Chặng đường hơn 30 năm tái lập tỉnh, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng vào những thành tựu chung của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 thì “bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế”. Đây là điểm “nghẽn” làm cho văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực to lớn.
.....
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói: “Chúng ta thường hay nói, đã quán triệt đầy đủ tinh thần nghị quyết, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chỉ thị văn bản của Đảng và Nhà nước nhưng khâu thực hiện còn yếu kém, hay do nguồn lực không đủ. Thực ra, nhận thức đó có một phần đúng, nhưng phần nhiều là tự bào chữa cho những điều mà chúng ta chưa nhận thức được triệt để. Bởi khi đã nhận thức được tầm quan trọng của một vấn đề nào đó mang tính sống còn đối với đất nước, đối với dân tộc hay những vấn đề mang tính sống còn đối với bản thân mình và người thân của mình thì chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thực hiện được, dồn mọi nguồn lực cả về thời gian, công sức, tiền bạc để làm cho bằng được. Cái gì mà cứ lặp đi lặp lại là chúng ta đã có đầy đủ, đã quán triệt đầy đủ, nhưng do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, hạn chế về nguồn lực không thực hiện được thì phải xem lại về nhận thức”.
Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 11/2021). Ảnh: Zing
Soi chiếu với đánh giá đó, Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương trong cả nước có cùng hạn chế chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hạn chế trong nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Hà Tĩnh là một trong những nguyên nhân gây nên những điểm “nghẽn” cần phải được nhìn nhận và có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. PGS.TS Biện Minh Điền phân tích: “Nhận thức của lãnh đạo các cấp, nhất là giới lãnh đạo văn hóa trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng về tính biện chứng trong giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa chưa sâu sắc, từ đó trong công tác hoạch định, quản lý còn thiếu quan điểm, lập trường để lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu trong truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về văn hóa, vai trò của văn hóa cũng như xây dựng văn hóa ứng xử cho người dân”.
10 năm sau ngày thành lập, cơ sở vật chất của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống vẫn là ngôi nhà 3 tầng cũ kỹ vừa là khu hành chính, vừa là khu tập luyện của diễn viên. Những khó khăn về cơ sở vật chất và vấn đề nhân lực đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà hát.
Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền đã có sự đầu tư nhưng nguồn lực dành cho phát triển văn hóa chưa tương xứng. Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, 5 năm gần đây, ngân sách chi cho sự nghiệp VH-TT&DL Hà Tĩnh mới chỉ đạt 1,3% ngân sách chi thường xuyên hàng năm mà theo quy định là phải đạt 1,8%. Theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, “phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm” thì rõ ràng nguồn lực đầu tư chưa tương xứng. Bên cạnh những thiết chế văn hóa mới được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM thì vấn đề quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm, chưa có kế hoạch, nguồn lực khả thi để xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị xứng tầm thời đại. Nhiều thiết chế văn hóa, nghệ thuật của Nhà nước như rạp chiếu phim, nhà hát nghệ thuật truyền thống chưa phát huy được hiệu quả khi cơ chế quản lý, cơ sở vật chất đã quá lỗi thời. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh chưa hề có sự chuyển đổi các đơn vị Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật, dịch vụ văn hóa theo hướng xã hội hóa. Nghệ sỹ ưu tú Duy Hải - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh bày tỏ: “Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thành lập đã được 10 năm nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có nơi tập luyện đúng nghĩa, chưa nói đến việc có nhà hát để biểu diễn. 2 vấn đề cấp thiết nhất hiện nay mà chúng tôi mong mỏi là có “nhà” để “hát” và nguồn nhân lực được đào tạo, thay thế”.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp còn bất cập cũng là điểm gây “nghẽn” trong quá trình phát triển văn hóa. Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa nhận định: “Cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp còn tình trạng chắp vá, trình độ chuyên môn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức chưa thực sự chuyên tâm vào công việc, khả năng tham mưu cũng như giải quyết công việc còn hạn chế, nhiều lúng túng, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn về văn hóa, chưa giải quyết được các vấn đề văn hóa thực sự có chiều sâu… nên đã ảnh hưởng đến chất lượng công việc, chưa đáp ứng yêu cầu mới.
