Sau khi thực hiện chuyển cán bộ y tế trường học về ngành chuyên môn, từ năm 2019 đến nay, ngành GD&ĐT và ngành y tế đã xây dựng quy chế phối hợp từ cấp Trung ương đến địa phương, song, việc thực hiện chưa hiệu quả; thiếu vắng sự đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Khắc phục những hạn chế đó trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra.
Trong Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ở phần nội dung sắp xếp, bố trí đội ngũ đã quyết định chuyển nhiệm vụ y tế học đường (YTHĐ) và viên chức y tế ở các trường học về trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế đa chức năng (tại địa bàn không có trạm y tế) quản lý. Theo Hướng dẫn số 110/HD-SYT ngày 14/1/2019 của Sở Y tế Hà Tĩnh, viên chức YTHĐ được tiếp nhận từ các trường học trên địa bàn được bổ sung vào biên chế các trạm y tế còn thiếu; bổ sung viên chức cho các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ và nhiệm vụ y tế trường học. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, có nhiều trạm y tế đã đủ số lượng nhân viên theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5/6/2007 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước. Vì vậy, trong số 415 cán bộ YTHĐ chuyển về ngành y tế, có 310 người được chuyển về trạm y tế và 105 người chuyển về các bệnh viện tuyến huyện. Như vậy, xét về số lượng, cán bộ YTHĐ đã bị cắt giảm khá nhiều (105 người) khi bố trí làm nhiệm vụ khác; mặt khác, đối với 310 nhân viên y tế về trạm y tế cũng được giao thực hiện nhiệm vụ chung với nhiều đầu việc trong công tác y tế cơ sở, trong đó có công tác YTHĐ.
Cụ thể hóa nhiệm vụ YTHĐ theo mô hình mới, Sở Y tế - Sở GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch số 1956/KH-SYT-SGDĐT ngày 11/9/2019 về phối hợp thực hiện công tác y tế trường học năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, giao trạm y tế phân công 1 cán bộ phụ trách chung công tác y tế trường học và phân công mỗi trường học trên địa bàn có 1 cán bộ y tế phụ trách để theo dõi, thực hiện công tác y tế trường học và xử lý những vấn đề phát sinh hằng ngày. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, thời gian qua, phần lớn các trạm y tế chỉ phân công một cán bộ phụ trách y tế ở tất cả các trường học và cán bộ này phải đồng thời thực hiện thêm nhiều công việc kiêm nhiệm khác của nhiệm vụ y tế cơ sở.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hoàn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Song Trường (Can Lộc) cho biết: “Đơn vị đang đảm đương khối lượng công việc lớn, vừa thăm khám, điều trị ban đầu cho người dân; vừa triển khai phòng, chống dịch bệnh, thực hiện quản lý về bệnh không lây nhiễm, quản lý tiêm chủng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, xây dựng NTM, y tế trường học và thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số theo Đề án 06 của Chính phủ. Do khối lượng công việc lớn, dân số đông nên cán bộ phụ trách YTHĐ còn phải kiêm nhiệm việc đón tiếp, chăm sóc người bệnh tại trạm, quản lý hồ sơ sức khỏe trên phần mềm... Việc phân công cán bộ y tế của trạm bám nắm thường xuyên tại các trường học gần như không thể thực hiện được. Định kỳ mỗi năm, nhân viên y tế của trạm đến trường 2 lần để khám sức khỏe học sinh (HS) và mỗi tháng 1 lần đến tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh theo mùa; còn lại thì chỉ khi nào xảy ra tình huống, cán bộ trạm mới trực tiếp xử lý.
