Các đối tượng trong nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu.
Bản thân mắc bệnh thận mạn tính nặng, phải chạy thận nhân tạo nên cuộc sống của chị Nguyễn Thị S. (SN 1971, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cũng không lấy gì làm dư dả. Một năm trước, chị S. đặt mua chiếc tủ lạnh của một cửa hàng điện máy tại TP Hà Tĩnh với giá 6 triệu đồng. Do không đủ tiền thanh toán một lần nên chị mua bằng hình thức trả góp.
Chừng 6-7 tháng sau, có một số điện thoại lạ gọi tới, xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của đơn vị điện máy mà chị S. đã từng mua hàng và thông báo việc chị là “khách hàng may mắn” khi trúng thưởng xe máy Honda Vision. Tuy nhiên, vì điểm tích lũy của chị S. mới đạt 1.500, trong khi để nhận được xe máy thì phải có 2.000 điểm nên người này đã gợi ý cho chị mua thêm một số hàng gia dụng (máy sấy tóc, nồi cơm điện, ấm điện…) của công ty để có đủ số điểm.
Kịch bản nói chuyện được Nguyễn Văn Hiếu dựng lên để lấy lòng tin từ bị hại.
Khi chị S. đồng ý, các mặt hàng gia dụng được chuyển tới tận nhà. Thực chất, các loại vật dụng này là hàng trôi nổi, kém chất lượng, rẻ tiền nhưng được gắn mắc “hàng công ty” nên chị S. phải bỏ từ vài triệu tới cả chục triệu đồng để mua. Trong quá trình mua thêm hàng, chị S. lại nhận được thông báo mình là “khách hàng may mắn nhất” khi trúng thêm các phần quà có giá trị và tiếp tục mua thêm sản phẩm để “tích lũy điểm” nhận thưởng.
Chỉ trong vòng chưa tới một năm, chị Nguyễn Thị S. đã 80 lần chuyển số tiền 930 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Để có được số tiền này, chị S. đã chạy vạy vay mượn khắp nơi, từ người thân tới bạn bè. Đến đầu tháng 3/2022, khi không còn khả năng xoay xở tiền mà vẫn không nhận được “giải thưởng” thì người phụ nữ này mới biết bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Đầu tháng 4/2022, tiếp nhận đơn thư, Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc xác minh. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định đây là nhóm đối tượng lừa đảo có tổ chức, hoạt động tinh vi tại TP Hồ Chí Minh nên đã báo cáo cấp trên, đề xuất kế hoạch triệt phá.
Cán bộ trinh sát của Công an TP Hà Tĩnh theo dõi, thu thập chứng cứ về nơi ở, phương thức hoạt động của nhóm Nguyễn Văn Hiếu.
Khi phương án được chấp thuận, ngày 13/4, một tổ công tác gồm 4 trinh sát của Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh nhanh chóng vào TP Hồ Chí Minh. Do thông tin ban đầu về nhóm đối tượng còn khá ít ỏi, trong khi địa bàn TP Hồ Chí Minh rộng, lại đang vào mùa mưa nên kết quả thu được không được như kỳ vòng.
Trước tình huống này, Công an TP Hà Tĩnh đã quyết định tăng cường tổ công tác thứ 2 của Đội Cảnh sát Hình sự vào hỗ trợ, phối hợp điều tra.
Với 8 cán bộ, chiến sĩ làm việc tích cực, không bỏ qua bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất thì đường dây lừa đảo với 11 đối tượng, do Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, trú phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu đã dần lộ diện.
Ngôi nhà 3 tầng (vòng tròn đỏ) ở phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh - nơi Nguyễn Văn Hiếu thuê để ổ nhóm lừa đảo hoạt động.
Trung tá Bùi Quang Dũng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh cho hay: Nhóm đối tượng thuê căn nhà 3 tầng ở phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh làm trụ sở hoạt động.
Ngôi nhà có gắn camera giám sát xung quanh và trong thời điểm nhóm của Hiếu làm việc thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồ ăn và thức uống đều được đặt qua mạng và có shipper chuyển tới. Việc tiếp cận vì thế gặp không ít khó khăn. Các trinh sát phải hóa trang thành nhiều vai, thuê nơi ăn nghỉ gần khu vực căn nhà 3 tầng liên tục trong nhiều ngày để nắm thêm thông tin.
Khi nắm trong tay đầy đủ về mô hình, phương thức hoạt động, số đối tượng lừa đảo, Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 7 và Công an phường Tân Kiểng triệt phá với phương châm “bí mật, bất ngờ và có đầy đủ các đối tượng trong nhóm lừa đảo”.
Đúng 9h ngày 19/4, hàng chục cảnh sát ập vào căn nhà và bắt giữ kẻ chủ mưu Nguyễn Văn Hiếu ngay tầng 1, trước khi đối tượng kịp báo cho “cấp dưới”.
Khu vực tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà là nơi các đối tượng thực hiện hành vi gọi điện thoại lừa trúng thưởng.