Tình trạng trâu bò thả rông vừa gây mất an toàn giao thông vừa mất mỹ quan cùng hiện tượng vứt rác bừa bãi ở nhiều địa phương, phản ánh sự thiếu ý thức của một số bộ phận người dân cũng như sự chưa vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý.
Những thách thức không nhỏ trong thực thi nhiệm vụ của nhân lực quản lý Nhà nước về văn hóa dẫn đến việc triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa ở cơ sở còn nặng tính hình thức, đối phó, thiếu sáng tạo. Một số chủ trương, kế hoạch phát triển văn hóa chưa được đề xuất và xây dựng từ dưới lên nên thiếu thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực như việc xây dựng, chuyển đổi hoạt động nhà bưu điện văn hóa ở các xã, phường. Bộ phận chuyên môn chưa tham mưu cho UBND các cấp ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển văn hóa. Tại một số địa phương, việc chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh ở nông thôn và đô thị còn lúng túng, kết quả chưa rõ nét. Một số thời điểm, nhiều địa phương vẫn đặt văn hóa bên ngoài các vấn đề KT-XH, coi đó là phong trào bề nổi, chỉ mang tính giải trí chứ chưa thực sự coi đó là nguồn lực nội sinh.
Những con ngựa bằng giấy có giá từ 1 triệu đồng được du khách mua để làm lễ tại đền Chợ Củi (Nghi Xuân) dịp tết Nguyên đán vừa qua.
Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hệ thống di sản phong phú. Trong đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, hiện nay, tại Hà Tĩnh, một số thiết chế văn hóa truyền thống như đền, chùa, các di sản văn hóa, nhất là hiện vật lịch sử chưa được nghiên cứu để bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, trong khi đó, các thiết chế văn hóa mới chưa được xây dựng đủ và phù hợp.
Đền Cả Tổng Du Đồng tại thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng (Đức Thọ) được xây dựng cách đây gần 500 năm, có giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư tôn tạo xứng tầm nên nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng, nhiều đồ thờ cúng bị hư hại không thể sửa chữa.
Súng thần công, một trong 2 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia của Hà Tĩnh ở thời điểm hiện tại được đặt tại nhà kho trưng dụng từ nhà để xe của cơ quan (ảnh 1). Không gian chật hẹp khiến cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Tĩnh phải làm việc trong kho bảo quản hiện vật (ảnh 2). Thuyền độc mộc được khai quật dưới lòng sông ở huyện Hương Sơn có tuổi đời trên 300 năm cũng chịu cảnh bó bạt nằm dưới mái che do Bảo tàng Hà Tĩnh dựng lên gần đây (ảnh 3). Không gian 250 m2 chứa gần 12.000 hiện vật ở Bảo tàng Hà Tĩnh (ảnh 4).
Ông Đậu Khoa Toàn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản gần 12 nghìn tài liệu, hiện vật gốc phản ánh lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Tĩnh chưa có nhà bảo tàng để trưng bày thường xuyên tài liệu, hiện vật theo đúng nghĩa chức năng của nó “là nơi nghiên cứu, trưng bày và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử vô cùng phong phú của vùng đất được đánh giá là địa linh nhân kiệt”. Trong thời đại cách mạng 4.0, xu thế của công tác bảo tồn di sản văn hóa đang hướng đến việc số hóa nhưng nhà bảo tàng vẫn sẽ là thiết chế văn hóa có vai trò hàng đầu trong bảo tồn, trưng bày, giới thiệu những giá trị vô giá của vùng đất núi Hồng - sông La trong giai đoạn hiện nay. Bảo tàng không chỉ góp phần gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng gắn với phát triển kinh tế du lịch, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh”.
.....
