Nghị lực phi thường của hai anh em mang bệnh xương thủy tinh.
Chưa một lần bước đi
Chuyến công tác ngược ngàn lên miền sơn cước tạo cơ duyên cho tôi gặp gỡ 2 anh em Lê Bảo Ngọc (12 tuổi) và Lê Nữ Yến Vy (7 tuổi). Lúc ấy, cả 2 em đang ngồi trên xe tập đi (loại xe dành cho bé 1 tuổi) và chơi với các bạn trong xóm. Đập vào mắt tôi là hình ảnh 2 đứa bé đầu to, mình nhỏ, đôi chân buông thõng. 12 tuổi nhưng Lê Bảo Ngọc mang hình hài của một cậu bé tí hon với chiều cao 70 cm, nặng 10 kg. Em gái Yến Vy năm nay 7 tuổi, cũng chiều cao ấy nhưng nặng hơn anh trai 1 kg. Chiếc xe tập đi là vật bất ly thân của cả 2 anh em. Từ khi sinh ra đến nay, cả 2 anh em đều chưa hề tự bước được bước nào, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc bố mẹ.
Lau vội những dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, chị Đinh Thị Thoa chia sẻ: Bé Ngọc được 2 tháng tuổi thì đầu to dần, người không lớn. Khi bác sỹ kết luận cháu mắc bệnh xương thủy tinh và não úng thủy thì 2 vợ chồng gần như gục ngã. Kể từ đó, thời gian cả gia đình tá túc trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Với mong mỏi có một đứa con nữa lành lặn, khỏe mạnh, năm 2010, tôi mang thai cháu thứ 2” - chị Thoa cho biết.
Rút kinh nghiệm từ cháu Ngọc, lần này, chị Thoa cẩn thận đi siêu âm và thăm khám khắp nơi, mọi kết quả đều bình thường. Vậy mà, khi sinh ra, bé Yến Vy lại tiếp tục phải mang căn bệnh quái ác giống anh trai. Những tháng ngày kể từ khi sinh ra các cháu là biết bao đau khổ, cùng cực của 2 vợ chồng. Trái gió trở trời, cả 2 anh em đều cùng ốm hay chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng khiến các cháu bị gãy xương.
Vượt lên bệnh tật để đến trường
Trái ngược với hình hài tật nguyền, ốm yếu, cả 2 anh em đều rất thông minh, sáng dạ. Trên gương mặt, các em luôn nở nụ cười với những người xung quanh. Khi được hỏi về thành tích học tập, Lê Bảo Ngọc chỉ tay vào những giấy khen treo chi chít trong nhà, khoe: “Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi trường, em Vy năm học vừa rồi cũng được học sinh giỏi ạ”.
Những ngày đầu tập viết, mỗi con chữ đều chứa đựng không biết bao nhiêu nước mắt của cả 2 mẹ con và nỗi đau đến tận xương tủy của Ngọc. Để tập viết, Ngọc phải ghì thật chặt đôi tay yếu ớt của mình lên bút. Đầu vừa to, vừa nặng nên cả thân hình nhỏ bé của em phải nhoài người lên bàn, kê cằm xuống một cái chén để giữ đầu không bị gục. Mỗi lần như thế, chị Thoa thương con lắm, chị định cất hết bút vở nhưng Ngọc lại năn nỉ xin mẹ. Qua nhiều lần, những nét chữ của em cũng tròn vành rõ chữ trong sự ngỡ ngàng của gia đình.
Con đường đến trường của Ngọc và Vy chỉ dài 500m nhưng không như các bạn khác, bố Mạnh đi làm thuê xa, không kể nắng hay mưa, đều đặn mỗi ngày 8 lượt đi và về, mẹ Thoa bồng Ngọc đến lớp ngồi ngay ngắn rồi lại tất tả chạy về bế Vy sang trường tiểu học đối diện. Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc đối với các thầy, cô giáo và người dân quanh vùng. Chị Thoa tâm sự: “Nhiều người thấy hoàn cảnh mình đều thương, thỉnh thoảng muốn phụ giúp bế các cháu. Nhưng do bị bệnh xương thủy tinh nên tay chân 2 đứa rất yếu, đã 3, 4 lần Ngọc bị gãy tay khi người lạ bế nên bây giờ, ngoài bố và mẹ thì Ngọc và Vy không dám cho ai bế”.
Nhìn góc học tập nhỏ bé được kê ngay đầu giường trong quán tạp hóa chật chội của gia đình, ai nấy đều cảm phục nghị lực vượt lên bệnh tật để đến trường của 2 anh em. Một năm học mới nữa lại đến, 2 anh em đang háo hức cùng mẹ sửa soạn sách vở. Dù vất vả nhưng với vợ chồng anh Mạnh, chị Thoa, niềm vui được đến trường của các con cùng với những giấy khen mà các em mang về là niềm an ủi lớn lao nhất, là động lực để mỗi ngày 2 vợ chồng cùng cố gắng.