Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, các địa phương gấp rút phòng trừ

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ lây lan giai đoạn cuối năm rất cao nên các địa phương đang tập trung khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Ngày 1/11/2024, đàn lợn của gia đình anh Phan Văn Hân (trú thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) bỗng sốt cao, nôn và tiêu chảy. Sau 2 ngày phát bệnh, 12 con lợn của gia đình bị chết, kết quả xét nghiệm cho dương tính với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Chính quyền địa phương nhanh chóng thành lập đoàn tiêu hủy và triển khai các phương án phòng chống DLTCP trên toàn xã.

bqbht_br_z6020626795417-173b12dad3df7dd83ff8d9dea0a544d9.jpg
Xã Cẩm Quan tiêu hủy số lợn nhiễm DTLCP bị chết theo quy định.

Anh Phan Văn Hân chia sẻ: “Đến thời điểm này, đàn lợn thịt của gia đình đã chết 14/18 con với tổng trọng lượng 532 kg. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình đã tiêu hủy lợn chết, tiến hành rắc 2,5 tạ vôi và phun hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại. Với số lợn còn lại, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao để có biện pháp phòng chống kịp thời”.

Từ ổ dịch của gia đình anh Hân, đến nay, xã Cẩm Quan có 6 hộ chăn nuôi bị DTLCP với tổng đàn nhiễm bệnh 19 con. Chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo hộ chăn nuôi giám sát chặt chẽ tình hình sức khoẻ đàn vật nuôi để phát hiện các dấu hiệu bất thường, báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý, tuyệt đối không giấu dịch để tránh thiệt hại nặng nề.

Được biết, hiện các xã Cẩm Thạch, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cũng ghi nhận DTLCP chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và huyện Cẩm Xuyên đã tiêu hủy 52 con lợn với trọng lượng 2.324kg.

bqbht_br_z6020595033555-0b0ebaa7026dfbf81d655e53d6ae2d4a.jpg
Các trang trại trên địa bàn chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Điều kiện chuồng trại quy mô nông hộ không đảm bảo, công tác vệ sinh thú y tại các hộ chưa được chú trọng, vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin DTLCP... là những nguyên nhân gây bệnh. Ở những địa bàn có dịch, chúng tôi đã chỉ đạo triển khai đầy đủ các biện pháp tiêu độc khử trùng; đặt biển báo cảnh báo dịch; giám sát việc phòng chống dịch tại hộ có lợn bị bệnh, theo dõi diễn biến, tình hình dịch tại địa phương, báo cáo kịp thời theo quy định. Hiện đang là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi kém, dễ mắc bệnh. Mặt khác, người dân đang có nhu cầu tái đàn lớn, có thể mang mầm bệnh từ nơi khác về trên địa bàn nên địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống DTLCP”.

Tại huyện Lộc Hà, DTLCP cũng xuất hiện tại các xã Ích Hậu, Thịnh Lộc và Tân Lộc từ ngày 20/10/2024 lại nay.

bqbht_br_z6020571732007-b96516e3843411571ebfdb4ad4ec1260.jpg
Các địa phương ở Lộc Hà đã tiêu độc khử trùng các khu vực, ngăn chặn DTLCP lây lan diện rộng.

Ông Phan Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà cho hay: DTLCP đã xảy ra ở 3 xã, làm chết và tiêu hủy theo quy định 36 con lợn với tổng trọng lượng 2.680kg. Khi có kết luận vật nuôi nhiễm bệnh từ Chi cục Thú y vùng III, chính quyền và ngành chuyên môn huyện “kích hoạt” các biện pháp phòng trừ. Theo đó, đã lập các chốt cảnh báo vùng có dịch; xã có dịch đã được cấp 198 lít hóa chất, 2.500kg vôi bột, thực hiện tiêu độc, khử trùng tại hộ có dịch và các khu vực liên quan.

Chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đề nghị hộ chăn nuôi tăng cường giám sát dịch bệnh; hướng dẫn hộ chăn nuôi chăm sóc vật nuôi bị bệnh, chữa trị theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; tiếp tục tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi ký cam kết, thực hiện nghiêm “5 không” (không dấu dịch; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; không giết thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc chết ra môi trường xung quanh, gia súc bị chết phải tiêu hủy theo quy định).

Ngoài ra, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, mua bán, vận chuyển giết mổ trên địa bàn; khẩn trương hoàn thành rà soát tổng đàn, thực hiện kê khai chăn nuôi theo quy định; tiêm vắc xin bao vây, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng…

Đến nay, các huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà có DTLCP chưa qua 21 ngày, các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ngành chuyên môn, qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh còn một số vấn đề tồn tại như: quá trình nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát, báo cáo dịch bệnh của một số địa phương chưa đảm bảo quy định; thực hiện tiêu độc, khử trùng còn hạn chế về tần suất, chất lượng; người chăn nuôi còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, khi phát hiện lợn ốm không báo chính quyền địa phương mà tự mua thuốc điều trị.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm các cơ sở chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp tết. Theo đó, các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn gia tăng, cùng với diễn biến thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan thời gian tới rất cao.

bqbht_br_z6020567148253-c4072350a87f5275f4e58757a730ef8a.jpg
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, số hết thời gian miễn dịch và số mới phát sinh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh), tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện đạt trên 413.000 con. Để kịp thời khống chế các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đề nghị các địa phương có ổ dịch phát sinh tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm xử lý dứt điểm; hướng dẫn thực hiện đúng quy trình tiêu huỷ lợn mắc bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Cùng đó, tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, số hết thời gian miễn dịch và số mới phát sinh; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở nhằm kiểm tra, rà soát tình hình, nắm chắc diễn biến dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi đảm bảo yêu cầu và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.