Ngày cuối năm Quý Mão, khi người người đang hướng lòng về tết cổ truyền dân tộc, chúng tôi đến Can Lộc (Hà Tĩnh) để cảm nhận sâu hơn những giá trị to lớn của vùng đất di sản, càng thêm trân quý những con người làm đẹp sông núi quê hương, hôm qua và hôm nay.
Vùng đất Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn, Can Lộc) có dòng họ Ngô nổi tiếng nhiều đời. Khoảng thế kỷ XV, họ Ngô mới tới vùng này sinh cơ lập nghiệp và trở thành một cự tộc võ thần. Đặc biệt, đời thứ 7, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn (1577-1652) được phong chức Phó tướng Trung nhuệ quân doanh, tước Thái Bảo. Ngô Phúc Vạn có 10 người con trai được phong công hầu. Dưới thời Tây Sơn, họ Ngô cả nước có 60 vị quận công thì họ Ngô Trảo Nha có tới 18 vị. Năm 2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho họ Ngô Trảo Nha với 3 nội dung: dòng họ có nhiều quận công nhất với 18 vị; dòng họ có nhiều đời liên tiếp được phong tước quận công với 8 đời (từ đời thứ 5 đến đời thứ 12); dòng họ có 3 anh em ruột được phong tước quận công cùng một ngày. Nằm hướng mặt về phía Nam trên cung đường lịch sử, nhà thờ họ Ngô là di tích lịch sử cấp quốc gia được nhiều người biết đến, hằng năm đón con cháu và du khách từ mọi miền về chiêm bái.
Nhà thờ Tào Quận công Ngô Phúc Vạn. Ảnh Giang Nam
Cạnh nhà thờ họ Ngô là nhà lưu niệm Ngô Xuân Diệu (1916-1985), một nhà thơ Việt Nam nổi danh được cả thế giới biết đến và yêu mến. Dù không sinh ra trên vùng đất quê cha đất tổ nhưng trong tâm hồn thi sĩ luôn mang nặng tình yêu, sự hàm ơn với dải “đất hẹp khô rang”, quê hương nguồn cội và mảnh đất Tuy Phước - Bình Định, nơi ông sinh ra. “Hai mái Đèo Ngang một mối tơ hồng” đã làm nên cốt cách, tâm hồn của nhà thơ lớn với gia tài thơ hơn nửa thế kỷ, đặc biệt là thơ tình. Bao nhiêu năm tháng ông đi xa nhưng những vần thơ, bức ảnh, bút tích của nhà thơ mang bút danh Trảo Nha vẫn khiến người xem bồi hồi xúc động:
Đội ơn thầy, đội ơn má sinh con
Cảm ơn thầy vượt Đèo Ngang bất kể!
Cảm ơn má biết yêu người xứ Nghệ
Nên máu con chung hòa cả đôi miền
Nhà lưu niệm và những kỷ vật của nhà thơ Ngô Xuân Diệu. Ảnh Giang Nam
Mảnh đất Can Lộc này là vậy, anh hùng, tướng lĩnh và văn nhân, thi sĩ nhiều thời làm rạng danh đất Việt. Khi có giặc, họ là người lính, là tướng quân, khi đất nước hòa bình, họ là thi sĩ. Cũng có người chí lớn đánh giặc vừa là tướng lĩnh vừa là thi nhân như Đặng Dung (xã Tùng Lộc) với 2 câu thơ nổi tiếng: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” (Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà). Tố chất của kẻ sĩ miệt mài với văn chương khoa bảng luôn hòa cùng tố chất yêu nước, kiên trung, phò vua giúp nước, khai mở nền giáo dục nước nhà, sáng tạo và lưu truyền, gìn giữ di sản văn hóa. Tiêu biểu là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ ở thế kỷ XVIII...
Thế kỷ XX, miền quê khoa bảng, anh hùng Can Lộc nổi lên với những tên đất, tên làng trở thành huyền thoại, lưu danh với sông núi như Làng K130, Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Nhe... Những chàng trai, cô gái tuổi 20 xả thân hy sinh vì nước, dâng hiến tuổi xuân cho những con đường lại cũng chính là những người có tâm hồn thi sĩ. Nhiều người đọc bức thư của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng A4-C552 TNXP gửi mẹ đều có chung suy nghĩ: Nếu không có chiến tranh, rất có thể chị là nhà văn, nhà thơ. Những dòng thư từ con tim của chị đã chạm đến hàng triệu con tim: “Đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến... Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con”.
Người dân xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) đón Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ảnh trái). Lãnh đạo huyện Can Lộc trao tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (ảnh phải). Ảnh: Giang Nam
Chính tố chất “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” của người Can Lộc nhiều thời đã góp phần to lớn làm rạng danh trang sử nước nhà, kiến tạo và bồi đắp các giá trị văn hóa, để thế hệ hôm nay và mai sau được biết đến 3 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Hoàng Hoa sứ trình đồ, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu; hát ví phường vải Trường Lưu (một thể hát trong ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại) và các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.
Chớm xuân 2024, chúng tôi về Can Lộc để thấm nhuận hơn những giá trị văn hóa - con người nơi đây. Dọc theo con đường lịch sử qua Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi về vựa cam Thượng Lộc. Miền quê “phên dậu” của ngã ba trọng điểm từng bị bom đạn địch tàn phá nay đang bừng lên sức sống mạnh mẽ. Những con người yêu quê hương, gắn bó với đất đai ngàn đời của cha ông đã biết thức dậy tiềm năng của đất, đem mồ hôi, sức lực để biến những quả đồi hoang vu ngày nào thành những triền cam bưởi bát ngát, ngọt lịm hương vị xứ sở.
