Vợ mất sớm, tuổi già sức yếu, quanh năm chỉ quanh quẩn với 4 sào ruộng, phải nuôi con gái chậm phát triển trí tuệ và cháu ngoại nên ông Hoàng Quốc Ấn (75 tuổi, ở thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc) thường xuyên là hộ nghèo của xã. Gần chục năm qua, gia đình phải sống trong căn nhà lụp xụp, xuống cấp. Thương gia cảnh của ông, từ nhiều năm trước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đến động viên, đề xuất hỗ trợ xây nhà kiên cố nhưng lần nào ông cũng từ chối vì không thể lo nguồn “đối ứng”...
Ông Hoàng Quốc Ấn cảm động: “Sau 4 lần được huyện, xã đến thuyết phục, đầu năm 2023 tôi đã quyết định vay mượn thêm để làm nhà. Cùng với 70 triệu đồng được hỗ trợ, thôn xóm, các đoàn thể, họ hàng đã đến giúp đỡ ngày công, hỗ trợ các loại vật liệu, tiền... để xây căn nhà 70 m2 trị giá 120 triệu đồng. Dù đang phải vay mượn 25 triệu đồng nhưng sau 1 năm ở nhà mới, tôi rất mãn nguyện vì cha con, ông cháu đã được sống trong căn nhà kiên cố, an toàn. Tôi thực sự cảm động và biết ơn các cấp, ngành, các tấm lòng hảo tâm và bà con lối xóm”.
Đã hơn 3 tháng vào ở trong ngôi nhà mới khang trang, thoáng mát, nhưng đến nay ông Trần Quốc Thanh - bà Võ Thị Thuyên (cùng 70 tuổi, ở thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc) vẫn đang trong niềm hân hoan khó tả. Do sức khỏe yếu, con cái khó khăn, sinh kế thuần nông... nên dù tích góp gần cả cuộc đời ông bà vẫn không thể tự tin xây nhà kiên cố như ý muốn. Vì vậy, vào cuối năm 2023, sau khi được huyện xem xét hỗ trợ 70 triệu đồng, ông bà đã quyết định làm nhà mới với diện tích 120 m2, trị giá 250 triệu đồng.
Bà Võ Thị Thuyên chia sẻ: “Nhiều năm trời phải sống trong căn nhà tạm bợ, mùa nắng thì nóng nực, oi bức, mùa mưa thì lúc nào cũng phải xắn quần vì nước ngập sàn nhà, hễ có gió bão là lo đi tạm lánh. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã có thể yên tâm cho cuộc sống về già, chăm chỉ sản xuất để có tiền trả nợ, hỗ trợ con cái chăm sóc cháu nhỏ...”.
Ông Lê Doãn Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Địa phương nằm nơi đầu gió bão, điều kiện kinh tế của người dân thuộc diện thấp nên có nhiều hộ khó khăn, nhà cửa xuống cấp. Hơn 4 năm qua, các cấp, ngành đã vận động, khâu nối với các tấm lòng hảo tâm huy động nguồn lực giúp chúng tôi xây hơn 100 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người dân vùng thường xuyên bị thiên tai...
Những căn nhà giàu tình thương và trách nhiệm này đã giúp các hộ thuộc diện khó khăn nhất xã được “an cư lạc nghiệp”, đảm bảo an toàn, tạo động lực cho họ vươn lên trong cuộc sống và góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương đi lên”.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp thì MTTQ và các tổ chức thành viên cũng đã phát huy vai trò của mình trong việc chăm lo, xây dựng các mái ấm nghĩa tình cho đoàn viên, hội viên. Dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình, các đoàn thể đã duy trì hoạt động góp quỹ, giúp công, kêu gọi các tấm lòng thơm thảo để có thêm 5 – 8 ngôi nhà kiên cố/năm/đoàn thể.
Anh Hồ Sĩ Phong – Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà thông tin: “Hội viên của chúng tôi đại đa số thuộc diện khó khăn, thua thiệt, nhà ở chưa đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên, quan tâm đến việc vận động các tầm lòng thơm thảo hỗ trợ cho họ xây nhà. Hơn 4 năm qua, các cấp hội đã vận động xây dựng 21 căn nhà với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Có được những căn nhà kiên cố, các hội viên rất phấn khởi và giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, nỗ lực hơn trong làm ăn, sống có ích cho xã hội”.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Lộc Hà xác định rõ trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; trong đó, ưu tiên cho việc kiên cố nhà ở bằng nguồn xã hội hóa. Với tinh thần trách nhiệm cao, từ lãnh đạo huyện đến các phòng, ngành, tổ chức đoàn thể đã tập trung vào cuộc liên tục, đồng bộ, hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã làm được 1.054 nhà với tổng số tiền hỗ trợ gần 63 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công. Riêng những tháng đầu năm 2024, huyện Lộc Hà đã hỗ trợ làm được 7 nhà và đang khảo sát, xem xét hỗ trợ làm thêm 120 nhà nữa. Những ngôi nhà mới xây đảm bảo “3 cứng”, có thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mỗi gia đình, tập quán của từng địa phương và phát huy được giá trị nhân văn trong cộng đồng”.