Đoàn thể

Anh Cover PC Bai 3.jpg
Title Page.jpg

Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ trì và phối hợp giám sát việc thực hiện, đồng thời tham gia góp ý, phản biện văn bản dự thảo của các cấp, ngành, MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị với 3 chân kiềng vững chắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Unit Đỏ.png
Title Page 1.jpg

Hơn 8 tháng chuyển về sống trong căn nhà mới khang trang tại khu tái định cư (TĐC) dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam ở thôn Đông Vĩnh, xã Kim Song Trường (Can Lộc), gia đình ông Võ Thế Phương cũng như 21 hộ dân nơi đây đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về điều kiện sống, nếp sinh hoạt hằng ngày. “Đến nơi ở mới, đất đai không rộng bằng nơi ở cũ nhưng đường sá, hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước được đầu tư đồng bộ. Chúng tôi hiểu việc chấp hành chủ trương di dời TĐC là đúng đắn” - ông Phương chia sẻ.

3c.jpg
Nhờ vai trò tuyên truyền, vận động của cán bộ mặt trận và đoàn thể, người dân xã Kim Song Trường đã đồng thuận giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, ổn định cuộc sống ở khu tái định cư.

Có được sự đồng thuận như gia đình ông Phương và những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn xã, chính là công sức, thành quả từ quá trình “gần dân, sát dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói, tuyên truyền giải thích cho dân hiểu” của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó có vai trò quan trọng của hệ thống MTTQ ở cơ sở.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua 9 xã, thị trấn của huyện Can Lộc với tổng chiều dài 19,4 km, trong đó, xã Kim Song Trường là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dự án đi qua địa bàn có tổng chiều dài 6,34 km với 118 hộ bị ảnh hưởng đất ở (71 hộ thuộc diện TĐC). Tháng 9/2023, khi dự án đi vào giai đoạn cao điểm đẩy nhanh tiến độ giải phóng và bàn giao mặt bằng, phần lớn Nhân dân các địa phương đã đồng thuận thì Kim Song Trường vẫn còn 17 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

adji-0002-3531.jpg
Đến nay, với sự đồng thuận của người dân, dự án cao tốc Bắc - Nam đang đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đang triển khai thi công thuận lợi. Ảnh: Văn Đức.
Front.jpg

“Bằng nhiều hình thức như tổ chức họp, đối thoại, đến tận nhà dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kiên trì tuyên truyền, vận động, lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt ở thôn, phần lớn các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đã đồng tình. Vừa GPMB xây dựng cao tốc, vừa xây dựng khu TĐC cho người dân, Kim Song Trường lúc đó như một đại công trường. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ, đoàn viên, hội viên, các gia đình nhanh chóng tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản. Công trường khu TĐC chưa có điện, nước, người dân tự kéo điện, tìm nguồn nước xây nhà để sớm ổn định cuộc sống. Trên tinh thần đồng thuận, đồng hành, người dân đã cùng cấp ủy, chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn. Rõ ràng, một khi lòng dân đã thuận thì mọi việc đều êm xuôi” - bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Song Trường chia sẻ.

Bên cạnh vai trò tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, MTTQ còn là nhân tố quan trọng kết nối, tạo diễn đàn để cấp ủy, chính quyền đối thoại với Nhân dân, kịp thời tiếp thu, giải đáp những vấn đề nóng, dư luận quan tâm. Tại thị xã Kỳ Anh - địa bàn trọng điểm thu hút các dự án đầu tư lớn của tỉnh, việc chủ động xuống tận cơ sở để lắng nghe dân nói, tiếp thu ý kiến của dân là cách mà đội ngũ cán bộ MTTQ ở đây thực hiện chức năng giám sát, đối thoại, góp phần bảo vệ quyền dân chủ của Nhân dân.

111.jpg
Cán bộ mặt trận TX Kỳ Anh thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để tham mưu, phối hợp triển khai tốt hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền và người dân.

Ông Nguyễn Văn Hảo - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Kỳ Anh cho biết: “Sau những chuyến về cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân cùng những vấn đề phát sinh, mặt trận có cơ sở để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền những nội dung trọng tâm, thẳng thắn đối thoại với Nhân dân, kịp thời làm rõ nhằm tháo gỡ vướng mắc, băn khoăn trong quá trình triển khai chính sách”.

