Với những mánh khóe của giới đầu cơ, giá đất được “thổi phồng” so với giá phổ biến trên thị trường tạo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và gây khó khăn cho người có nhu cầu mua đất thực.
Tại xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), từ sau tết Nguyên đán 2022 tới nay, chính quyền địa phương đã tiếp nhận và xử lý 7 đơn thư, kiến nghị liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Bà Chu Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương cho hay: "Khi có thông tin về dự án đầu tư trên địa bàn, giá đất được “thổi” trên trời và kéo theo nhiều hệ lụy như: gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống văn hoá. Số vụ tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương liên tục xảy ra, chủ yếu liên quan đến đất đai. Đau lòng nhất khi hàng xóm, người thân cũng quay ra tranh giành, tố cáo lẫn nhau”.
Nhiều người đổ xô về các vùng quê Hà Tĩnh để “săn” đất.
Điều đáng nói, có rất nhiều câu chuyện để lại không ít nỗi lòng cho người trong cuộc, gây khó khăn cho việc giải quyết tại cơ sở. Chẳng hạn mới đây, xã vừa tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người anh vào buổi sáng thì ngay buổi chiều, người em đã cầm đơn thư lên UBND xã, đề nghị không giải quyết vì gia đình chưa thống nhất việc phân chia. Hay, câu chuyện về những đứa con đi làm ăn xa nay trở về “níu áo” cha mẹ đòi chia đất; chuyện hàng xóm kiện cáo nhau do lấn chiếm đường đi, cây đổ qua hàng rào… Chứng kiến sự việc, nhiều người không khỏi thở dài: Mộng giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy mất tình, mất nghĩa!.
Thậm chí, một bộ phận người dân còn bỏ bê cả sản xuất để chạy theo giới đầu tư, chờ cơ hội đổi đời. N. một tay “cò đất” mới nổi ở xã Cẩm Dương là ví dụ. Trước đây N. làm nghề lái xe nhưng nhiều tháng nay chuyển sang làm môi giới đất. N kể: “Tuần trước, tôi môi giới bán được 3 lô đất kế cận dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng, sân golf tại xã Cẩm Dương với tổng giá trị gần 7 tỉ đồng, tiền hoa hồng cũng kiếm được kha khá. Công việc này nhẹ nhàng trong khi chẳng cần phải mất sức lao động nhiều, cứ “sốt” ở đâu, mình nhảy vào đó, kéo được khách thì “ăn” tiền hoa hồng thôi”.
Giới buôn đất và người dân địa phương xã Yên Hòa, Cẩm Dương tập trung tại quán cà phê để chào mời khách mua.
Tại quán cà phê bên quốc lộ 15B, đoạn qua xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên), ngoài “cò đất” chuyên nghiệp thì nhiều người dân địa phương cũng bỏ thời gian ngồi đây cả ngày để chờ khách. Khi chúng tôi ngỏ ý, họ nhanh chóng tiếp cận đưa bìa đất cho chúng tôi xem, khẳng định là đất chính chủ, chưa qua mua đi bán lại và liên tục mời chúng tôi đi xem đất.
Trên các nhóm thông tin bất động sản cũng rầm rộ rao bán những lô đất cạnh các khu quy hoạch dự án.
Không chỉ lao vào đầu tư, khi thấy giá đất từ tiền trăm lên tiền tỷ, nhiều người dân đã đua nhau cắt đất, xẻ vườn bán. Tại xã Việt Tiến (Thạch Hà), từ khi có thông tin dự án Khu Công nghiệp VSIP và dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina giới kinh doanh bất động sản nườm nượp đổ về, giá đất khu vực thôn Lộc Thọ tăng cao từng ngày, người dân trong vùng cắt vườn bán đất nhiều hơn.
Điều này vô hình trung đã khiến cho giá đất vốn đang cao ngất ngưởng như thêm “mồi lửa” để giới “cò” tạo cơn sốt mới. Hầu hết các giao dịch trong “cơn sốt” đất chỉ là đặt cọc tiền, giữ đất để “lướt sóng” và phần lớn là “cò đất” bán đi bán lại qua tay. Chủ đất chỉ “hớt” được phần ngọn, người thực sự có nhu cầu thì khó mua được đất với giá trị thực.
Khu vực quy hoạch Dự án Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina (xã Việt Tiến).
Chị Nguyễn Thị S., thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến cho biết: “Mới tháng 1/2022, tôi cắt 370 m2 vườn bán với giá 3,2 triệu đồng/m2, mới hơn 1 tháng, người ta đã trả giá lên 4 triệu đồng/m2 nhưng chủ mới chưa bán lại. Nhìn giá lên từng ngày tôi tiếc cả tiền cả đất. Vì cần tiền nên tôi đành phải bán dù biết rằng, bán đất là coi như mất đất, sau này có muốn mua lại cũng không thể”.
Giá đất thôn Lộc Thọ tăng cao từng ngày, người dân trong vùng cắt vườn bán đất nhiều hơn.
