Chất lượng môi trường sống là một trong những tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Đối với xã và huyện nông thôn mới nâng cao, tiêu chí này đặt ra những yêu cầu khá cao, nhất là quy định về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung. Đứng trước khó khăn, Hà Tĩnh đặt quyết tâm rất cao, ưu tiên nguồn lực lớn để thực hiện bằng được nhằm góp phần tạo tính bền vững cho quá trình xây dựng tỉnh nông thôn mới.
Chất lượng môi trường sống với những yêu cầu về nước sạch, an toàn thực phẩm, môi trường và cảnh quan nông thôn là một trong những tiêu chí cốt lõi trong xây dựng NTM. Trong đó, Hà Tĩnh bắt tay thực hiện tiêu chí tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (sau đây gọi là tiểu tiêu chí 18.1) còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, nước sạch là một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Theo đó, Hà Tĩnh đã quyết tâm rất cao và ưu tiên nguồn lực để thực hiện tiêu chí này. Trong quá trình đánh giá, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các sở, ngành liên quan đã thực hiện rất bài bản, thực chất, chặt chẽ với quan điểm không “nợ” tiêu chí. Vì vậy, trong các năm 2023, 2024, nhiều xã đã cơ bản đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao nhưng nếu tiểu tiêu chí nước sạch chưa đạt thì chưa được xem xét bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn.
Cuối năm 2023, huyện Nghi Xuân đề xuất xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đối với 2 xã: Xuân Hải, Xuân Yên và NTM kiểu mẫu đối với xã Xuân Phổ. Tuy nhiên, qua đánh giá của các sở, ngành, đơn vị chuyên môn, các xã này đều chưa hoàn thành tiêu chí 18.1. Vì vậy, các xã này không được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025.
Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, tại thời điểm thẩm định, các xã này chưa có hộ dân nào được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (đạt 0%). Mặc dù ngân sách địa phương đang hạn hẹp nhưng với quyết tâm cao, Nghi Xuân đã bố trí 13 tỷ đồng để đối ứng thực hiện dự án mở rộng mạng lưới cấp nước Nhà máy Nước Nghi Xuân (tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh 50%; ngân sách huyện, xã và người dân đối ứng 50%). Cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn lực, huyện cũng tập trung cao cho công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án vào đầu năm 2024. Đến tháng 7/2024, 2 xã Xuân Hải, Xuân Yên được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Xuân Phổ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đợt 1/2024.
Ông Trần Văn Vỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: “Được sử dụng nước sạch là niềm mong mỏi từ bao đời nay của người dân. Chúng tôi không nản chí khi bị “treo” xã NTM nâng cao vì chưa hoàn thành tiêu chí thành phần này mà quyết tâm thực hiện bằng được, xem đây là cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, khi có nguồn hỗ trợ của tỉnh, của huyện, chúng tôi đã trích ngân sách 1 tỷ đồng, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng để hoàn thành đấu nối, đưa nước sạch về tận hộ. Những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Xuân Hải đã được “đền đáp” khi tháng 7 vừa qua được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao”.
Sơn Giang, Sơn Phú (Hương Sơn) cũng là 2 trong số các địa phương bị “treo” công nhận xã NTM nâng cao năm 2023 do chưa đạt tiểu tiêu chí nước sạch tập trung. Với quyết tâm nâng cao chất lượng sống cho người dân, từ đầu năm 2024, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các địa phương đã phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh công tác GPMB, tập trung thi công các hạng mục lắp đặt đường ống, đấu nối thiết bị vào các hộ dân, quyết tâm “trả nợ” tiêu chí khó.
“Dự án mở rộng mạng lưới nước sạch từ Nhà máy Nước thị trấn Phố Châu sẽ kết nối thêm 450 hộ ở 4 thôn, nâng tổng số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung toàn xã lên 750 hộ, đạt trên 55%. Đây cũng là cơ sở để cuối năm 2024, chúng tôi tự tin đề xuất công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao”, bà Võ Thị Hương - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang khẳng định.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế 25.480 m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế 19.669 m3/ngày đêm (đạt 77,19%); 14 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sạch đô thị. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn Hà Tĩnh sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 64,10%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 27,75% (tăng 8,44% so với đầu năm 2021). Nỗ lực trong thực hiện tiêu chí nước sạch đã góp phần đưa 100% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM, trong đó, 65/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 35,9%), 17/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 9,39%).
