Qatar (nhất bảng A, 7 điểm): Đối thủ của U23 Việt Nam ở bán kết U23 châu Á 2018 tiếp tục cho thấy truyền thống đào tạo trẻ khi đứng đầu, bất bại trong một bảng đấu có Syria và Yemen. Bốn kỳ U23 châu Á được tổ chức, Qatar hai lần vào bán kết. Họ sẽ tiếp tục là ứng viên vô địch tại Uzbekistan mùa Hè năm sau.
Iran (nhất bảng B, 9 điểm): Người khổng lồ của bóng đá Tây Á chứng tỏ thực lực bằng 3 trận toàn thắng trong đó có thắng lợi 3-2 trước chủ nhà vòng loại Tajikistan. Thật kỳ lạ khi nền bóng đá như Iran lại chưa từng có mặt ở tốp 4 U23 châu Á. Bóng đá Iran dường như không dành nhiều sự quan tâm cho mặt trận trẻ này.
Iraq (nhất bảng C, 6 điểm): Đè bẹp Bahrain và Maldives với tổng tỷ số 7-0, Iraq là trường hợp ngược lại với Iran. Không mạnh bằng kình địch cùng khu vực ở cấp đội tuyển, nhưng bóng đá Iraq đáng gờm trên mặt trận trẻ. Iraq cũng là nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử U23 châu Á vào năm 2013.
Kuwait (áo xanh, nhất bảng D, 6 điểm): Kuwait là một trong những cú sốc lớn nhất vòng loại sau chiến thắng 2-1 trước đại gia Saudi Arabia. Họ đã đẩy một trong những nền bóng đá lớn nhất châu Á tới bờ vực dừng bước ngay vòng loại U23 châu Á 2022.
UAE (nhất bảng E, 6 điểm): UAE là đội đầu bảng hiếm hoi tại vòng loại phải chịu thất bại. Thua Kyrgyzstan 1-2 ở trận đầu, đội bóng Tây Á đã nỗ lực để có thắng lợi trước Ấn Độ, Oman và đi tiếp với ngôi đầu bảng. UAE chơi khá ổn định ở U23 châu Á khi góp mặt tại tứ kết trong cả ba lần giành quyền tham dự. Tại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam hòa UAE 0-0.
Jordan và Turkmenistan (nhất và nhì bảng F): Ở bảng này, chỉ Palestine dừng bước. Hai tên tuổi còn lại của Tây và Trung Á đều đi tiếp sau những kết quả khả quan. Jordan (áo đỏ) đứng đầu bảng với 4 điểm còn Turkmenistan xếp nhì, có 3 điểm và sở hữu hiệu số +1.
Australia (nhất bảng G, 6 điểm): Việc cả U23 Trung Quốc và Brunei cũng rút lui khỏi vòng loại khiến bảng G được quyết định bởi hai trận loại trực tiếp giữa Australia và Indonesia. Đại diện Đông Nam Á chơi cố gắng nhưng vẫn thua chung cuộc 2-4. Đội trẻ Australia luôn được đánh giá cao, nhưng thành tích tốt nhất của họ mới là hạng ba U23 châu Á 2020 ở Thái Lan.
Hàn Quốc (nhất bảng H, 9 điểm): Không thể tranh cãi về sức mạnh của Hàn Quốc trong bóng đá trẻ. Họ đè bẹp Singapore, Timor-Leste và Philippines, ghi 14 bàn, để lọt lưới một lần. Hàn Quốc đang là đương kim vô địch U23 châu Á và sẽ tiếp tục là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch ở Uzbekistan mùa hè tới.
Malaysia và Thái Lan (nhất, nhì bảng J): Tấm vé may mắn của U23 Thái Lan khiến giới quan sát quên rằng lứa trẻ của bóng đá Malaysia (áo vàng) mới là đội đầu bảng và đã chơi cực hay. U23 châu Á 2022 ở Uzbekistan là lần thứ hai, bóng đá Malaysia dự giải này và là lần thứ tư của Thái Lan.
Nhật Bản (nhất bảng K, 6 điểm): Việc CHDCND Triều Tiên rút lui giúp U23 Nhật Bản dễ dàng chinh phục Campuchia và Hong Kong (Trung Quốc) để đứng đầu bảng K. Nhà vô địch U23 châu Á 2016 không chơi tốt ở hai kỳ tổ chức gần nhất và cần chứng tỏ sức mạnh của nền bóng đá số một châu Á trong giải đấu tới.
Uzbekistan (chủ nhà vòng chung kết): Những người đã đánh bại U23 Việt Nam trong đêm Thường Châu năm 2018 sẽ dự giải đấu năm sau với tư cách chủ nhà. Năm ngoái, U23 Uzbekistan cũng vào bán kết giải đấu trên đất Thái Lan. Dù không được tính điểm ở vòng loại, U23 Uzbekistan đã cầm hòa Saudi Arabia và đè bẹp Bangladesh 6-0. Họ sẽ hướng tới ngôi vô địch trên sân nhà tháng 6 năm sau. Vòng chung kết U23 châu Á 2022 có 16 đội tuyển tham dự, hiện đã xác định được 13 cái tên. Ba đội còn lại là đội nhất bảng I và hai đội nhì bảng có thành tích tốt. Ba đội này sẽ được xác định nốt sau lượt trận ngày 2/11.