Trao đổi với các nhân viên y tế phụ trách công tác YTHĐ, chúng tôi được biết, với nhiều nhiệm vụ được giao, việc dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động y tế ở trường học theo các quy định, hướng dẫn là hết sức khó khăn. Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Phượng (Trạm Y tế xã Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên) được giao phụ trách công tác YTHĐ đồng thời với các nhiệm vụ: chăm sóc, quản lý người cao tuổi, tuyên truyền phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân tại trạm y tế… “Hằng tuần, tôi chỉ ghé qua trường học được vài lần, chủ yếu để chuyển các văn bản, tài liệu về công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm; việc theo dõi sát sao các nhiệm vụ YTHĐ tại trường học là gần như không thể” - chị Phượng chia sẻ.
Cùng chung trăn trở, điều dưỡng y tế Nguyễn Nữ Huyền Trang - Trạm Y tế xã Hương Lâm (Hương Khê) tâm sự: “Nhiệm vụ của tôi là truyền thông CSSK ban đầu, công tác vệ sinh môi trường và YTHĐ. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là nhiệm vụ YTHĐ, bởi địa bàn rộng, có 5 điểm trường với gần 1.700 HS, trong đó điểm xa nhất cách trạm y tế hơn 4 km. Dù đã có sự khâu nối thông qua các đầu mối cán bộ phụ trách YTHĐ, nhưng để xử lý các tình huống nảy sinh một cách kịp thời là điều rất khó”.
Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5/6/2007 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước quy định: bố trí 5 biên chế cho 1 trạm y tế xã, phường, thị trấn; đối với xã miền núi, hải đảo trên 5.000 dân, nếu tăng 1.000 dân thì tăng thêm 1 biên chế cho trạm; xã đồng bằng, trung du trên 6.000 dân, nếu tăng 1.500 - 2.000 dân thì tăng thêm 1 biên chế cho trạm; trạm y tế phường, thị trấn trên 8.000 dân nếu tăng 2.000 - 3.000 dân thì tăng thêm 1 biên chế. Nhân lực y tế cơ sở có hạn, trong khi nhiệm vụ chuyên môn khá nặng nề nên để các trạm có thể phát huy hiệu quả công tác y tế tại trường học đảm bảo các quy định là rất khó khăn. Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều xã được sáp nhập từ 2 hoặc 3 xã; dân số đông, địa bàn rộng, số lượng điểm trường nhiều nên trạm y tế khó lòng làm tròn nhiệm vụ y tế trường học. Đơn cử như xã Kim Song Trường, được sáp nhập từ 3 xã, dân số trên trên 8.000 người, có 6 điểm trường của 4 cấp học thì với 1 cán bộ trạm y tế phụ trách theo hình thức kiêm nhiệm, việc triển khai bài bản công tác YTHĐ gần như không thể thực hiện.
Để giải quyết bất cập nêu trên, trước hết cần bắt đầu từ việc giải bài toán nhân lực với một phương án bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ y tế cho công tác YTHĐ phù hợp với thực tế.
Theo ông Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, qua các cuộc giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, việc chuyển nhiệm vụ YTHĐ và viên chức y tế trường học về trạm y tế xã đã mang lại kết quả nhất định, tuy nhiên, trên thực tế cũng nảy sinh những khó khăn, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về công tác y tế trường học đã đồng bộ.
Gần đây, thực hiện Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, ngày 20/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 141/KH-UBND thực hiện Chương trình y tế trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với các mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm rõ đối với các cấp, ngành. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện thời gian tới là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, giáo viên, HS và toàn xã hội về công tác y tế trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở; rà soát, phân công thực hiện nhiệm vụ y tế trường học tại các cơ sở giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và huy động xã hội hóa về y tế trường học trong các cơ sở giáo dục.
Trên cơ sở chỉ đạo của các cấp, ngành, ngày 28/11/2023, Sở GD&ĐT và Sở Y tế ban hành quy chế phối hợp liên ngành thực hiện công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Trong đó, xác định rõ: nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai trong cơ sở giáo dục và đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác y tế trường học là trách nhiệm của hiệu trưởng; công tác y tế trường học và các hoạt động quản lý, CSSK cho HS là nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, dưới sự chỉ đạo thống nhất của trung tâm y tế huyện. Quá trình thực hiện, cơ sở giáo dục và trạm y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ, đúng quy định.