Anh Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc vừa lái xe chở chúng tôi qua những triền đồi cam bát ngát, vừa tự hào khoe: “Đất đai của Thượng Lộc rộng gấp 5 lần các xã khác. Toàn xã có diện tích cam, bưởi lên đến 310 ha (170 ha cho thu nhập); 6 HTX sản xuất, kinh doanh; 7 sản phẩm được công nhận OCOP (5 sản phẩm là cam).
Cam Thượng Lộc là một trong những đặc sản nổi tiếng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Ảnh Giang Nam
Cam Thượng Lộc những năm gần đây đã chinh phục người tiêu dùng cả nước, được cấp chỉ dẫn địa lý. Những đồi cam chín mọng đã trở thành địa chỉ du lịch dã ngoại lý tưởng. Nhiều công ty du lịch đã kết nối tour, đưa khách về trải nghiệm như Công ty Lữ hành Thành Sen, HTX Trà Sơn... Xã đang xây dựng đề án Làng du lịch trải nghiệm bởi đường Can Lộc - Hương Khê rất đẹp, có vựa cam ngon, lại gần Ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng”.
HTX Trà Sơn (Can Lộc) tham gia Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng Sông Hồng – Hải Phòng năm 2023. Ảnh tư liệu
Chúng tôi dừng xe ở thôn Anh Hùng, cái tên gợi nhớ một thời kiên trung anh dũng của mảnh đất này. Trang trại cam Hiền Thanh là một trong 5 trang trại có nhiều cam ngon ở đây. Với hàng trăm gốc cam cả 2 loại: cam giòn và cam chanh, cam Hiền Thanh đang được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến. Mùa này đang chính vụ, gốc lớn hay nhỏ đều lúc lỉu quả vàng mọng. Thưởng thức những quả cam ngọt lịm, càng thêm biết ơn những con người đã mang lại giá trị to lớn cho đất đai quê hương. Chị Phan Thị Hiền - chủ trang trại chia sẻ: Mùa thu hoạch, có nhiều đoàn khách đến đây ngắm vườn, chụp ảnh và mua cam. Cam giòn ngọt lịm đầu lưỡi, giá bán tại gốc là 65-70 nghìn đồng/kg, gần tết có cao hơn một chút. Cam chanh ngọt thanh, có giá thấp hơn (35-40 nghìn đồng/kg).
Anh Diệu cũng cho biết: Ngoài cam Hiền Thanh, Thượng Lộc còn có cam Trạch Mai, cam Trà Sơn, cam Đồng Uyên chất lượng cũng rất cao. HTX sản xuất, kinh doanh Trà Sơn đã đầu tư máy móc sục ozone, làm bóng sáng cam, đóng gói xuất bán đi mọi miền với giá từ 90-100 nghìn đồng/kg. Cam Trà Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Toàn cảnh chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc). Ảnh: Đình Nhất
Chúng tôi rời Thượng Lộc, xuôi về Thiên Lộc. Còn gần 1 tháng nữa chùa Hương Tích mới vào hội nhưng không khí đã bắt đầu rộn ràng. Dọc đường vào chùa, hoa ban đã nở tím cả khung trời. Mảnh đất phát tích huyền thoại công chúa Ba con vua Trang Vương nước Sở sang tu hành đắc đạo, trở thành Quan Thế Âm bồ tát cứu khổ chúng sinh và ngôi chùa Hương Tích ẩn mình sau những lớp sương mù trên đỉnh non Hồng ngày càng hấp dẫn du khách gần xa. Cùng với chùa Hương Tích, di tích Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc), nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cuối năm 1930, Ngã ba Nghèn, Khu di tích lịch sử đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Làng cổ Trường Lưu, nhà thờ họ Nguyễn Huy, nhà thờ Nguyễn Thiếp (xã Kim Song Trường), Nhà lưu niệm Xuân Diệu, đồi cam Thượng Lộc... đều là những địa chỉ du lịch nổi tiếng.
Ngã ba Đồng Lộc, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Ảnh: Giang Nam
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXVI đã xác định mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Toàn huyện có 89 di tích, trong đó 19 di tích quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, 1 di tích quốc gia đặc biệt và 3 di sản tư liệu thế giới. Đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch - dịch vụ, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của huyện. Can Lộc đã xây dựng Đề án phát huy giá trị các di sản để phát triển văn hóa - du lịch, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các tour, tuyến du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, tạo ra sự phong phú để thu hút du khách về miền di sản Can Lộc. Đồng thời hoàn thiện Đề án làng văn hóa di sản Trường Lưu để tạo điểm nhấn về du lịch.
Mùa xuân lại về với đất nước, quê hương, với miền quê Can Lộc yêu dấu. Mỗi bước chân đặt lên mảnh đất này đều chạm vào quá khứ hào hùng, chạm vào hương đất tình người hòa quyện hôm nay. Dưới trời xanh lồng lộng, trong muôn vàn âm thanh mùa xuân náo nức, miền đất di sản đang rạng ngời, bừng thức những gam màu tươi mới.
Nội dung: Minh Huệ
Ảnh: Giang Nam - Đình Nhất
Thiết kế: Khôi Nguyễn