Cùng với những khó khăn trên, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ở một số nơi, việc bảo tồn vẫn chạy theo phong trào, thiếu thực chất, chưa toàn diện, khoa học. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ban chia sẻ: “Thời gian gần đây, việc bảo tồn các di sản dân ca ví, giặm, ca trù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiều nơi chỉ mới quan tâm việc phát triển bề rộng mà chưa chú trọng chất lượng, chiều sâu hoặc bảo tồn chưa toàn diện, chỉ chú trọng đến lời hát, làn điệu mà chưa chú trọng đến nhạc cụ, trang phục đi kèm các điệu hát”.
Nhiều lễ hội truyền thống của các địa phương cần được bảo tồn, phát huy.
Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố (Hương Sơn). Ảnh: Ánh Dương
Thực tế cho thấy, mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng thời gian qua, trong phong trào xây dựng NTM, một số địa phương chưa chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp làng Việt, thuần phong mỹ tục của làng quê Hà Tĩnh. Lũy tre làng, nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ ngày càng ít. Một số hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, trang phục, kiến trúc, nghệ thuật, phong tục tập quán... có nguy cơ mai một, khó bảo tồn.
Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL nhận xét: “Hạn chế lớn nhất trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là ở nguồn lực kinh tế và nhân lực. Trong khi đó, rất nhiều di sản, di tích ở Hà Tĩnh cần nguồn kinh phí lớn để bảo tồn, nhất là các di tích liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật. Hơn nữa, hiện nay, phòng quản lý di sản văn hóa của các sở VH-TT&DL đã sáp nhập vào phòng nghiệp vụ khác, vì vậy, càng hạn chế về nguồn nhân lực phụ trách công tác này. Trong khi đó, cán bộ văn hóa cơ sở lại có chất lượng không cao, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát hiện, xác định mức độ xuống cấp của các di tích cũng như thiếu linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các mô hình phát huy giá trị di sản”.
.....
Hà Tĩnh thuộc tiểu vùng văn hóa Xứ Nghệ với nhiều đặc trưng độc đáo trong nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, con người Xứ Nghệ với những phẩm chất và tính cách nổi trội như: thẳng thắn, cương trực, kiên cường, bất khuất, tinh thần chịu khó, đoàn kết, gắn bó với quê hương... được coi là tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong tính cách người Nghệ nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng cũng tồn tại nhiều nhược điểm như: thô vụng, thiếu mềm dẻo trong giao tiếp, bảo thủ, cực đoan, cứng nhắc, cam chịu, thích nghi mà ít cải biến, cải tiến; tư tưởng học để làm thầy đã ăn sâu vào tiềm thức, dẫn đến thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu công nhân có tay nghề và thợ bậc cao. Bệnh chuộng hình thức, thành tích, phong trào đã ăn sâu trong một bộ phận Nhân dân dẫn đến tình trạng lãng phí, phô trương, kém hiệu quả trong đầu tư, SXKD và tiêu dùng.
Nhiều đơn vị sản xuất ở Hà Tĩnh thường xuyên đối mặt với tình trạng “mòn mỏi” chờ người lao động. Ảnh: Giang Nam
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều người Hà Tĩnh, nhất là giới trẻ đã biết tự nhận ra hạn chế và nỗ lực khắc phục. Một số đặc điểm như bảo thủ, co cụm, thiếu sáng tạo… đã được nhiều thế hệ loại bỏ. Dẫu vậy, vẫn có một bộ phận người Hà Tĩnh chưa thích ứng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong môi trường kinh tế. Đặc biệt, tư tưởng tiểu nông ăn sâu dẫn đến tư duy manh mún, thiếu tính kỷ luật, thiếu chuyên nghiệp trong lao động công nghiệp. Điều này dẫn đến hệ lụy các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài “kén” tuyển dụng người Nghệ, trong đó có người Hà Tĩnh.