Ông Nguyễn Hồng Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Hai ngành giáo dục và y tế đã xây dựng quy chế phối hợp ở tất cả các cấp. Điều quan trọng nhất là cần sự phối hợp chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt nội dung của quy chế. Theo đó, cùng với tổ chức tổng kết, đánh giá cụ thể, thực chất, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế ở mỗi cấp, phân tích rõ những mặt được và chưa được trong phối hợp ở từng thời điểm để kịp thời chấn chỉnh, nhất là giữa các trạm y tế và các cơ sở giáo dục. Về nhân lực, nếu các trạm không đủ nhân viên y tế “cắm chốt” tại các trường thì nên phân công thay phiên nhau để thường xuyên giám sát, hướng dẫn công tác y tế tại các trường học, trong đó, ưu tiên cho bậc học mầm non, tiểu học trước, bởi đây là các cấp học thường có bếp ăn bán trú, đồng thời HS nhỏ tuổi, hiếu động nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh trạm y tế tăng cường nhân lực, bố trí thời gian hợp lý hơn cho công tác YTHĐ thì việc ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách y tế ở trường học cũng đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các nhà trường và trạm y tế. Chị Từ Thanh Hằng - Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - bệnh nghề nghiệp (CDC Hà Tĩnh) cho biết: “Hằng năm, đơn vị đều tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phụ trách y tế học đường của các trường học. Tuy nhiên, không ít cơ sở giáo dục, năm nay cử người này đi bồi dưỡng, năm sau lại cử cán bộ, giáo viên khác tham gia nên không thể trang bị kiến thức, kỹ năng một cách liên tục, đồng bộ cho cán bộ, giáo viên được phân công phụ trách công tác YTHĐ. Các trường học cần có cơ chế phù hợp để động viên, hỗ trợ cán bộ kiêm nhiệm YTHĐ, qua đó, giữ sự ổn định của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này”.
Nhiều ý kiến chuyên môn trong ngành y tế cũng gợi mở giải pháp cần nghiên cứu các quy định để hướng tới việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bài bản về sơ cấp cứu, CSSK ban đầu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho đội ngũ phụ trách YTHĐ của các trường học gắn với cấp chứng chỉ. Khi đội ngũ này đáp ứng yêu cầu cơ bản để CSSK ban đầu cho HS thì sẽ phối hợp hiệu quả với nhân viên trạm y tế để cùng xây dựng kế hoạch, triển khai bài bản các hoạt động YTHĐ. Một cách làm hay về sự chủ động nhân lực y tế trường học ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) là lựa chọn ký hợp đồng với nhân viên nấu ăn bán trú có chuyên môn nghiệp vụ về y tế. Ngoài lương hợp đồng nấu ăn, trường trích một phần nhỏ trong nguồn kinh phí CSSK ban đầu để hỗ trợ thêm. Nhờ đó, thời gian qua, nhân viên này thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ: chăm lo bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phối hợp với trạm y tế thực hiện các chương trình CSSK ban đầu cho HS.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành chuyên môn cũng cần được phát huy hơn nữa trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác YTHĐ; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trong trường học; ban hành và thực hiện cơ chế động viên, khen thưởng đối với những cán bộ phụ trách y tế tại trường học cũng như tại trạm y tế, đồng thời ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ trang thiết bị y tế trong các cơ sở giáo dục...
Sự chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành đối với công tác YTHĐ sẽ giúp các cơ sở giáo dục quản lý, CSSK cho HS một cách hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và các nguy cơ tai nạn thương tích có xu hướng gia tăng.
BÀI, ẢNH: NHÓM PV CHÍNH TRỊ XÃ HỘI
THIẾT KẾ: HUY TÙNG