Văn hóa - Giải trí

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Chỉ sau hơn một tuần thông báo, Câu lạc bộ thơ Nguyễn Công Trứ đã nhận hơn 400 bài thơ của trên 300 người làm thơ và nhà thơ; hai nhà thơ Lê Duy Phương và Ngô Văn Phú chọn 103 bài với đủ thể loại dưới tên chung Người bất tử (NXB Hội Nhà văn).

Chuẩn mực hàng đầu của thơ hay là phẩm tính chân thực của cảm xúc. Bởi vậy, 103 bài trong Người bất tử, bài nào cũng hay. Mỗi bài rung cảm một phương diện về cuộc đời huyền thoại, đa dạng, phong phú nhưng rất thống nhất của con người Võ Nguyên Giáp. Tôi chấn động sâu, mạnh với bài thơ trong tập Người bất tử của chị Nồng Nàn Phố, được biết mới 25 tuổi, quê Thanh Chương, hiện đang công tác ở TP Hồ Chí Minh. Bài thơ có tựa đề như trên và nguyên văn sau đây:

Ông ơi…

Có đồng đội của ông một mình đứng đợi

nhìn ông lần cuối trên cặp nạng gỗ

Hai chân đã nằm lại chỗ

Ngày xưa chôn người lính cạnh làng

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”
“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”
“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Dòng Kiến Giang tĩnh lặng trôi

Có cô gái ngồi bên sông một mình gào thét

“nếu ai hỏi vì sao? Quê hương chúng ta…”

Rồi im bặt

Tay đè lên ngực nghe tim thắt

Nhịp đập của Quảng Bình có phải không ông?

Và còn cả những gốc lúa chín đồng

Chưa kịp gặt về đã chìm trong biển nước

Con trâu nhà ai nhu nhược

Ngoạm một nắm cỏ vào mồm… sợ đau lòng đồng

nên nhắm mắt nhả ra…

Còn đó năm, sáu, chín, mười, một trăm lá đa

Bà bế cháu ra đầu làng đón mẹ

Lá đa chẵn, lá đa lẻ

Đếm tuổi thơ bằng nụ cười giòn

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”
“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Chiều nay… gió thu se sắt

Đưa ông về kể huyền thoại năm xưa

Cho gốc đa, gốc lúa, gốc dừa

Cho cụ bà còn hai răng vẫn nhai trầu đỏ quạch

Về với Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Đồng Hới, Bố Trạch

Về với vách nứa thơm… ngọt đắng đời người

Ông về đi ông và hãy mỉm cười

Bốc nắm đất quê bỏ vào túi áo

Dòng Kiến Giang sẽ bảo

… Ôm người con ruột rà vào lòng để Quảng Bình

tránh bão mưa dông

Để những cánh đồng

Ngày mai ngạt ngào hương lúa chín

Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về.

Nồng Nàn Phố

Tiếng nói trữ tình trong bài thơ rất đậm chất cá thể, không chia sẻ, là của chính nhà thơ, của riêng nhà thơ - người xưng cháu gọi Ông với hương hồn Đại tướng. Trải ra trong bài thơ nhiều tiếng gọi “Ông ơi…, Ông ơi!”, cháu kể với linh hồn Ông thật nhiều dọc đường Ông đi từ Hà Nội, ở những lễ truy điệu đến lúc Ông về tới quê ruột Quảng Bình. Lời kể trong thơ, vì là thơ, toàn bằng hình ảnh. Đáng lưu ý: Nhiều hình ảnh lấy từ lễ tang Đại tướng: Người đồng đội trên cặp nạng gỗ đứng đợi linh xa đưa Ông đi qua, bà cụ già yếu trước di ảnh Ông cầm chằn chặn nén nhang vì sợ khụy ngã, bao vòng tang quấn vội, bước chân chạy nhanh theo linh cữu Ông v.v… Nhưng những hình ảnh thực tế này đã qua nỗi lòng tác giả, kể lại với linh hồn Ông nên thấm đẫm bao cảm xúc, suy tư làm chấn động đến cõi sâu trong lòng người đọc:

Dòng Kiến Giang tĩnh lặng trôi

Có cô gái ngồi bên sông một mình gào thét

“nếu ai hỏi vì sao? Quê hương chúng ta…”

Rồi im bặt

Tay đè lên ngực nghe tim thắt

Nhịp đập của Quảng Bình có phải không ông?

