Bây giờ, khi tôi đã trở về quê nhà Hà Tĩnh, lặng im ngồi viết những dòng này thì hương sen thơm ngát suốt con đường về Hoàng Trù và làng Sen quê Bác vẫn còn quanh quất bên tôi. Những nỗi hân hoan, xúc động của các đoàn khách tham quan quê Bác vẫn còn khiến tôi chưa dứt ra được khỏi nỗi bùi ngùi.
Tháng Năm, tiếng hát của NSND Thu Hiền, của ca sỹ Phương Thảo ngọt ngào vang lên giữa đôi bên hoa lúa, giữa bình dị cuộc sống của người dân thôn quê, giữa những hồi hộp đợi mong của những tấm lòng trong sáng – “Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương/ Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải/ Gặp lại giọng trầm đêm đêm cha đọc thơ”… Những câu hát giản dị vang lên trong âm hưởng dân ca ví giặm như muốn đi sâu vào tâm tư người nghe, ở lại và gieo lên đó sự đồng cảm, thấu hiểu, ngưỡng vọng… Như muốn khắc tạc niềm yêu kính dành cho một nhân cách lớn…
Trong dòng người ngược xuôi về thăm quê Bác sáng hôm ấy, tôi nghe đủ giọng nói 3 miền. Họ là cựu chiến binh, là hưu trí, là cán bộ công nhân viên chức, là người lao động, là thanh niên, thiếu nhi từ mọi miền quê hương mang niềm chung nhớ Bác. Họ, có người mới đến thăm quê Bác lần đầu, nhưng cũng có những người xem đây như một nẻo về thiêng liêng, mỗi tháng Năm đến đều xao xuyến, đợi chờ và thành kính trở về cho thoả nỗi nhớ mong…
Ông Nguyễn Hải Phong - một CCB ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là một trong những người như thế. Với ông, quê Bác là một cõi linh thiêng mà mỗi độ tháng Năm về đều thao thiết vang lên 2 tiếng trở về. Ông không nhớ mình đã về đây bao nhiều lần, đã bao nhiêu lần lặng người trước những kỷ vật thiêng liêng nhưng sau mỗi lần như thế, ông lại càng kính yêu Bác hơn. Sau mỗi lần trở lại quê hương Người, ông lại có thêm những động lực cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, dẫu nhỏ bé nhưng ý nghĩa lại lớn lao.
Ở bất kỳ nơi đâu, nhà cụ cố Đường nơi Bác cất tiếng khóc chào đời hay nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… tôi đều bắt gặp những rưng rưng xúc động. Đó là những giọt nước mắt tiếc nhớ, là niềm kính yêu vô hạn dành cho một nhân cách vĩ đại của dân tộc. Trở về Kim Liên giữa mùa tri ân, bà Nguyễn Thị Hoa – cán bộ hưu trí ở Đông Triều (Quảng Ninh) không giấu được nỗi niềm xúc động khi đi trong con ngõ quanh co xanh mướt dâm bụt, khi đứng trước những kỷ vật giản dị đã gắn bó và nuôi dưỡng nhân cách, trí tuệ của Hồ Chủ tịch. Tại đây, bà thấm thía hơn những câu chuyện về đạo đức, phong cách của Người, hiểu sâu hơn những bài học giản dị mà Người muốn trao gửi cho hậu thế. Cũng tại đây, bà mới cặn kẽ nhất vì sao thế giới lại ngưỡng mộ và đánh giá cao nhân cách, trí tuệ Hồ Chí Minh và văn hoá Hồ Chí Minh đến thế…
Lặng lẽ miệt mài giữa tấp nập du khách trong những ngày tháng Năm lịch sử là những nhân viên của Khu di tích Kim Liên. Với họ, công việc này là một sứ mệnh. Bởi thế, mỗi nhân viên ở đây, theo cách riêng của mình đều tự tìm cách lớn lên, gần với Bác hơn mỗi ngày. Tôi đã nghe thấy tình yêu ấy qua những câu chuyện xúc động của các chị thuyết minh viên, tôi đã nhìn thấy niềm kính yêu Người qua sự tỉ mẩn của cán bộ bảo quản, sự cần mẫn của công nhân chăm sóc cây cảnh…
