Trong chương trình hội nghị tập huấn của UBND tỉnh Hà Tĩnh về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, cơ quan dân cử vào chiều nay (3/6), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng: Thời gian qua, nhận thức rõ vai trò, vị trí của phụ nữ trong suốt tiến trình phát triển, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Hà Tĩnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia chính trị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông tin, trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (ở Hà Tĩnh), tỷ lệ nữ trúng cử đã tăng lên so với nhiệm kỳ trước.
Cụ thể, nữ đại biểu Quốc hội có 1/7 đồng chí (chiếm 14,3%); nữ đại biểu HĐND tỉnh 15/55 đồng chí (25,45%); cấp huyện 124/446 (27,8%), cấp xã 1.821/6.540 (27,84%). Hiện nay, Hà Tĩnh có 2 nữ phó chủ tịch HĐND tỉnh, 5 nữ phó chủ tịch HĐND cấp huyện.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng các cấp: cấp tỉnh 11% (tăng 1,6%); cấp huyện 13,6% (giảm 2,2%); cấp xã 18,7% (giảm 0,87%).
21/47 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có lãnh đạo nữ (đạt 44,7%, tăng 18,6%); 6/13 huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 77/216 xã, phường, thị trấn có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Chương trình tập huấn với sự tham gia của gần 200 đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng phân tích một số hạn chế trong công tác cán bộ nữ ở tỉnh ta như: tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo ở một số sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh ít và chỉ tập trung ở lĩnh vực văn hóa - xã hội; các sở ngành thuộc khối kinh tế - kỹ thuật hầu như không có.
Một số nơi thiếu quan tâm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, trong thực hiện các chính sách bình đẳng giới cần phải cụ thể hóa trong từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng Nhân dân; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn nhân sự.
Đặc biệt, bản thân phụ nữ phải chứng minh được năng lực, đạo đức để được giới thiệu ứng cử, trúng cử và thể hiện xứng đáng vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia vào hoạt động của cơ quan dân cử; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật trong các hoạt động về thực hiện Luật Bình đẳng giới.