Dưới đây là một số lỗi mà tài xế Việt hay mắc phải khi lái ô tô trên đường cao tốc, dễ dẫn tới tai nạn giao thông, gây ảnh hưởng tới người khác và có nguy cơ bị phạt nặng.
1. Chạy chậm trên đường cao tốc
Không ít tài xế cho rằng chỉ cần tuân thủ quy định chung về tốc độ tối đa và tối thiểu cho từng đoạn hoặc toàn tuyến đường cao tốc; ví dụ, có thể duy trì tốc độ 60km/h ở làn đường có giới hạn tốc độ tối đa là 120km/h.
Dù một số trường hợp không sai luật, nhưng việc điều khiển ô tô chạy chậm trên đường cao tốc, đặc biệt là làn ngoài cùng bên trái, gây khó chịu cho các tài xế chạy xe phía sau muốn vượt lên.
Một số tuyến đường cao tốc có quy định giới hạn tốc độ trên đường cao tốc theo làn xe chạy, như đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, Đại lộ Thăng Long... (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).
Thực tế là không có tốc độ tối thiểu chung cho tất cả các đường cao tốc, mà tùy từng đường cao tốc mà có quy định về tốc độ tối thiểu.
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, tài xế điều khiển ô tô di chuyển chậm trên đường cao tốc sẽ bị phạt trong hai trường hợp: không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).
Cụ thể, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn.
Trong khi đó, với hành vi điều khiển ô tô chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy chỉ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng. Mức phạt này được cho quá thấp, không đủ để làm thay đổi thói quen tham gia giao thông của nhiều người.
2. Chuyển nhiều làn đường cùng lúc
Việc này không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng rất dễ dẫn tới tai nạn giao thông, vì người điều khiển ô tô chạy phía sau có thể không kịp quan sát hoặc xử lý tình huống.
Chuyển tuần tự từng làn đường sẽ an toàn hơn, tránh gây bất ngờ cho xe phía sau, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu, như mưa lớn hoặc nhiều sương mù, khả năng quan sát của tài xế bị ảnh hưởng.
3. Không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông cụ thể như sau (trong điều kiện đường sá khô ráo):
Về việc xử phạt đối với hành vi không giữ khoảng cách an toàn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
- Phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
- Phạt tiền 4.000.000-6.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông khi đang vi phạm lỗi này.
- Phạt tiền 10.000.000-12.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Trên một số đường cao tốc có sẵn các tấm biển ghi 0m, 50m, 100m hoặc 70m, 140m... chính là để giúp tài xế căn khoảng cách với xe phía trước dễ hơn.
4. Đi vào làn dừng khẩn cấp
Vì muốn nhanh, nhất là khi đường đông hoặc tắc đường, nhiều tài xế đã khôn lỏi, lái xe chạy vào làn dừng khẩn cấp để vượt. Tuy nhiên, điểm c Khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định rằng người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.
Người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp, bao gồm: xe bị hư hỏng, thủng lốp xe; trục trặc phần rơ-moóc của xe, hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe, không thể tiếp tục lái xe.
Làn dừng xe khẩn cấp được thiết kế để khi gặp sự cố, các xe có thể tấp vào đó và dừng lại, không gây ảnh hưởng đến giao thông (Ảnh chụp màn hình).
Ngoài ra, các phương tiện ưu tiên bao gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự trong các trường hợp khẩn cấp được phép đi vào làn đường này.
Về mức phạt, theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
5. Đi lùi hoặc quay đầu xe đi ngược chiều trên đường cao tốc
Không quen đường, không chú ý biển báo là lý do chính khiến nhiều tài xế bị lỡ lối ra hoặc lối rẽ trên đường cao tốc. Và vì không muốn lái xe chạy thêm hàng chục km tới lối ra tiếp theo, nhiều tài xế đã liều lĩnh cho ô tô đi lùi hoặc thậm chí quay đầu đi ngược chiều trên đường cao tốc.
Việc này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, do các xe đều chạy tốc độ cao, tài xế dễ bị bất ngờ, lúng túng không kịp xử lý tình huống gặp xe đi lùi hoặc ngược chiều trên đường cao tốc, dễ dẫn đến tai nạn.
Về mức phạt vi phạm, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định rằng người điều khiển xe ô tô đi ngược chiều hoặc đi lùi trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định, bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.
Với hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 1 tháng.