Các lớp dạy nghề giúp hội viên Hội Người mù có cơ hội nâng cao thu nhập.
Cuộc sống đã khá giả nhưng với ông Nguyễn Như Hường (thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh), tất cả vẫn như một giấc mơ.
Ông Hường cho biết: “Trận bom Mỹ năm 1972 ném xuống làng quê Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) khiến tôi mất đi ánh sáng từ năm 12 tuổi. Những chuỗi ngày khó khăn, thiếu thốn thực sự bắt đầu khi tôi lập gia đình, rồi 4 đứa con lần lượt ra đời. Cái đói nghèo luôn đeo đẳng dù 2 vợ chồng lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Bước ngoặt đến với gia đình khi quyết tâm khai hoang vùng đồi ở xã Kỳ Trung được Hội Người mù huyện tạo điều kiện cho vay vốn, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt”.
Từ sự “dẫn lối” của hội, ông Hường đã tìm thấy “ánh sáng” về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những tháng ngày vợ chồng ông gồng mình phát quang đồi núi, cải tạo đất hoang đã được đền đáp bằng sự phát triển của trang trại 10 ha trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chè, đào ao thả cá, chăn nuôi bò và các loại cây màu xen canh…
Đến nay, nguồn thu của gia đình mỗi năm đạt gần 100 triệu đồng. Gần đây, ông cùng một số thành viên thành lập HTX Bình Minh, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với tiền công mỗi ngày 200-250 ngàn đồng/người.
Được Hội Người mù dạy chữ, giờ đây ông Hường đã sử dụng thành thạo máy tính để hỗ trợ cho công việc
Cũng như ông Hường, từ khi vào hội, cuộc đời ông Trần Văn Dung (thôn Kim Sơn, xã Bắc Sơn, Thạch Hà) sang trang mới nhờ được học chữ, học nghề và tiếp cận nguồn vốn. Đồi chè và mô hình chăn nuôi gia cầm với nguồn thu mỗi năm gần 100 triệu đồng của gia đình được xây dựng từ sự nâng đỡ của hội và quyết tâm của bản thân. Ông Dung cho biết: “Tổ chức hội đã “soi sáng” cuộc đời tôi, giúp tôi vượt qua những mặc cảm khi sống trong bóng tối và đói nghèo”.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương người khiếm thị vượt lên số phận nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của tổ chức hội người mù các cấp.
Từ sự hỗ trợ về kiến thức, nguồn vốn, nhiều hội viên đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo
Được thành lập từ năm 1991, đến nay, Hội Người mù Hà Tĩnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người khiếm thị qua hoạt động chia sẻ, hỗ trợ về việc làm, học văn hóa, kỹ năng sống... Từ cầu nối là tổ chức hội, cộng đồng hiểu hơn về những mảnh đời khiếm khuyết về ánh sáng nhưng luôn khao khát vươn lên.
Ông Hoàng Văn Đằng - Chủ tịch Hội Người mù Hà Tĩnh cho biết: “Sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ hội và những hỗ trợ của các cấp, ngành đã giúp hội trở thành mái nhà chung chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của hội viên”. Đến nay, tổ chức hội đã thu hút gần 4.500 hội viên tham gia sinh hoạt. Cùng với việc dạy chữ, hội cũng đã tổ chức các lớp dạy nghề tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho hội viên.