Ngôi nhà trên đường Nguyễn Du ở TP Hà Tĩnh của nhà văn Đức Ban là địa chỉ quen thuộc của anh chị em hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tôi đã đến đây nhiều lần, lần nào cũng thấy ông ngồi bên cái bàn gỗ mộc trong căn phòng ngập tràn ánh sáng, chung quanh là hàng nghìn cuốn sách chen nhau trên giá gỗ. Hầu hết thời gian trong ngày ông ở trong căn phòng này, đọc sách và viết. Một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi: ông là con người của công việc, miệt mài tự thắp sáng ngọn lửa sáng tạo trong tim mình…
- Chào nhà văn! Lúc nào cũng thấy ông bận rộn?
- Cái tính tôi nó thế, cứ phải nghĩ về một điều gì đấy, làm một việc gì đấy. Văn chương và ngoài văn chương…
- Những vấn đề về văn chương ông và tôi đã nói với nhau nhiều rồi. Hôm nay, tôi muốn nghe ông chia sẻ những quan tâm khác trên con đường sáng tạo văn chương của mình.
- Với tôi, nghề và cũng là nghiệp chính là văn chương. Con đường văn chương nó gập ghềnh, không có đích cuối và tôi đã chọn nó, đã đi suốt 60 năm qua.
- Ông có hài lòng với những bước đi của mình?
- Vừa có vừa không. Tôi đã xuất bản 22 tác phẩm và dăm bảy chục bút ký in đây đó. Vừa lòng ở sự cần cù, chịu khó, miệt mài của mình với con chữ để có được khoảng hàng nghìn trang sách ấy, không hài lòng vì cứ thấy văn chương của mình chưa hay, cứ thấy mình đang mắc nợ cuộc sống này nhiều quá, cứ thấy dở dang chỗ này, hẫng hụt chỗ kia.
- Ông bảo mình đã đi trên con đường sáng tạo gập ghềnh 60 năm qua và chung thủy với nó cũng ngần ấy thời gian. Xin hỏi, trên con đường ấy, có khi nào ông rẽ sang nẻo khác không, ví như nẻo lịch sử, kịch, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc?… Vì sao lại thế? Trách nhiệm, đam mê, năng khiếu hay có lý do nào khác?…
- Bạn bè bảo tôi là người dễ tính, thêm cái tính cách của người tuổi Kỷ Sửu đa cảm, đa mang nữa, thế nên thường bị/được kéo vào những nẻo ngoài văn chương. Thứ nữa do trách nhiệm, do cái tình, cái ý trong lòng mình.
- Vài ví dụ được không ạ?
- Tôi có chủ biên 3 cuốn lịch sử: Lịch sử Giao thông vận tải Hà Tĩnh, Lịch sử Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, Lịch sử Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh. “Văn - Sử bất phân” là một nhẽ, nhẽ khác do cái tình, cái ý trong lòng như vừa nói ấy. Ví như với giao thông vận tải: Tôi từng đi đắp đất, chở đá, rải nhựa làm đường giao thông trong và sau chiến tranh chống Mỹ. Ví như văn hóa - thông tin: Nửa thế kỷ tôi gắn bó, khóc, cười với nó... Năm nào đó gia đình khó khăn, túng thiếu quá, “cày” văn không đủ tiền trang trải cho cuộc sống, tôi tranh thủ “cày” sang lịch sử… Hồi trẻ tôi bốn phương, tám hướng lắm…
- Còn nghiên cứu văn hóa? Có phải là “tranh thủ”…?
- Không phải. Ý thức thật sự. Con người ta chịu trách nhiệm trước xã hội về việc gì thì mặc nhiên gắn bó, thao thức, đau đáu về cái gì có ích cho nó. Tôi làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thì chủ biên đề tài khoa học cấp tỉnh: “Văn học Hà Tĩnh thế kỷ XX”; làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thì chủ biên “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa Hà Tĩnh” và “Điều tra văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh”. Mỗi đề tài gần 400 trang giấy A4. Tiếc là cho đến nay vẫn cứ là bản thảo, 3 x 4 bằng 1.200 trang. Cùng với nó là những bài nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, văn học nghệ thuật đã in báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo…
- Ông nhiều tài và có nguồn năng lượng “khủng”, hãy kể thêm vài nẻo nữa được không?
- Chị nhân ái dành chữ đẹp cho tôi rồi. Không đến mức “nhiều” và “khủng” đâu. Tôi có khá nhiều bạn bè. Như trên đã nói, họ thường kéo tôi vào những việc họ cần, còn tôi thì sẵn sàng vì bè bạn. Bạn nhạc sỹ cần một bài hát với chủ đề nào đấy, tìm lời trong thơ không được, nhờ tôi viết lời. Không phụ lòng tin của người khác. Vậy là rũ tóc mà nghĩ, mà viết.