Tại tầng 2 và tầng 3 – nơi làm việc chính của ổ nhóm lừa đảo, các đối tượng bị bắt khi đang “miệt mài” gọi điện thoại đưa các nạn nhân “vào tròng”. Lực lượng chức năng thu giữ thêm 21 điện thoại bàn có gắn sim, 130 quyển sổ ghi danh sách những người bị lừa cùng máy tính cá nhân lưu trữ dữ liệu.
Bị bắt quả tang, Nguyễn Văn Hiếu và đồng bọn biết không thể chối tội nên thành khẩn khai nhận. Theo khai nhận, Hiếu trước đây từng tham gia một tổ chức lừa đảo trên mạng nên sau đó đã tự lập ra đường dây lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại.
Đối tượng Nguyễn Văn Hiếu khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan công an.
Hiếu lên mạng mua lại thông tin (số điện thoại, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp) của nhiều người với giá 2.000 đồng/trường hợp. Trong số danh sách này, có không ít người từng mua hàng tại các cửa hàng điện máy. Tiếp đó, Hiếu tuyển thêm tay chân để thực hiện việc lừa đảo.
Để việc lừa đảo tiến hành thuận lợi, Hiếu tự mình viết các kịch bản phù hợp với từng đối tượng, nghề nghiệp, nơi cư trú để lấy lòng tin từ các “con mồi” rồi chuyển thông tin này kèm số điện thoại cho “cấp dưới” thực hiện.
“Với người lớn tuổi thì nhân viên của Hiếu luôn ăn nói nhỏ nhẹ, dạ dạ vâng vâng, thậm chí còn “xin nhận làm con nuôi” rồi giới thiệu là công ty sắp mở chi nhánh ở khu vực họ sinh sống và sẽ tạo điều kiện nhận người nhà của họ vào làm. Nếu người nhận là nam thanh niên thì sẽ do nữ nhân viên đảm nhận và nói chuyện đong đưa, những lời khen với nội dung “giọng anh/chị nghe dễ thương thế” thường xuyên được nhóm này áp dụng rồi hẹn gặp tìm hiểu khi công ty mở chi chánh trên địa bàn” - Trung tá Bùi Quang Dũng thông tin.
Các đối tượng trong nhóm lừa đảo sử dụng 21 điện thoại bàn có gắn sim để gọi tới những người có tên trong danh sách mà chúng mua với giá 2.000 đồng/người.
Mỗi ngày, nhân viên thay nhau gọi tới các số điện thoại được Hiếu cung cấp. Nếu nạn nhân “cắn câu” thì nhóm lừa đảo sẽ giục họ mua hàng, người nào lưỡng lự thì sau đó Hiếu chỉ đạo nhân viên khác tiếp tục gọi tư vấn, trao đổi. Gặp trường hợp khó thuyết phục thì nhóm này bỏ qua và gọi cho người khác. Những người đồng ý mua hàng được chúng “tích” vào danh sách để tránh bị trùng và đây cũng là căn cứ để ăn chia lợi nhuận sau này.
Các mặt hàng mà nhóm của Hiếu bán cho người dân để “tích điểm lĩnh thưởng” đều là hàng trôi nổi, kém chất lượng, rẻ tiền nhưng khi tới tay nạn nhân thì lại trở thành “hàng công ty” với giá tiền chênh lệch hàng chục lần, có sản phẩm giá 10 - 20 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Do là hàng dởm nên nhiều mặt hàng khi tới tay người tiêu dùng thì không sử dụng được hoặc chỉ ít thời gian là hư hỏng.
Với phương thức lừa đảo như vậy, từ năm 2020 tới thời điểm bị Công an TP Hà Tĩnh triệt phá, hàng nghìn người ở khắp các tỉnh, thành toàn quốc trở thành nạn nhân của nhóm Nguyễn Văn Hiếu với số tiền lên tới 30 tỷ đồng.
Trong danh sách gọi điện thoại của nhóm lừa đảo, có 63 trường hợp ở Hà Tĩnh.
Công an TP Hà Tĩnh tổ chức lễ biểu dương, trao thưởng về thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Đội Cảnh sát Hình sự khi triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 11 đối tượng với tổng số tiền lừa đảo gần 30 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Trung tá Bùi Quang Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh, bên cạnh phương thức hoạt động tinh vi, bài bản, có tổ chức của nhóm do Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu thì một yếu tố quan trọng tiếp tay cho hành vi lừa đảo được thực hiện trót lọt là sự hám lợi, nhẹ dạ cả tin của các nạn nhân. Nhiều người chỉ vì món lợi nhỏ trước mắt mà bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng - như trường hợp của chị Nguyễn Thị S., để trở thành “khách hàng may mắn”.
Do số lượng tiền chiếm đoạt lớn, liên quan tới nhiều người nên Công an TP Hà Tĩnh đã chuyển hồ sơ vụ án cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thụ lý, tiếp tục mở rộng điều tra.