phong kiến, Đức Thọ có 39 vị đại khoa (Tiến sĩ) với những làng quê, dòng họ nổi tiếng khoa bảng, giàu truyền thống văn hóa như: Yên Hồ, Đông Thái, Trung Lễ, Bùi Xá... Thời phong kiến, cả Hà Tĩnh có 4 vị Trạng nguyên thì Đức Thọ đã có 2 vị là Đào Tiêu và Đoàn Nguyên Lợi quê ở xã Yên Hồ.
Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh (Ảnh: Thiên Vỹ)
Nhiều người con nổi tiếng xuất thân từ Đức Thọ như Thái học sinh, Ngự sử Nguyễn Biểu; Hoàng giáp Bùi Dương Lịch; Hoàng giáp Bùi Thức Kiên; Thượng thư, Tiến sĩ Phan Bá Đạt; Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, các chí sĩ: Lê Văn Huân, Lê Thước, Lê Ninh, nhà cách mạng Trần Phú, nhà thơ Huy Cận, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, các luật sư Phan Anh, Phan Mỹ, nhà Toán học Lê Văn Thiêm, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Trung tướng Hải quân Hoàng Hữu Thái… cùng hàng trăm chính khách, văn nghệ sĩ có tiếng tăm. Theo số liệu mới nhất, Đức Thọ có tới 410 giáo sư, tiến sỹ, 41 sỹ quan cấp tướng.
Mảnh đất châu tuần xung quanh con sông La nổi tiếng ở Xứ Nghệ này dày đặc những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như các chùa, am, đền thờ, miếu, mộ có liên quan đời sống văn hóa tâm linh và những nhân vật lịch sử có công với nước, với dân. Đức Thọ cũng là nơi còn lưu giữ được những lễ hội và các làng nghề truyền thống như làng mộc Thái Yên, làng đóng thuyền Trường Xuân, nghề nấu rượu nếp Đức Thanh (Thanh Lạng), nghề cào hến xã Trường Sơn…
Bên bờ sông La (Đức Thọ) có ngôi làng đặc biệt từ hàng trăm năm nay gắn liền với... hến (Ảnh tư liệu: Dương Chiến)
Hến Đức Thọ được nhiều người khắp nơi biết đến, khách hàng không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn cả những tỉnh khác, đặc biệt là Nghệ An (Ảnh tư liệu: Dương Chiến)
“Đức Thọ gạo trắng nước trong, ai về Đức Thọ thong dong con người“”. Tuy không có biển, có rừng nhưng vị trí địa lý tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng, hệ thống đường sá, sông ngòi… là thế mạnh cho huyện trong phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thương mại - dịch vụ và du lịch.
Sản phẩm mộc Thái Yên - một trong 6 sản phẩm OCOP của Đức Thọ (Ảnh tư liệu: Đức Thiện)
Về Đức Thọ, du khách chắc hẳn sẽ hài lòng nếu được tham gia hành trình trải nghiệm thú vị bằng thuyền theo dọc sông La. Sau khi thắp hương tại khu mộ Trần Phú trên đồi Quần Hội thuộc núi Tùng Lĩnh, mọi người xuống thuyền để bắt đầu chuyến lênh đênh sông nước từ ngã ba Tam Soa, qua xem làng cào hến Kẻ Thượng, làng đóng thuyền Trường Xuân, ngắm cầu Thọ Tường mới bắc, xuôi về Bùi Xá.
Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú - địa chỉ đỏ thu hút du khách, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ (Ảnh: Thanh Hải)
Chỉ chưa đầy chục cây số trên sông, bạn được thả mình vào những câu hò, điệu ví, thưởng thức những bài hát hay về con sông La xanh trong như huyền thoại, cảnh sắc những xóm làng trù phú, màu xanh mướt mắt của ngô, khoai, mía, lạc dọc bờ bãi ven sông. Ngay trên thuyền, bạn sẽ được thưởng thức hương vị của rượu Thanh Lạng nhấm nháp với món hến Thượng, dê, bò đặc sản của vùng quê Đức Thọ kèm bát nước chấm cáy của dân La Ngạn nổi danh một thời.
Bến thuyền bên sông La (Ảnh: Huy Tùng)
Kế tục truyền thống của cha ông, Đức Thọ là địa phương đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT trong chống Mỹ cứu nước và danh hiệu đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Những năm sau tách tỉnh, Đức Thọ là đơn vị nhiều năm dẫn đầu phong trào thi đua trong toàn tỉnh. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, tháng 7/2020, Đức Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đức Thọ đang hướng tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (Ảnh tư liệu: Thanh Hoài)
Diện mạo Đức Thọ đã đổi thay từ thị trấn huyện lỵ cho đến cảnh sắc của các làng quê. Trên địa bàn đã chứng kiến sự xuất hiện của nhà máy thuộc Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh của Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 6 triệu USD, có công suất 5 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; Nhà máy Bê tông thương phẩm và cấu kiện đúc sẵn Viết Hải; Công ty CP Bao bì Sông La Xanh.
Công nhân Công ty May mặc xuất khấu Appareltech Hà Tĩnh đang vào ca.
Hiện trên địa bàn đang triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư GS Miền Trung thực hiện. Cầu đường bộ Thọ Tường đã được bắc qua sông La giúp việc đi lại dễ dàng, đưa Đức Thọ gần hơn với Nam Đàn và TP Vinh của tỉnh Nghệ An.
Những khu dân cư NTM kiểu mẫu của Đức Thọ thực sự trở thành những miền quê đáng sống (Ảnh tư liệu: Thanh Hoài)
Đức Thọ đang tập trung triển khai nghị quyết xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Dẫu phía trước còn muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là đang đối mặt với dịch bệnh, song, niềm tự hào là miền quê có truyền thống cách mạng, quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú luôn là động lực để các thế hệ người dân Đức Thọ nỗ lực vươn lên trong học tập, xây dựng và bảo vệ quê hương.
Ảnh: NHÓM PV, CTV
Trình bày: Thanh Hà