Với thâm niên gần 10 năm gắn bó với Khu di tích Kim Liên, chị Nguyễn Thị Oanh – cán bộ Phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản đã quen với việc đi sớm về muộn. Mỗi ngày, chị bắt đầu công việc của mình ở làng Hoàng Trù quê ngoại từ 5h30’ sáng và kết thúc vào khoảng 18h chiều. Để đón tiếp du khách chu đáo, bộ phận của chị phải đến từ rất sớm để dọn vệ sinh, lau chùi hiện vật sạch sẽ. Buổi chiều, khi các đồng nghiệp đã về thì bộ phận của chị vẫn ở lại để thu dọn tài liệu, hiện vật. Những việc ấy, quen thuộc đến độ có nhắm mắt chị cũng hoàn thành. Ấy vậy mà chị không hề cảm thấy nhàm chán. Trái lại, mỗi ngày, được chạm vào những kỷ vật thiêng liêng đã nuôi nấng tâm hồn và trí tuệ của Bác Hồ là một ngày lao động ý nghĩa của chị. Với chị, được gần gũi với những vật dụng từng gắn bó với cuộc đời của Bác là như được bóng hình Người toả sáng trong tâm tư.
Không thầm lặng như chị Oanh, công việc của những thuyết minh viên lại cần những kỹ năng giao tiếp linh hoạt. Hơn 7 năm gắn bó với Khu di tích Kim Liên, chị Phạm Thanh Hương đã trở thành một thuyết minh viên xuất sắc. Làm công việc tiếp xúc trực tiếp với du khách mọi miền đất nước, chị Thanh Hương cho rằng mình cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Không chỉ cần chỉnh tề trong trang phục, dung nhan, chị còn luyện giọng nói sao cho thật truyền cảm và đặc biệt là khả năng ứng biến. Với du khách là cựu chiến binh, bộ đội chị sẽ kể những câu chuyện về tình yêu thương Bác dành cho đối tượng này. Với học sinh, sinh viên, chị lại kể những câu chuyện về sự quan tâm của Người đối với thế hệ tương lai của đất nước...
Những câu chuyện về cuộc đời Bác vốn dĩ đã rất cảm động nhưng qua giọng nói truyền cảm, ấm áp của những thuyết minh viên như chị Thanh Hương đã khiến du khách khắc cốt ghi tâm tình yêu thương bao la mà Bác để lại cho quê hương, cho dân tộc.
Trong suốt những năm làm thuyết minh viên của mình, chị Thanh Hương đã chứng kiến hàng triệu người rơi nước mắt, đã nhìn thấy niềm kính yêu hồn nhiên của con trẻ, đã cảm nhận được niềm ngưỡng vọng sâu sắc của nhiều du khách nước ngoài dành cho vĩ nhân hiền hậu của Việt Nam. Và với chị, đó là động lực để chị tiếp tục học tập, tiếp tục cống hiến cho công việc của mình.
Chúng tôi rời Nam Đàn khi mặt trời đã đứng bóng, bông lựu hạnh trước ngôi nhà cụ phó bảng và những bông dâm bụt quanh lối ngõ quanh co như đỏ rực hơn trong trưa nắng tháng Năm. Và trên suốt cả đường về, sen cứ đưa hương thoang thoảng như thể tình yêu bao la của Người đang toả ngát giữa quê hương. Bỗng nhiên, trong tâm tư tôi lại vang lên thao thiết: “Hồ Chí Minh, Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn/ Hồ Chí Minh, người là đài hoa sen toả ngát hương đời…”
Ảnh, video: huy tùng
thiết kế: huy tùng