Front (1).jpg

Từ vai trò kết nối của MTTQ các cấp, năm 2018-2023, thị xã Kỳ Anh tổ chức 51 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; tổ chức 345 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp hàng trăm ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Quốc hội và HĐND các cấp; tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý 292 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân… Nhờ đó, góp phần giúp thị xã giải quyết 81/86 vụ việc tồn đọng, tạo được sự đồng thuận, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án lớn, phát triển KT-XH, ổn định ANTT trên địa bàn. Ông Võ Cảnh Phúc (người dân thôn 1 Hải Phong, xã Kỳ Lợi) bày tỏ: “Thông qua những cuộc đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp, chúng tôi có diễn đàn thực sự để thẳng thắn bày tỏ quan điểm và được giải đáp thỏa đáng những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của mình”.

5.jpg
5a.jpg
Đối thoại với cán bộ hội, hội viên Hội CCB trên địa bàn TX Kỳ Anh.

Không chỉ kết nối các diễn đàn đối thoại, MTTQ còn giúp người dân thực hiện quyền dân chủ thông qua hoạt động giám sát xã hội, đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM, đô thị văn minh. Câu chuyện về giám sát tuyến đường liên huyện ĐH.104 nối huyện Lộc Hà - Thạch Hà đoạn qua xã Thạch Sơn là một ví dụ. Tuyến đường dài 2,3 km trải thảm nhựa, kinh phí 120 tỷ đồng là một trong nhiều công trình được thu hút đầu tư trên địa bàn xã từ năm 2020 đến nay. Quá trình xây dựng công trình này, đơn vị thi công chưa thực hiện đúng các quy định trong công đoạn bóc phong hóa, tập kết vật liệu xây dựng. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Thạch Sơn đã tích cực, sâu sát trong giám sát và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục để đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Lan Mến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Sơn cho biết: “Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của xã được thành lập với sự tham gia của MTTQ và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân, đại diện liên đoàn cán bộ thôn có công trình triển khai trên địa bàn. Ban có nhiệm vụ giám sát quá trình thi công các công trình xây dựng; báo cáo thường trực MTTQ xã khi phát hiện sai phạm để tiến hành kiểm tra, xác minh và đề nghị khắc phục; dừng thi công nếu sai phạm nghiêm trọng. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân cùng giám sát, tích cực cung cấp những hình ảnh sai phạm hoặc chưa hợp lý để kịp thời điều chỉnh”.

4b.jpg
4-(6).jpg
4a-(2).jpg
Với sự sâu sát, trách nhiệm, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Thạch Sơn đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thi công các công trình lớn trên địa bàn.
Trich 4.jpg

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát, trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong toàn tỉnh đã chủ trì giám sát 1.719 chuyên đề, phối hợp giám sát 4.764 chuyên đề; 216 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 3.651 thành viên đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị khắc phục xử lý kịp thời. Toàn tỉnh tổ chức 3.536 hội nghị đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp nhận 53.040 ý kiến của Nhân dân. Trên 90% các ý kiến đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trả lời trực tiếp tại hội nghị, các ý kiến còn lại giao trực tiếp cho các ngành chức năng xem xét, trả lời, giải quyết kịp thời cho Nhân dân theo quy định của pháp luật.

Title Page 2.jpg

Tháng 5/2022, UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết “Quy định mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là nghị quyết) trình tại Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh khóa XVIII xem xét, thông qua. Việc ban hành nghị quyết là yêu cầu đặt ra theo tinh thần Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.

Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.

Tuy nhiên, qua công tác nắm bắt dư luận xã hội của MTTQ tỉnh thì việc lấy ý kiến của Nhân dân để xây dựng dự thảo nghị quyết chưa được tiến hành bài bản, rộng rãi, chưa gắn với thực tiễn địa phương; chưa đánh giá đầy đủ tác động của nghị quyết đối với đời sống của người dân, nhất là người dân vùng khó khăn. Hơn nữa, mức thu học phí dự kiến tăng khá cao so với năm học 2021-2022, trong khi thu nhập của người dân chưa tăng tương xứng, đặc biệt sau bão lũ và dịch bệnh COVID-19, nếu nghị quyết được ban hành, thực sự là khó khăn không nhỏ đối với người dân.

