Mùa du lịch đã và đang diễn ra nhộn nhịp trên khắp thế giới. Đặc biệt, sau thời gian dài phải kìm chân ở nhà, mọi người ở khắp nơi trên thế giới đang đổ xô đi du lịch, khiến tình trạng kẹt cứng ở một số sân bay diễn ra với tần suất dày hơn. Chẳng ai muốn mình rơi vào cảnh bon chen ở sân bay, vật vờ chờ đợi vì bị chậm chuyến, hoãn chuyến. Tuy nhiên, nếu có một không gian tạo cảm hứng tò mò, thì việc chờ đợi sẽ giảm căng thẳng đi rất nhiều.
Dưới đây là các sân bay được liệt kê vào danh sách những sân bay kỳ lạ nhất thế giới. Biết đâu, bạn sẽ không còn cảm thấy khó chịu nếu được chờ đợi máy bay ở những nơi như thế này.
Sân bay quốc tế Vancouver ở Richmond, Canada
Sân bay từng đoạt giải thưởng này giúp du khách giải trí trong suốt thời gian chờ đợi với thủy cung và khu rừng nhiệt đới thu nhỏ. Bể nước với dung tích 30.000 gallon giống như một khu rừng tảo bẹ sống động chứa 20.000 loài động thực vật biển.
Sân bay Jackson Hole ở bang Wyoming, Mỹ
Đây được xem là sân bay thương mại duy nhất nằm trong một công viên quốc gia. Sân bay Jackson Hole nằm ở chân dãy núi Teton với phong cảnh đẹp ngoạn mục. Bạn chắc chắn sẽ muốn có một chỗ ngồi bên cửa sổ để ngắm nhìn quang cảnh núi non. Vì ở vị trí đặc biệt như vậy nên việc nhìn thấy bò rừng hoặc nai sừng tấm ở lối vào sân bay thật chẳng quá lạ lẫm.
Sân bay Saba John và Yrausquin ở Saba, Hà Lan
Sân bay Saba Juancho E Yrausquin nằm trên đảo Saba của Hà Lan. Sân bay này có một trong những đường băng ngắn nhất thế giới, chỉ dài 400m. Hai bên là những ngọn đồi cao, với những vách đá đổ ra biển ở 2 đầu. Việc máy bay hạ cánh ở đây được so sánh với hạ cánh trên một tàu sân bay được bao quanh bởi quang cảnh biển Caribe và những vách đá hiểm trở.
Sân bay quốc tế Gibraltar ở Gibraltar
Sân bay Quốc tế Gibraltar thường xuyên có mặt trong danh sách “Những sân bay kỳ lạ nhất” hoặc “nguy hiểm nhất” thế giới. Sân bay này nằm trên vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc quyền quản lý của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Do thiếu không gian, đường băng duy nhất ở đây còn một con đường ôtô cắt ngang thành ngã tư. Mỗi khi có máy bay cất hạ cánh, con đường trên lại được chặn lại ở 2 đầu để máy bay hoạt động.
Sân bay Princes Juliana ở Saint Martin, Hà Lan
Sân bay Princess Juliana đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới không phải vì cơ sở vật chất và sự thoải mái của nó mà bởi thực tế là mỗi lần cất hạ cánh, những chiếc máy bay chở khách cỡ lớn chỉ cách đầu người tắm biển vài mét. Đây nổi tiếng là điểm đến mơ ước của những người thích ngắm máy bay vì đường băng nằm ngay sát bãi biển.
Sân bay Tenzing ở Lukla, Nepal
Nổi tiếng được cái danh là “sân bay nguy hiểm nhất thế giới”, sân bay này nằm ở độ cao gần 3.000m và và thường phục vụ những người muốn lên đỉnh Everest. Du khách thường đáp máy bay đến Kathmandu trước khi chuẩn bị chinh phục nóc nhà của thế giới. Một đường băng ngắn với độ cao gần 600m và thời tiết trên núi khó lường càng làm tăng thêm sự hồi hộp cho du khách ngồi trên máy bay.
Sân bay Changi ở Singapore
Khu phức hợp giá tỷ đô Jewel Changi ở sân bay Changi (Singapore) sẽ khiến du khách phải mê mẩn với vẻ đẹp ngoạn mục. Đó chính là không gian xanh mát của cây cỏ và thác nước khổng lồ.
Điểm nổi bật nhất của tổ hợp này chính là thác nước Rain Vortex, cao gần 40m và là thác nước trong nhà cao nhất thế giới. Thác được bao quanh bởi hệ sinh thái với 2.500 cây xanh và 100.000 bụi cây, tạo cho du khách như lạc vào một khu rừng nhiệt đới thu nhỏ.
Sân bay Kansai ở Osaka, Nhật Bản
Sân bay Kansai là sân bay ngoài khơi đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo. Hòn đảo dài 4km, rộng 2,6 km và có hai đường băng dài hơn 3.500 mét.
Sân bay này được xây dựng với mục đích chống chọi lại những cơn bão và trận động đất thường xuyên xảy ra dọc biên giới Nhật Bản.
Sân bay Kansai được khởi công xây dựng từ năm 1987 và khánh thành năm 1994. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Kansai được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ đánh giá là một trong những công trình kiến trúc lớn của thiên niên kỷ.
Sân bay Funchal ở Bồ Đào Nha
Đường băng nguyên thủy của sân bay Funchal trên đảo Madeira chỉ dài 1.500 mét gây khó khăn cho các máy bay cỡ lớn đáp xuống khu du lịch nổi tiếng Bồ Đào Nha này. Thế nhưng, vì nằm trên đảo hẹp nên không thể kéo dài đường băng theo cách thông thường. Vậy nên, người ta đã đưa ra ý tưởng đột phá khi kéo dài đường băng bằng một đoạn cầu cạn dài gần 1.000 mét.
Sân bay Courchevel ở Pháp
Đường băng của sân bay Courchevel trông giống như một đường trượt tuyệt từ trên núi xuống nằm bên cạnh vì có độ dốc nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường.
Đường băng dài hơn 500 mét của sân bay này dốc 18,5 % sẽ giúp các máy bay hạ cánh nhanh chóng giảm độ cao, nhưng để được phép đáp xuống sân bay này phi công đòi hỏi phải có một giấy phép đặc biệt ngoài bằng lái thông thường.