Ngày 13/9 vừa qua, gương mặt cuối cùng vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 đã lộ diện. Đó là Lưu Đào Dũng Trí (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội).
Dũng Trí sẽ cùng Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình), Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) tranh tài để giành vòng nguyệt quế vinh quang.
Nữ sinh đầu tiên vào chung kết sau 8 năm
Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nữ lọt vào chung kết Olympia sau 8 năm các nam sinh chiếm lĩnh toàn bộ cơ hội.
Ở cuộc thi tuần, cô ghi được 350 điểm - thành tích cao thứ 2 của thí sinh nữ tại Olympia 20 năm qua (tính đến hết trận 52 của năm thứ 20). Trước đó, điểm số này nằm ở top 1 suốt 8 tháng.
Thu Hằng vượt qua 3 nam sinh ở trận quý I để giành vé vào chung kết.
Thu Hằng là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về THPT Kim Sơn A. Để được đại diện trường đi thi, nữ sinh đã chiến thắng cuộc thi kiến thức “Sao khuê Kim Sơn A”.
Ở trường cấp 3, Thu Hằng là học sinh chuyên khối Tự nhiên, đặc biệt yêu thích môn Sinh học. Nữ sinh từng giành giải nhất môn Sinh trong cuộc thi học sinh giỏi cấp trường.
Trước đó, cô từng giành huy chương bạc cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia (ViOlympic) năm lớp 8 và giải khuyến khích cấp quốc gia ở cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) năm lớp 9.
Trước thềm trận đấu quan trọng nhất, Thu Hằng khẳng định: “Mình sẽ cố gắng hết sức. Và mình cũng mong Olympia năm 2020, một con số tròn trịa, sẽ có những điều đặc biệt”.
Chàng trai mạnh ở các môn tự nhiên
Với 300 điểm ghi được ở cuộc thi quý II, Vũ Quốc Anh trở thành học sinh đầu tiên của THPT Ngô Gia Tự (Đắk Lắk) mang cầu truyền hình Olympia về trường.
Ở cuộc thi tuần và tháng, Quốc Anh cũng đạt những điểm số cao, lần lượt là 385 (top 2 thành tích cao nhất của Olympia 2020), 295.
Vũ Quốc Anh tự tin ở các môn thuộc khối tự nhiên.
Quốc Anh yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ khi mới 5 tuổi. Năm chàng trai học lớp 8, một trường ở TP Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc thi Olympia cấp huyện. Cậu đã tham gia và giành giải nhất.
Sau đó, Quốc Anh tìm đến các hội nhóm đam mê Olympia trên mạng và bắt đầu ôn luyện nghiêm túc.
Quốc Anh tự tin ở các môn thuộc khối tự nhiên. Nam sinh học giỏi môn Vật lý và yêu thích nhất môn Sinh học.
“Mình đã chuẩn bị cho cuộc thi từ nhiều năm nay rồi, không chỉ riêng cho trận chung kết. Ai thắng cuộc cũng đều xứng đáng”, nam sinh Đắk Lắk chia sẻ.
Nam sinh Quảng Trị giỏi Toán, mê Lịch sử
Tại trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), Văn Ngọc Tuấn Kiệt là cái tên gắn liền với thành tích học tập tốt. Cậu là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Toán, 9 năm liên tiếp dự thi Olympic tiếng Anh qua Internet và đều có giải cấp tỉnh, dự thi “Tự hào Việt Nam”, 2 lần tham gia cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao” do trường tổ chức.
Gần đây nhất, Tuấn Kiệt giành giải nhất cuộc thi quý III với 300 điểm để giành vé vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt đến từ mảnh đất giàu thành tích tại Olympia - huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Để được đại diện THPT Thị xã Quảng Trị đi thi Olympia, Tuấn Kiệt phải trải qua nhiều cuộc thi do trường tổ chức. Dù ít thí sinh, trường có 1 nhà vô địch là Văn Viết Đức (năm 2015) và 1 á quân Lê Thanh Tân Nhật (năm 2018).
Ngoài ra, mảnh đất hiếu học Quảng Trị còn 1 nhà vô địch khác là Phan Đăng Nhật Minh (năm 2017). Điều đặc biệt là cả 4 chàng trai này đều cùng quê ở huyện Hải Lăng.
Tại Olympia, Tuấn Kiệt được khen sở hữu lượng kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt mạnh về Toán học, Lịch sử.
Trước trận chung kết năm, nam sinh chia sẻ: “Đó là ngọn núi mà em đã mong chinh phục từ rất lâu. Em sẽ quyết tâm hết sức, đặt mục tiêu mang về cho Quảng Trị thêm một quán quân”.
Hai lần giành điểm nhì cao nhất để đi tiếp
Trong số 4 nhà leo núi xuất sắc của Olympia 2020, Lưu Đào Dũng Trí có hành trình đặc biệt hơn cả khi 2 lần đạt điểm nhì cao nhất tại cuộc thi tuần, tháng, rồi lần đầu giành vòng nguyệt quế ở trận quý IV. Bởi vậy, nam sinh được coi là ẩn số thú vị tại chung kết năm nay.
Từ thí sinh “chuyên về nhì”, Dũng Trí giành vòng nguyệt quế ở cuộc thi quý IV, đồng thời mang cầu truyền hình chung kết năm về trường.
Dũng Trí là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội (Hà Nội). Cậu được các bạn chơi nhận xét có phong thái thi đấu điềm tĩnh, chắc chắn cùng vốn kiến thức phong phú.
Sau 3 năm, trận chung kết Olympia sắp tới mới lại có sự góp mặt của một đại diện đến từ thủ đô Hà Nội.