Nhận thấy những bất cập đó, MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham gia của chuyên gia với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm. Trên cơ sở đó, MTTQ tỉnh đã kiến nghị tạm dừng việc ban hành nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh khóa XVIII, chờ Chính phủ, Bộ GD&ĐT có chủ trương mới. Là một trong những cá nhân trực tiếp phản biện dự thảo nghị quyết này, ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn KT-XH Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Trước đề xuất, kiến nghị hợp lý đó, HĐND tỉnh đã tiếp thu và dừng việc ban hành nghị quyết. Một thời gian sau, Chính phủ cũng ban hành chủ trương tạm dừng việc tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP”.

7.jpg
Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quyết định mức thu học phí đối với đơn vị giáo dục công lập.

Quá trình thực hiện vai trò phản biện, MTTQ các cấp đặc biệt quan tâm đến những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ người dân thuộc các đối tượng yếu thế. Đơn cử như việc thực hiện Nghị định 93/2021/NĐ-CP “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ “về vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Với nhiều điểm mới, Nghị định 93/2021/NĐ-CP khắc phục được nhiều hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, song vẫn còn những vấn đề chưa phù hợp thực tế của một số địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vận động. MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp; tham mưu, đề xuất và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về phương án sử dụng nguồn quỹ cứu trợ để kịp thời hỗ trợ người dân. Ngày 14/4/2023, BTV Tỉnh ủy đã có thông báo Kết luận số 787-TB/TU thống nhất chủ trương, phương án sử dụng nguồn quỹ cứu trợ cấp tỉnh để xây dựng 757 nhà ở kiên cố cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng thường xuyên bị thiên tai, mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà. Với sự mạnh dạn, bám sát thực tiễn trong quá trình khảo sát, đề xuất của MTTQ tỉnh; sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, chủ trương đúng đắn, kịp thời đã được ban hành, triển khai, mang đến cơ hội an cư cho hàng trăm hộ gia đình.

6-(5).jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long trao đổi với phóng viên.

Vai trò phản biện xã hội cũng được MTTQ cấp huyện, cấp xã tích cực phát huy thông qua việc lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, đề xuất điều chỉnh chủ trương, chính sách, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã xây dựng chương trình phối hợp toàn khóa với UBND, HĐND huyện, đồng thời cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng năm, trong đó, xác định các nội dung trọng tâm và gắn trách nhiệm của các bên để tổ chức thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức hàng chục hội nghị chuyên đề lấy ý kiến góp ý của Nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi, các dự thảo nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện; tham mưu nội dung để Thường trực Huyện ủy làm việc với MTTQ và các đoàn thể theo quy định về quy chế dân vận của hệ thống chính trị, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, hiệu quả”.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá: “Thực hiện dân chủ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp. Thông qua những hoạt động này, MTTQ đã kịp thời đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Bằng nhiều cách triển khai sáng tạo, phù hợp, linh hoạt, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, dân chủ, đoàn kết trong xã hội. Đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển quê hương”.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CT-XH

THIẾT KẾ: THẢO LINH

(Còn nữa)

Chủ đề ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP

Đọc thêm

“Thủ lĩnh” đoàn góp sức trẻ tô điểm quê hương

“Thủ lĩnh” đoàn góp sức trẻ tô điểm quê hương

Bằng sự gương mẫu, tâm huyết của bản thân, anh Nguyễn Tiến Hoàng - Bí thư Đoàn xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã tập hợp được lực lượng thanh niên ra sức xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế.
Nữ thủ lĩnh đoàn năng động, giàu sáng kiến

Nữ thủ lĩnh đoàn năng động, giàu sáng kiến

Trần Thị Duyên - Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là 1 trong 85 cán bộ hội được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.
Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã truyền thụ tinh thần tự học, sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng đến với toàn Đảng, toàn dân và trực tiếp đến những người học trò của mình, trong đó có đồng chí Lý Tự Trọng.