Bùi Hoàng Việt Anh (trái) là cầu thủ Việt Nam cao nhất (1,86 m) tại SEA Games 31, nếu không tính các thủ môn. Anh cũng có kinh nghiệm chơi 30 trận ở V-League, nhiều nhất hàng thủ U23 Việt Nam. Anh cũng ba lần khoác áo ĐTQG và được xem là tương lai của đội tuyển.
Việt Anh sinh tại Đông Hưng, Thái Bình, trưởng thành ở lò Hà Nội. Sau khi giúp Hà Tĩnh vô địch hạng Nhất 2019, anh được gọi về thi đấu cho Hà Nội tại V-League. Trung vệ 23 tuổi còn nổi bật ở khả năng tham chiến ghi bàn. Ở V-League 2020, anh góp bốn bàn sau 18 trận.
Tầm quan trọng của trung vệ Nguyễn Thanh Bình cũng không kém gì người anh đồng hương Việt Anh, ở hàng thủ Việt Nam. Thanh Bình cao 1,8 m và cũng đã chơi bốn trận cho ĐTQG. Ở trận gần nhất hoà 1-1 tại vòng loại World Cup hôm 29/3, anh đánh đầu vào lưới Nhật Bản trên sân Saitama.
Thanh Bình cũng là cầu thủ chính thức của Viettel tại V-League, khi đã chơi 15 trận ở đấu trường này. Trung vệ 22 tuổi còn có thể quan trọng hơn Việt Anh, khi chơi ở vị trí trung tâm hàng thủ giống như Trần Đình Trọng trước đây.
Thanh Bình sinh ra ở Vũ Thư, Thái Bình và trưởng thành ở lò đào tạo Viettel. Anh là cầu thủ chính thức của U16 Việt Nam vào tứ kết châu Á năm 2016. Trung vệ này bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp ở Bình Định và giúp CLB vô địch hạng Nhất năm 2020 trước khi trở lại thi đấu cho đội một Viettel.
Nguyễn Văn Tùng (phải) là một trong sáu cầu thủ U23 Việt Nam chưa từng chơi ở V-League, bên cạnh Quan Văn Chuẩn, Hồ Thanh Minh, Vũ Tiến Long, Lương Duy Cương và Phan Tuấn Tài. Nhưng tiền đạo CLB Hà Nội có cơ hội lớn đá chính cạnh Nguyễn Tiến Linh trên hàng công.
Văn Tùng từng lập cú đúp trong trận thắng Singapore 7-0 ở giải U23 Đông Nam Á hồi tháng 2. Nhưng sau trận gặp Thái Lan ở vòng bảng, anh nghỉ đến hết giải vì mắc Covid-19.
Trong trận giao hữu cuối trước thềm SEA Games, Văn Tùng lại ghi dấu ấn với bàn thắng duy nhất giúp U23 Việt Nam hạ U20 Hàn Quốc 1-0 trên sân Hàng Đẫy hôm 22/4. Theo danh sách đăng ký V-League 2022, Văn Tùng cao 1,8 m, nhỉnh hơn cả Tiến Linh. Do HLV Park Hang-sao không đăng ký nhiều cầu thủ sở trường tiền vệ cánh, Việt Nam sẽ chủ yếu chơi với sơ đồ 5-3-2 và sẽ có một suất cho Văn Tùng trong đội hình chính.
Không phải Nguyễn Hai Long, Lý Công Hoàng Anh (trái) mới là tiền vệ được HLV Park tin tưởng nhất trong lứa U23 Việt Nam hiện tại. Anh cũng là tiền vệ giàu kinh nghiệm V-League nhất trong lứa này, khi đã chơi 26 trận tại giải cho Hà Tĩnh và Bình Định. Hoàng Anh cũng nhiều lần được gọi lên tập cùng ĐTQG, dù chưa từng thi đấu. Hoàng Anh được trao vai trò đội phó ở SEA Games 31, và anh có nhiều cơ hội đá chính cạnh Quả Bóng Vàng Nguyễn Hoàng Đức và đội trưởng Đỗ Hùng Dũng.
Hoàng Anh chỉ cao 1,68 m, nhưng tầm hoạt động rộng với nhiều pha chạy chỗ vào nách hàng thủ đối phương giống Hùng Dũng. Anh từng làm như vậy khi kiến tạo cho Văn Tùng ghi bàn vào lưới U20 Hàn Quốc trên sân Hàng Đẫy hôm 22/4.
Trong 20 cầu thủ Việt Nam dự SEA Games 31, các vị trí đều có ít nhất một phương án dự phòng. Nhưng đội chỉ có một hậu vệ phải đúng nghĩa là Lê Văn Đô (số 24). Lê Văn Xuân cũng là hậu vệ cánh thuận chân phải nhưng chủ yếu đá bên trái. Tiền vệ Dụng Quang Nho cũng nhiều khả năng được sử dụng để dự phòng cho Văn Đô, dù không phải sở trường của cầu thủ biên chế HAGL.
So với những cầu thủ kể trên, Văn Đô chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Anh mới chơi ba trận ở V-League cho Đà Nẵng, đều dự bị vào sân. Cầu thủ 21 tuổi có ưu điểm tốc độ và khả năng đi bóng lắt léo. Trong hai trận gặp U20 Hàn Quốc trong tháng 4, Văn Đô nhiều lần dốc bóng từ cánh phải tạo đột biến. Cầu thủ gốc Quảng Nam hứa hẹn tạo ra làn gió mới cho Việt Nam ở SEA Games 31.