Đã có những thời điểm, người Hà Tĩnh nằm trong nhóm bị “kỳ thị” bởi một số doanh nghiệp phía Nam khi tuyển dụng lao động. Ảnh minh họa từ Internet
PGS.TS Biện Minh Điền cho rằng: “Hà Tĩnh mang đậm bản sắc văn hóa làng, trong đó, bên cạnh những giá trị tốt đẹp thì cũng có nhiều hạn chế trong tư duy đô thị. Sự thiếu ý thức, cảm thức thị dân đã tạo nên những ngăn trở trong việc tiếp nhận nhiều cái đẹp, cái mới và thiếu sự sòng phẳng, rõ ràng, trong khi đây là chuẩn mực của hiện đại. Con người Hà Tĩnh sống thiên về tình cảm nên có những hạn chế về mặt lý. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có tâm lý tự ti, vọng ngoại, thiếu tinh thần tự lực, sáng tạo, chưa mạnh dạn xóa bỏ những quan niệm cũ, giáo điều, xơ cứng…”.
.....
Dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường, môi trường văn hóa Hà Tĩnh cũng không thoát khỏi sự “ô nhiễm” khiến không ít người dân bị lệch chuẩn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân có biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc, mơ hồ, bàng quan hoặc mất cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá chế độ của các thế lực thù địch. Xuất hiện lối sống thực dụng, tâm lý ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng; tôn thờ vật chất, chạy theo lối sống lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; không coi trọng các quan hệ gia đình, nền nếp, gia phong.
Tuổi trẻ cần thường xuyên được giáo dục, bồi đắp lý tưởng sống. Trong ảnh: Tuổi trẻ Trường THCS Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) tham gia hoạt động “Chúng em yêu biển”. Ảnh: Hương Thành
Trong khi đó, lĩnh vực văn học nghệ thuật - địa hạt được coi là cái nôi vừa nuôi dưỡng, vừa nâng đỡ, vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người, giúp con người nhận ra những cái xấu, cái chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh mình lại chưa được quan tâm đúng mức. Nhìn lại quá khứ, Hà Tĩnh từng có rất nhiều tác giả nổi tiếng trên văn đàn thế giới và trong nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Huy Cận, Xuân Diệu... với nhiều tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm cách của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Thế nhưng, thời gian qua, văn học nghệ thuật Hà Tĩnh lại có chiều hướng đi xuống. Người sáng tác nhiều nhưng thiếu những tác phẩm có tầm, chưa phản ánh toàn diện kết quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, còn thiếu những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Nhiều tác giả thay vì phát triển ngòi bút của mình lại chạy theo “đơn đặt hàng”, chạy theo thị trường, khai thác những chuyện vặt vãnh đáp ứng thị hiếu tầm thường. Trong khi văn hóa ngoại lai lại xâm nhập vào đời sống con người, nhất là giới trẻ, bằng những hình thức khó kiểm soát trên internet gây nên sự “ô nhiễm môi trường” văn hóa thì lại thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính định hướng, có tầm tư tưởng nghệ thuật.
Học sinh Trường Tiểu học Thạch Châu (Lộc Hà) tìm hiểu về di tích lịch sử tại địa phương.
Trẻ em vui chơi, học tập tại Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Tân Tiến (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà). Ảnh: Thu Hà
Những hạn chế trong tính cách con người, trong nhận thức của con người Hà Tĩnh như đã nói ở trên đã dẫn đến những hạn chế trong phát triển KT-XH. PGS.TS. Trần Quốc Toản - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương từng phân tích: “Những giá trị con người, giá trị văn hóa phù hợp với quy luật và cơ chế phát triển kinh tế khách quan sẽ có sự tác động cùng chiều và tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển cả về kinh tế và xã hội. Ngược lại, khi các giá trị con người, giá trị văn hóa không phù hợp với quy luật và cơ chế phát triển kinh tế sẽ có tác động ngược chiều, làm suy yếu động lực phát triển cả về kinh tế và xã hội, thậm chí có thể còn dẫn tới những rối loạn xã hội”.
CLB Dân ca ví giặm thôn Thanh Văn, xã Xuân Thành (Nghi Xuân).
Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, trong thời kỳ mới, những cơ hội và thách thức trong phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh cần phải được nhận diện chính xác, đánh giá đúng mức. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp để phát huy sức mạnh văn hóa, loại bỏ những hạn chế gây nên những điểm “nghẽn”, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh nhà trên tất cả các lĩnh vực.