Bước vào quán ăn mang cái tên độc đáo Napei (số 73, đường Lê Hồng Phong), bất cứ ai cũng ấn tượng bởi phong cách đặc trưng của người Lào. Chủ quán là anh Đặng Văn Hiếu (SN 1989) có gia đình, họ hàng sinh sống tại bản Napei (thuộc tỉnh Bôlykhămxay).
Anh Đặng Văn Hiếu (chủ quán Napei ở TP Hà Tĩnh) cho biết, để làm nên những món ăn thấm đẫm "hương rừng" thì các nguyên liệu, đồ dùng cũng phải mang trực tiếp từ Lào về Việt Nam chế biến.
Cách đây hơn 1 năm, anh Hiếu từ Lào trở về Việt Nam và mở quán ẩm thực Lào, lấy tên bản làng nơi anh đã từng sinh sống. Tinh tường và am hiểu cách chế biến các món ăn Lào từ bình dân đến cao cấp, anh Hiếu mong muốn đáp ứng nhu cầu cho không chỉ người Lào mà cả những người Việt yêu thích ẩm thực nước này.
Người Lào thường bày biện rất nhiều món, thường là cơm nếp, súp cay và các món chế biến từ thịt bò, thịt heo, cá sông và gia cầm được tẩm ướp hương liệu rất thơm ngon. Mọi người cho rằng, ẩm thực Lào giống ẩm thực Thái Lan, thế nhưng, nếu như các món ăn Thái lấy vị chua cay ngọt làm chủ thì món ăn Lào lại lấy vị chua cay mặn làm chủ, món ăn nhờ thế mà vừa đậm đà, vừa tránh được vị ngọt từ đường.
Lạp là món ăn phổ biến và nổi tiếng của người Lào. Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là “lộc”. Lạp được làm từ thịt bò, thịt hươu, cá sông bằm nhuyễn hoặc thái lát mỏng, chần chín rồi trộn với gia vị, rau bạc hà thái nhỏ và nước cốt chanh, tạo vị chua cay khó cưỡng. Ngoài ra, đặc sản Lào còn có món xộm làm từ đu đủ xanh (Tam maak hung) với cách chế biến của người Lào khá đặc biệt, bao gồm đu đủ bào sợi, cà pháo, đậu đũa… giã dập cùng ớt, tỏi, nước cốt chanh, muối, ruốc cá… ăn kèm với xôi om dẻo thơm nấu từ nếp Lào.
Món gỏi đu đủ xanh (Tam Maak Hung) bao gồm đu đủ bào sợi, cà pháo, đậu đũa… ăn kèm với xôi om dẻo thơm được nấu từ nếp Lào là một món ăn quen thuộc đối với người Việt.
Nhiều món ăn còn mang đậm đặc trưng dân tộc Lào rất thú vị như súp cay, trứng nướng, cá nướng với các loại gia vị, hương liệu hấp dẫn như nước bà đẹt (giống nước mắm nêm), lá i-hụt (tương tự lá chanh)… Người mới thưởng thức món ăn này lần đầu sẽ thấy vị đăng đắng, cay cay, thanh thanh ở đầu lưỡi, tạo nên hương vị hấp dẫn, ăn rồi lại muốn ăn thêm.
“Để món ăn có hương vị thơm ngon, thấm đẫm chất rừng của người Lào thì các nguyên liệu, vật dụng cũng phải được chúng tôi đưa trực tiếp từ Lào về. Mặc dù có kinh nghiệm đứng bếp, thế nhưng, nhiều lúc tôi còn được các thực khách là người Lào chia sẻ, hướng dẫn làm món ăn sao cho ngon và giống nhất. Từ khi mới mở quán, khách đến không chỉ là giới trẻ, sinh viên Lào mà còn khá nhiều thực khách Việt Nam đến khám phá và tận hưởng, giao lưu các nét văn hóa Lào” - anh Hiếu chia sẻ.
Với người Lào, ẩm thực là một phần rất sinh động và phong phú của văn hóa dân tộc. Thế nên, trong rất nhiều bữa tiệc, thực khách không chỉ bị cuốn theo điệu Lăm-vông, Bun-xa dập dìu mà còn bị níu giữ bởi các món ăn vừa dung dị, mộc mạc lại vừa đậm đà của miền đất Chăm-pa. Để bất kỳ ai, dẫu chỉ một lần thưởng thức hương vị chua cay đậm đà ấy lại cứ thương nhớ mãi cả một miền đất thơ mộng…