Không chỉ hệ luỵ với chính người dân mà hiện tượng tăng giá đột biến đang gây ra những dự báo về nhiễu loạn thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bà Chu Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) cho biết: “Trong một số phiên đấu giá, đã có tình trạng “cò đất” nhảy vào đặt giá cao rồi bỏ. Vào tháng 12/2021, xã Cẩm Dương tổ chức đấu giá 14 lô đất thì có 6 lô được chốt giá cao ngất ngưỡng nhưng cuối cùng người mua bỏ cọc. Trong khi đó, rất nhiều người dân có nhu cầu thực sự thì không thể mua. Đó là chưa kể, vì những lô đất như thế này mà địa phương lại phải tổ chức đấu giá lại”.
Hàng dài xe cộ nối đuôi nhau về xã Việt Tiến tìm hiểu thị trường đất
Theo ông Trần Quang Đông, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Thạch Hà, thị trường bất động sản sôi động mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương, tuy nhiên cũng để lại những hệ lụy. Khi giá đất cao, người dân bán thì dễ nhưng khi cần mua đất để xây nhà dựng cửa thì rất khó. Ngoài ra, giá đất cao sẽ gây cản trở trong việc thu hút nhà đầu tư. Bởi lẽ, đất đai (vị trí thực hiện dự án) luôn là yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư ưu tiên tìm kiếm. Khi đất đai biến động không kiểm soát thì họ sẽ có tâm lý e ngại đầu tư tại địa phương.
Cùng đó, việc biến động đất đai theo chiều hướng không ổn định cũng gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án vì nhà đầu tư muốn giải phóng mặt bằng theo đơn giá nhà nước (hoặc biến động trong một phạm vi cho phép) trong khi người dân thì muốn đền bù theo giá thị trường, mặc dù giá đó không thực tế. Đó là chưa kể, một số dự án có thể bị “đội” vốn vì phải điều chỉnh giá giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn vốn đầu tư.
Ông Trần Quang Đông - Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Thạch Hà thông tin về hệ lụy do sốt đất.
Giá đất nền, đất thổ cư trong thời gian ngắn bị “thổi” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư bất động sản. Thực tế đã không ít người mua đất khi “cơn sốt” đỉnh điểm, để rồi khi thị trường lắng xuống thì đành phải bán với giá thấp hơn. Chị H.T (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) ngậm ngùi: “Tháng 9/2021, tôi mua lô đất có diện tích 267 m2 tại xã Thạch Xuân (Thạch Hà) với giá 1,33 tỷ đồng. Thời điểm này, đất Thạch Xuân khá “sốt” vì khu vực gần đường Hàm Nghi kéo dài và đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến đi qua. Một tuần sau khi mua, tôi rao bán lô đất này và đã chốt được mức giá 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó lại có thông tin dự án đường cao tốc đi quá gần với lô đất nên bỗng dưng bị mất giá, khách không mua nữa. Cuối cùng, sau gần 1 tháng rao bán, tôi chấp nhận sang nhượng lỗ với giá 1,2 tỷ đồng”.
Tình trạng đất bị đẩy giá “ăn theo” dự án không chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh mà đã xảy ra ở nhiều địa phương khác. Trước thực trạng này, nhiều bộ, ngành liên quan đã ban hành một loạt công văn yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, tập trung theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra tình trạng “sốt” giá và “bong bóng” bất động sản.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Thạch Hà - Lộc Hà rà soát hồ sơ để chống thất thu trong mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Mới đây, ngày 12/1/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 438/BTC-VP về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Ngày 22/2/2022, Cục thuế Hà Tĩnh cũng đã ban hành công văn số 271/CTHTI-HKDCN về việc tăng cường quản lý, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, ngành thuế chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế kê khai chính xác, trung thực nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.
Người dân khi tham gia giao dịch, kinh doanh bất động sản không nên chạy theo tâm lý đám đông mà cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan để tránh rủi ro.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để “cắt” hiện tượng “sốt” đất, Nhà nước cần có chế tài chấn chỉnh tình trạng người người, nhà nhà làm “cò đất”. Theo đó, chỉ cho phép những trung tâm, đơn vị có đăng ký kinh doanh bất động sản hoạt động; đánh thuế bất động sản không sử dụng; minh bạch thông tin quy hoạch, dự án; các văn phòng công chứng, địa chính xã, phường, thị trấn phải công chứng theo giá đất thực tế...
Bên cạnh đó, nhiều người đề xuất tăng quy định mức cọc tại các phiên đấu giá lên 50% thay vì 5 – 20% như hiện nay để loại bỏ những trường hợp “cò mồi”, “lướt sóng” và làm minh bạch hoạt động đấu giá đất.
Người dân làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu đất tại Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh.
Đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng này, Trưởng phòng Đất đai 1 - Sở TN&MT Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hoạch cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản và công bố kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục các công trình, dự án sẽ tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất để người dân tiếp cận thông tin chính thống, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng “thổi giá”.
Cùng đó, cần có khuyến cáo cho người dân, tổ chức đề cao cảnh giác về các thông tin sai sự thật để ránh rủi ro. Đặc biệt, khi tham gia giao dịch, kinh doanh bất động sản không nên chạy theo tâm lý đám đông, theo phong trào mà cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan.
Trưởng phòng Đất đai 1, Sở TN&MT Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hoạch đưa ra các giải pháp cắt “sốt” đất.
Các sở, ngành, địa phương liên quan cũng cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, đảm bảo việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hoạch, ở chính sách vĩ mô, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, quản lý chặt vốn vay đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản.
Bài 1: Đất nông thôn bỗng nhiên “dát vàng”!