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Và nhiều hình ảnh khác trong thơ đã đạt đến độ chân thực nghệ thuật rất cao vì đó là sáng tạo thi ca - loại hình “nữ hoàng của nghệ thuật”, là tiếng lòng từ trái tim thắt nghẹn của nhân vật trữ tình:

“Ông còn nhớ đường Hoàng Diệu nữa không?

Gốc cây này ai ngang qua, nhành cây kia vừa rụng lá

Con chim quen hót giọng gì rất lạ

… Hình như lạ đến rợn người”

“Và còn cả những gốc lúa chín đồng

Chưa kịp gặt về đã chìm trong biển nước

Con trâu nhà ai nhu nhược

Ngoạm một nắm cỏ vào mồm… sợ đau lòng đồng

nên nhắm mắt nhả ra…”

“Ông về đi ông và hãy mỉm cười

Bốc nắm đất quê bỏ vào túi áo”

Cháu thì thầm thật nhiều với linh hồn Ông: Chuyện dân đón đợi linh xa và quặn lòng khóc thương Ông, chuyện cỏ cây, chim muông nhuốm nỗi đau người, chuyện đồng lúa chín ngập trong cơn bão lũ đang hoành hành nhưng người nông dân quê Ông vẫn giữ trọn đạo nhân thuần, chuyện muôn đời xưa nay, rất đậm nét văn hóa quê Việt: Bà bế cháu ra đầu làng đón mẹ, yêu chiều dỗ cháu đếm từng lá đa làng như thuở ấu thơ Ông cũng được bà nội bế đón mẹ như thế. Lúc Ông về tới quê ruột, cháu kể với hồn Ông: Cùng vấp nắm đất quê “được bồi bởi dòng sông nhỏ”, Ông đã vấp cả giọt máu mẹ cha, người làng và cả trang sử chan đầy nước mắt vào lòng. Ông về làm ấm lòng từng mỗi tên quê, về trong sự đợi chờ của cỏ cây, của trai gái, của những “cụ bà còn hai răng vẫn nhai trầu đỏ quạch”, của mỗi góc bếp, mái nhà tranh, “vách nứa thơm… ngọt đắng đời người”. Và ôm Ông vào lòng, một Quảng Bình hằng tin có Thánh Giáp trấn giữ làm nên yên ấm, hạnh phúc mai sau…

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”
“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Từ đó, bài thơ nêu lên một triết lý sâu xa về vị Đại tướng, về Anh Văn: Nguồn cội tạo ra tố chất, sức mạnh kỳ diệu chiến thắng cái ác, sự thấp hèn và cuộc đời huyền thoại chỉ có thể so sánh với chính mình của Đại tướng - người đã đánh bại các đối thủ sừng sỏ hàng đầu của chủ nghĩa thực dân và đế quốc ở thế kỷ XX, người phô diễn bằng tiếng Pháp nhuần nhuyễn khi hội thoại với khách quốc tế, người lúc tuổi đã cao, mười ngón tay nhăn nheo vẫn lướt trên phím đàn dương cầm những bản nhạc trứ danh của nhân loại…, nguồn cội đó không gì khác, chính là nền văn hóa nhân dân, rất bình dân tích tụ đã muôn đời nơi quê hương Quảng Bình, chốn núi sông đất Việt. Sinh ra từ nhân dân, đến phút khép vành mi, Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về.

“Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về”

Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà thơ Nồng Nàn Phố không chỉ nói hộ triệu triệu trái tim Việt Nam trong và ngoài nước về nỗi đau mất mát trước “Điều bất hạnh trăm năm không thấy nữa” mà còn giúp chúng ta nhận ra và hiểu rõ hơn bí mật diệu kỳ cốt cách Con Người lão thực Võ Nguyên Giáp. Người không làm Thánh, Tiên, Phật mà sinh tụ chính nơi “ngọt đắng đời người” Việt Nam này! Ông vịn lòng dân để thanh thản trở về - bài thơ động thấu lòng người !

Ảnh: Hà Anh và từ nguồn internet

Thiết kế: Huy Tùng

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.