Ả-rập Saudi và đồng minh đang giăng bẫy Qatar
Reuters ngày 23/6 cho hay, bốn quốc gia gồm Ả-rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain, đã gửi 13 yêu sách tới Qatar như điều kiện tiên quyết cho việc chấm dứt cô lập với tiểu quốc vùng Vịnh này.
Trong nội dung 13 yêu sách được gửi tới Qatar có yêu cầu Doha phải đóng kênh truyền hình Al Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Bên cạnh đó là yêu cầu Qatar phải công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan, bao gồm tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda, Hezbollah và Jabhat Fateh al Sham.
Doha sẽ không dễ dính bẫy của Riyadh và các đồng minh |
Ngoài ra, Qatar cũng được yêu cầu phải giao nộp tất cả những phần tử bị nghi ngờ là khủng bố nằm trong "danh sách đen" do bốn nước Ả rập đã cung cấp cho Doha và phải đưa các phần tử này ra khỏi lãnh thổ Qatar.
Ả-rập Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain còn yêu cầu Doha phải ngay lập tức dừng can thiệp vào công việc nội bộ cũng như hoạt động đối ngoại của họ, đồng thời Qatar cũng được yêu cầu không được cấp quốc tịch Qatar cho công dân của bốn quốc gia này.
Yêu sách đối với Qatar đã được các quốc gia Ả rập chuyển qua trung gian là Kuwait với lời nhắn gửi tới Doha là phải thực hiện tất cả các yêu sách đó trong vòng 10 ngày.
Nếu không thực hiện, Qatar sẽ không thể thoát được tình trạng cô lập vốn bị cho là đang siết chặt hơn.
Có lẽ chỉ cần nhìn vào một vài yêu cầu trong "tối hậu thư" mà Ả-rập Saudi cùng các đồng minh gửi tới Qatar, cũng có thể thấy rằng những yêu sách đó là không khả thi và sẽ không được Doha thực hiện.
Doha không thực hiện yêu cầu của các đối thủ không phải vì Qatar không muốn thực hiện hay không đủ khả năng thực hiện, mà do các yêu cầu đó không thể thực hiện, nếu như Qatar không muốn bị tước bỏ chủ quyền.
Giới phân tích cho rằng, qua việc đặt ra 13 yêu sách với Doha để được nối lại bang giao, Ả-rập Saudi cùng các đồng minh đang giăng bẫy Qatar và nếu Doha đáp ứng yêu cầu là sẽ bị sập bẫy của họ.
Chỉ cần xem xét nội dung yêu cầu Qatar công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, cũng đã thấy người ta giăng bẫy nguy hiểm như thế nào với vương quốc nhỏ bé này.
Bởi khi thực hiện yêu sách đó, Qatar đã tự mình chuyển tội danh người ta gán ghép cho mình, từ “nghi nghờ đồng phạm khủng bố” sang "chính thức đồng phạm khủng bố".
Thậm chí Qatar có thể ngay lập tức trở thành “nhà nước khủng bố”.
Ả-rập Saudi dường như không chứng minh được sự thật của những cáo buộc Qatar đồng phạm khủng bố theo yêu cầu của Washington, nên đã chọn cách gợi ý cho Doha chỉ cần tuyên bố cắt đứt liên hệ với khủng bố, thay vì phải nhận tội đồng phạm khủng bố.
Tuy nhiên, nếu thực hiện "thiện ý" mang tính gợi mở này thi Qatar có thể tự khép mình vào tội chết, bởi đã đồng phạm với khủng bố thì dù có từ bỏ cũng không thể thoát tội.
Việc Riyadh bị Washington hồi tố trong vụ 11/9 là lời cảnh báo mà Doha không được phép lãng quên.
Ả-rập Saudi có thể sập bẫy của chính mình
Theo giới phân tích, tất cả những yêu cầu mà Ả-rập Saudi và các đồng minh gửi tới Qatar, Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu trực tiếp đối với Qatar và khả năng Doha thực hiệu yêu cầu của Washington còn cao hơn đối với yêu cầu từ Riyadh.
Vậy mà Washington lại không làm điều đó.
Yêu cầu Doha đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar là khó có thế được chấp thuận |
Phải chăng vì trên lãnh thổ Qatar đang có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông nên khi Washington "xuất đầu lộ diện" có thể đụng chạm, làm ảnh hưởng đến chiến thuật, chiến lược của Mỹ tại vùng đất nóng?
Vấn đề không hẳn như vậy.
Thực ra người Mỹ muốn các nước vùng Vịnh tự tố cáo lẫn nhau trong cuộc “huynh đệ tương tàn”, mà qua đó giúp Washington có thể tạo ra đòn bập bênh lợi ích, khiến cả người tố cáo và kẻ bị tố cáo đều phải lệ thuộc vào Mỹ và làm lợi cho Mỹ.
Khi nằm trên đòn bập bênh lợi ích thì người tố cáo luôn bất lợi hơn kẻ bị tố cáo, bởi lúc nào người tố cáo cũng phải chuẩn bị thực hiện hai hành động: chứng minh kẻ bị tố cáo có tội và làm sao tránh tội khi bị phản đòn, trong khi kẻ bị tố cáo chỉ cần chứng minh mình vô tội.
Như vậy, khi bị đặt trên đòn bập bênh của thực thể thứ ba có sức mạnh thì cái bẫy mà người tố cáo giăng ra với kẻ bị tố cao luôn tạo ra độ nguy hiểm gấp đôi cho chính mình.
Khả năng kẻ bị tố cáo dính bẫy luôn thấp hơn khả năng người tố cáo bị sập bẫy của mình.
Nếu thấy nguy hại, Washington có thể yêu cầu Doha cắt đứt quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Không những vậy, Washington còn hoàn toàn đủ khả năng yêu cầu Doha thực hiện điều đó, vậy nhưng họ lại không làm.
Giới phân tích cho rằng, Washington đã tạo tạo ra đòn bập bênh lợi ích, đưa Riyadh vào thế buộc phải lấy điểm với Washington, khi yêu cầu Riyadh phải có bằng chứng xác thực trong việc cáo buộc Doha đồng phạm khủng bố, mà Washington thừa biết rằng điều đó là không dễ dàng.
Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lần này, Ả-rập Saudi đang ngày càng gặp nguy hiểm chứ không phải Qatar.
Dường như Riyadh đã lầm tưởng mình là đạo diễn, song thực ra họ chỉ là diễn viên, còn người Mỹ mới tác giả và đạo diễn đích thực của kịch bản: Khủng hoảng Qatar.