Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2022), 30 năm thành lập Hội Nhà báo Hà Tĩnh (1992-2022), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã chia sẻ những ghi nhận, đánh giá của tỉnh về đóng góp quan trọng của báo chí tỉnh nhà, đồng thời đặt ra một số nhiệm vụ cho những người làm báo đối với sự phát triển của địa phương trong thời gian tới.
P.V: Xin ông đánh giá khái quát về quá trình hoạt động cũng như những đóng góp của báo chí Hà Tĩnh trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Trong 97 năm hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Hà Tĩnh đã có nhiều đóng góp vào thành quả kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực. Kể từ chương trình phát thanh đầu tiên (năm 1956), từ số báo đầu tiên của Báo Hà Tĩnh (2/9/1962) đến nay, báo chí Hà Tĩnh đã làm tốt sứ mệnh thông tin - tuyên truyền trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, luôn giữ vững lập trường cách mạng, thường xuyên rèn luyện đạo đức người làm báo, không ngừng học tập lý luận chính trị, trau dồi năng lực nghề nghiệp, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962). Ảnh tư liệu TTXVN
Trong chiến tranh cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước, người làm báo Hà Tĩnh luôn nêu cao tinh thần cống hiến vì sự nghiệp chung. Các thế hệ người làm báo Hà Tĩnh luôn phát huy trách nhiệm, nhiệt huyết, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện các hoạt động chính trị, xã hội; phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để biểu dương, nhân rộng, phát huy những giá trị tốt đẹp; xung kích, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều tác phẩm báo chí có tính phát hiện cao, góp phần tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực. Nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các giải báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Báo Hà Tĩnh trong dịp về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh (tháng 4/2014). Ảnh tư liệu của Thanh Hoài
Đồng hành với sự phát triển của tỉnh, báo chí tỉnh nhà không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Các cơ quan báo chí không ngừng đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới liên tục trong hoạt động báo chí, nhờ đó đã tiếp cận và bắt nhịp tốt với các loại hình, thể loại báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Trong đó, năm 2009, đánh dấu bước tiến mới của Báo Hà Tĩnh khi bắt đầu thực hiện 2 loại hình (báo in và báo điện tử) và năm 2018, thực hiện quy trình xuất bản mới theo mô hình “tòa soạn hội tụ”. Năm 2013, đánh dấu bước tiến mới của Đài PT&TH tỉnh khi Truyền hình Hà Tĩnh lên sóng vệ tinh AVG và năm 2015, phát thanh, truyền hình chính thức phát sóng vệ tinh Vinasat-2, truyền hình số mặt đất… Ngoài ra, các tạp chí, đặc san cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, hướng đến người đọc bằng sự hấp dẫn, thiết thực về nội dung lẫn hình thức.
PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng bên lề Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Đình Nhất
P.V: Trong giai đoạn mới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, theo ông, người làm báo Hà Tĩnh cần tiếp tục rèn luyện, phấn đấu như thế nào để đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Thời gian tới, đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh cần tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân; xác định rõ vị trí, vai trò của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng dư luận, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trong thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các dự án trọng điểm của tỉnh... Nêu cao tinh thần đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái bảo thủ, lạc hậu, trì trệ; với chính sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo; phát hiện và biểu dương cái đẹp, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trao giải A cho các tác giả có tác phẩm đạt Giải Báo chí Trần Phú năm 2021. Ảnh: Đình Nhất
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng truyền thông đa phương tiện, hội tụ công nghệ cao, thực tế đó đòi hỏi người làm báo cần ý thức cao hơn về vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của mình. Đội ngũ nhà báo, người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới; cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng sự phát triển của báo chí hiện đại, đồng thời phải hiểu rằng, khoa học - công nghệ dù phát triển nhưng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh và tính nhân bản của người làm báo.
Phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh luôn dấn thân để có được những thông tin, hình ảnh chân thực nhất phục vụ bạn đọc. Ảnh: PV
Nữ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hà Tĩnh tác nghiệp trong vụ cháy rừng lịch sử ở Nghi Xuân năm 2019. Ảnh tư liệu
PV: Như ông đánh giá, báo chí Hà Tĩnh đã có những bước phát triển mới. Xin ông cho biết, thời gian tới, Hà Tĩnh cần làm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác báo chí trên địa bàn?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí là nhiệm vụ trực tiếp của các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và Hội Nhà báo Hà Tĩnh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, các cơ quan này cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khôi Nguyễn
Không ngừng phát huy vai trò của cơ quan báo chí, người làm báo trong việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để cổ vũ hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; tiếp tục đẩy mạnh công tác định hướng, quản lý báo chí, đổi mới chất lượng giao ban báo chí hằng tháng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Báo chí; tăng cường phối hợp, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm do báo chí phản ánh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản báo chí để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí, cơ quan đại diện, thường trú trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng tặng hoa chúc mừng đại diện các cơ quan báo chí địa phương nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Thu Hà
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí cần tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của người làm báo; triển khai thực hiện nghiêm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh.
Tiếp tục tạo nhiều sân chơi nghiệp vụ cho đông đảo hội viên nhà báo tham gia; tích cực giới thiệu, quảng bá các tác phẩm báo chí của hội viên; tiếp tục xây dựng các cơ chế động viên, khuyến khích các nhà báo đầu tư tác phẩm chất lượng để tham gia các giải báo chí Trung ương và giải báo chí trong tỉnh nhằm khẳng định thương hiệu báo chí Hà Tĩnh trên các sân chơi nghiệp vụ lớn.
P.V: Xin trân trọng cám ơn ông!
ảnh: pv
thiết kế: khôi nguyễn