Dự án công nghiệp mở lối cho con em về quê lập nghiệp
8 năm trước, khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Lê Trung Dũng (TDP Nhân Thắng, phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh) được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) trực tiếp tuyển dụng tại trường. “Ban đầu tôi có ý định ở lại Đà Nẵng nhưng khi công ty có đợt tuyển dụng tôi đã quyết định trở về quê hương làm việc” - anh Dũng cho biết.
Anh Lê Trung Dũng hiện là cán bộ kỹ thuật (Bộ phận Thiết bị) của Công ty FHS
Sau ngần ấy thời gian trở về quê hương, những gì anh Dũng có được ngày hôm nay đã không làm anh hối hận về quyết định đó. Anh hiện là cán bộ kỹ thuật (Bộ phận thiết bị) của Công ty FHS với mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/tháng, một gia đình hạnh phúc với hai cậu con trai kháu khỉnh, vợ là giáo viên mầm non trên địa bàn.
Cũng quyết định về quê lập nghiệp như anh Dũng, anh Nguyễn Nhật Văn (TDP Liên Phú – phường Kỳ Liên - TX Kỳ Anh) từ một công nhân làm thuê ở Đồng Nai đã xây dựng cho mình một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của vợ chồng anh Dũng
Anh Văn chia sẻ: “Khi các dự án lớn đầu tư vào Kỳ Anh, nhận thấy cơ hội phát triển, tôi đã về quê thành lập công ty và bước chân vào con đường kinh doanh. Sau một thời gian hoạt động, nhờ đáp ứng đủ yêu cầu năng lực, công ty chúng tôi đã trở thành nhà thầu phụ cho FHS trong lĩnh vực bảo dưỡng, xây lắp cơ khí.”
Quyết định trở về quê hương lập nghiệp là lựa chọn đúng đắn của anh Nguyễn Nhật Văn (người ngồi giữa)
Không chỉ xây dựng sự nghiệp cho bản thân, anh Văn còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Hiện, Công ty TNHH Phú Thái Tuấn do anh Văn làm giám đốc là một trong những doanh nghiệp kinh doanh ổn định, phát triển trên địa bàn với 40 nhân viên chính thức và hơn 100 lao động thời vụ, trong đó, 50% là người dân trong vùng được anh tuyển dụng với mức thu nhập từ 7 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Thị xã Kỳ Anh đang thay da đổi thịt từng ngày (Ảnh Vũ Huyền)
Ở thời điểm trở về quê hương, những người như anh Dũng, anh Văn cũng đã gặp phải không ít khó khăn. Sau những biến động của tình hình chính trị, xã hội, cũng có lúc họ phải đấu tranh tư tưởng “đi hay ở”, nhưng đến thời điểm hiện tại, khi được hỏi, họ đều có chung câu trả lời “không hối hận khi chọn quê hương làm nơi lập nghiệp.”
Đổi thay nếp nghĩ
Bao đời nay đã quen với ruộng đồng, khi địa phương nhường đất cho các dự án lớn và chuyển về khu tái định cư, cũng như bao người dân phường Kỳ Liên, chị Trần Thị Liếu (thôn Liên Sơn, phường Kỳ Liên) không khỏi những băn khoăn, lo lắng.
“Hồi đầu mới chuyển về đây, chúng tôi không thật sự yên tâm về cuộc sống nơi định cư mới. Không còn đất sản xuất nông nghiệp, không có công ăn việc làm, một mình nuôi 3 đứa con, cuộc sống của tôi vất vả vô cùng. Rồi tôi may mắn được nhận vào làm phục vụ bếp cho một nhà thầu phụ của Formosa. Có thu nhập ổn định hàng tháng, cuộc sống mấy mẹ con tôi đỡ chật vật hơn trước rất nhiều.” - chị Liếu chia sẻ.
Cũng như nhiều người dân vùng dự án, chị Liếu đã có công việc với thu nhập khá, ổn định tư tưởng, yên tâm xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới
Nhiều người dân ở vùng tái định cư thị xã Kỳ Anh cũng có được cơ hội tìm kiếm việc làm như chị Liếu. Với sự phát triển của các dự án, nhiều doanh nghiệp được thành lập tại địa phương đã giải quyết tình trạng dư thừa lao động trên địa bàn.
Ngoài số lao động được tuyển dụng vào làm việc tại khu kinh tế hay các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, một bộ phận lớn người dân các vùng tái định cư đã chuyển đổi nghề, tập trung vào kinh doanh các loại hình dịch vụ.
Với sự phát triển của các loại hình dịch vụ, người dân thị xã Kỳ Anh đã dần quen văn minh đô thị
Giã từ nghề nông, từ nguồn tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Nhân Thắng – phường Kỳ Phương) đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng ăn uống và kinh doanh xe vận tải. Đến nay, anh chị thu nhập bình quân 70 triệu đồng/tháng – một con số nhiều người mơ ước.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Phương Lê Hải Nam cho biết: “Từ năm 2017, khi các dự án lớn đi vào hoạt động ổn định đã tạo cơ hội cho người dân địa phương được nhận vào làm việc tại các công ty, công trình xây dựng; nhiều người mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nghề. Hiện nay, hơn 90% người trong độ tuổi lao động của phường có việc làm ổn định, thu nhập khá; tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo.”
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, người dân phấn khởi với công cuộc xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Từ sự ổn định về thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dự án nói riêng và TX kỳ Anh nói chung cũng được nâng lên, người dân phấn khởi với công cuộc xây dựng phường đạt chuẩn, đô thị văn minh.
“Sau gần 10 năm làm quen với cuộc sống đô thị, chúng tôi đã dần thay đổi tư duy, nếp sống và cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt về nhiều mặt. Phố phường được xây dựng xanh - sạch - đẹp rồi thì người dân chúng tôi cũng ý thức được là phải bảo vệ giữ gìn, coi công việc của tổ dân phố cũng như việc nhà mình” - bà Lê Thị Thân ở tổ dân phố Hợp Tiến (phường Kỳ Long) tâm sự.
Chính quyền và nhân dân TX Kỳ Anh đang dồn sức xây dựng đô thị loại III vào năm 2020
Việc làm đảm bảo, tư tưởng ổn định, người dân vùng tái định cư đã dần hòa nhịp với sự phát triển của thị xã trên lộ trình xây dựng đô thị loại III vào năm 2020. Dáng dấp của một đô thị trẻ với những cư dân văn minh đang dần hình thành trên vùng đất mới.