- Tôi đã nghe ca khúc “Trăng rơi” viết về cụ Nguyễn Du - nhạc Đỗ Hồng Quân, “Mênh mang ca trù” về cụ Nguyễn Công Trứ, “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông” - nhạc Ngọc Thịnh, “Âm vang non nước quê nhà” - nhạc Đỗ Hồng Quân viết cho kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh. Và, lần nào đấy nghe ông bảo ông đã viết hàng chục tác phẩm?
- Vâng. Khoảng gần hai chục.
- Nghe Đài PT&TH Hà Tĩnh giới thiệu tập kịch “Những người nghĩa khí” của ông do Nhà Xuất bản Sân khấu tái bản, mới hay nhà văn Đức Ban còn thêm cả kịch bản sân khấu. Nguồn mạch từ đâu, thưa ông?
- Từ lâu rồi chị ơi! Từ thời chống Mỹ, tôi thường dự các trại sáng tác của Ty Thông tin, viết kịch nói, hoạt cảnh dân ca. Thời ở thanh niên xung phong, tôi phụ trách đội văn nghệ của Tổng đội 299.P18, lại viết tiết mục… 20 năm ở Hội VHNT Hà Tĩnh, tôi không đụng tới sân khấu. Rồi sang làm ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh, tôi viết kịch bản các màn sử thi truyền thống cho lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân, anh hùng, chí sỹ… Tôi gắn với kịch vừa từ cơ duyên vừa do trách nhiệm và tất nhiên khởi nguồn là tình yêu, sự đam mê...
- Tôi không hiểu “động cơ đốt trong” nào đã thôi thúc ông làm hết việc này sang việc khác, mà việc nào cũng say sưa, việc nào cũng “ngon lành”?
- Như tôi đã nói từ đầu, tôi là người đa mang, ham việc, luôn tự đặt ra những việc buộc bản thân mình phải làm. Có lẽ cái tuổi Kỷ Sửu khiến tôi như con trâu cày vậy, già rồi vẫn cày.
- Cày một cách mê mải?
- Trước thì thế, nay già rồi cũng lắm chểnh mảng.
- Tháng 11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị được tổ chức trong giai đoạn hội nhập toàn cầu. Theo ông, làm gì để giữ được bản sắc văn hóa trong bối cảnh hiện nay?
- Câu hỏi của chị rộng và sâu quá. Xin được nói mấy ý chính. Trước xu thế hội nhập với những thay đổi dữ dội trên nhiều lĩnh vực đời sống, những ngổn ngang cõi thế, không thể nhất nhất bảo vệ các thành tố văn hóa đã trở thành bản sắc đặc trưng, rồi dè dặt trước yêu cầu hội nhập làm chỗ dựa cho sự trì trệ, thiếu năng động, tức thời; đồng thời cũng không được nghiêng về xu hướng nhân loại, cho rằng bản sắc văn hóa truyền thống cản trở xu thế hội nhập. Cần có nhận thức một cách khoa học và nhân văn về bản sắc văn hóa truyền thống để chọn lọc, phát huy những giá trị phù hợp với thời hội nhập; đồng thời xây dựng bản sắc văn hóa của thời cách mạng 4.0, điện tử hóa, kinh tế số, chính phủ số… với năng lực thích ứng những biến đổi của tự nhiên, những đổi thay của xã hội. Phải có trình độ ngoại ngữ, sành sõi trong ngôn ngữ giao tiếp, trong nội dung giao tiếp. Tôi nghĩ rằng, công dân thời hội nhập phải mang một sinh mệnh văn hóa, có trình độ tri thức, kỹ thuật, ngoại ngữ, tự chủ, năng động, nhạy cảm, thống nhất với mọi thành tố văn hóa của cộng đồng.
- Chúng ta đã trải qua một năm đầy khó khăn và bắt đầu một năm mới với nhiều dự cảm tốt lành. Ông muốn nhắn gửi gì với bạn đọc Báo Hà Tĩnh?
- Tôi muốn nói với các bạn là đừng bao giờ mất niềm tin. Hãy tin vào chính mình. Hãy sống nhân ái, bao dung và lòng luôn trắc ẩn.
- Xin cảm ơn nhà văn Đức Ban đã dành cho bạn đọc Báo Hà Tĩnh cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Chúc ông tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong hành trình tự thắp sáng lửa tim mình!
Ảnh & thiết kế: huy tùng