Sau 15 năm xây dựng NTM với nhiều kết quả nổi bật, Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yêu cầu trọng tâm như: 100% huyện đạt chuẩn NTM, 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn như: hạ tầng KT-XH, sản xuất, môi trường… Trong đó, đối với tiêu chí nước sạch, trên địa bàn tỉnh có nhiều xã miền núi, dân cư thưa thớt, địa hình chia cắt… nên việc thực hiện đầu tư nhà máy nước tập trung để cung cấp nước sạch đến tận hộ dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải bài toán khó này, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nhà máy và mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn với 35 dự án, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các địa phương và nhà thầu tập trung công tác GPMB, nhân lực, máy móc thi công và huy động nguồn đối ứng nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Đến nay, có 11 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, vận hành cấp nước ổn định cho người dân; 10 công trình đã triển khai thi công; 7 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi và 7 dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục...
Trong số đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 5 dự án nâng cấp, mở rộng mạng lưới nước sạch (tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng) và tiếp nhận 5 công trình cấp nước tập trung do các địa phương làm chủ đầu tư. Với những dự án đã được triển khai, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh có thêm 10.256 hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nâng tổng số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch lên 81.462/293.534 hộ (đạt tỷ lệ 27,75%).
Ông Nguyễn Mậu Đại - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Áp lực về mặt tiến độ khiến chủ đầu tư phải huy động toàn bộ nhân lực làm việc không kể ngày đêm, phân ca trực phù hợp tại các tổ thi công để hoàn thành các công trình. Rất mừng là nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành, các dự án đi vào vận hành đã góp phần giúp các địa phương sớm đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”.
Đối với 13 công trình cấp nước sạch tập trung (tổng mức đầu tư 428 tỷ đồng) được UBND tỉnh giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư, đến nay, có 2 dự án đã thực hiện được trên 90%, 4 dự án thi công trong tháng 10 và 7 dự án đang trong giai đoạn phê duyệt, chuẩn bị đầu tư.
Ông Nguyễn Trịnh Hà - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT cho biết, đối với các công trình đang thi công, chủ đầu tư tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, kịp thời giải ngân ngay khi có khối lượng, không để dồn vào cuối năm. Đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đơn vị tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình thẩm định phê duyệt, đồng thời chủ động rà soát, kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024.
Cùng với sự quyết liệt của tỉnh, các địa phương cũng đang tăng tốc hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao. Trên hành trình xây dựng xã NTM nâng cao, đến nay, xã Tân Dân (Đức Thọ) đã đạt 19/20 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí thành phần - tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Ông Phan Trọng Thể - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, từ nguồn ngân sách của huyện và xã, dự án mở rộng mạng lưới Nhà máy Nước Đức Thọ với tổng mức đầu tư 7,2 tỷ đồng, quy mô cấp nước cho 1.000 hộ dân đang được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian qua, địa phương đã tập trung cao cho công tác GPMB, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nhằm sớm về đích tiểu tiêu chí tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung trong năm 2024, góp phần cùng huyện Đức Thọ hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Theo yêu cầu về tiêu chí nước sạch đối với huyện NTM nâng cao, đến nay, Hà Tĩnh có 2 huyện đã đạt là Đức Thọ (đạt 55,96%) và Thạch Hà (đạt 44,84%), vượt tỷ lệ quy định của Trung ương (tối thiểu 28%); 2 huyện Nghi Xuân, Can Lộc đã đạt 22-25%. Thời gian tới, sau khi các dự án nước sạch đang triển khai thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng thì cả 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc cũng sẽ hoàn thành yêu cầu này. Đây là 1 trong những tiêu chí quan trọng, góp phần đưa Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.
Được biết, để giải bài toán nước sạch tập trung cho người dân một cách bền vững, thời gian qua, song song với bố trí nguồn lực từ ngân sách, Hà Tĩnh đã ban hành danh mục dự án xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa các công trình cấp nước sạch tập trung đối với 8 dự án lĩnh vực cung cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn; 3 dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.
Trước mắt, các vùng không quy hoạch công trình cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án triển khai, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. Trong giai đoạn 2022-2023 đã hỗ trợ 2,36 tỷ đồng lắp đặt hơn 1.180 thiết bị xử lý nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt khoảng 70%, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thực chất, bền vững.
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025, đối với xã NTM nâng cao, yêu cầu tỷ lệ người dân nông thôn (khu vực Bắc Trung Bộ) được dùng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình nước sạch tập trung là > 55%; huyện NTM nâng cao phải có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trên 28%; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM phải có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao.
NHÓM P.V
(CÒN NỮA)