Khẩu trang đã qua sử dụng tiếp tục được tìm thấy trên một bãi biển ở Hong Kong. (Ảnh: AFP)
Theo cảnh báo của các nhà bảo vệ môi trường, khẩu trang thải bỏ hiện đang làm gia tăng lượng rác thải nhựa vốn đã nằm ở mức đáng báo động ở vùng biển ở Hong Kong.
“Khẩu trang sử dụng một lần là một gánh nặng khác mà chúng ta đang để lại cho các thế hệ tương lai ngay trên các bãi biển”, ông Gary Stokes, người sáng lập nhóm môi trường OceansAsia, nói với hãng thông tấn Pháp AFP.
Ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhóm môi trường Oceans Asia đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài một năm về các mảnh vụn và hạt vi nhựa được tìm thấy tại một trong những hòn đảo xa xôi không có người sinh sống của Hong Kong.
Năm loại rác thải phổ biến nhất được Oceans Asia tìm thấy trên đảo hoang này là những chiếc chai, hộp xốp, bật lửa, dao kéo dùng một lần và ống hút. Giờ đây, trên bờ biển còn có thêm sự góp mặt của những chiếc khẩu trang trôi nổi, bị sóng đánh dạt vào.
Một lượng lớn khẩu trang y tế được tìm thấy ở đảo Soko hồi tháng 3. (Ảnh: Reuters)
Trong một chuyến thăm tới đảo Soko không có người ở và khá biệt lập ở phía Nam sân bay quốc tế Hong Kong hồi tháng 3 vừa qua, ông Stokes cho biết đã phát hiện 70 chiếc khẩu trang bị vứt bỏ trên 100 m đường bờ biển và khi ông trở lại đây một tuần sau đó, đã có thêm 30 chiếc. Các bãi biển khác quanh thành phố cũng trong tình trạng tương tự.
“Kể từ khi toàn xã hội bắt đầu đeo khẩu trang, hậu quả của nó hiện đang được nhìn thấy ngay trên các bãi biển”, ông Stokes nói.
Khẩu trang đã qua sử dụng không được vứt đúng cách đang đặt ra vấn đề về môi trường, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan của các mầm bệnh. (Ảnh: AFP)
7,5 triệu cư dân Hong Kong sản xuất khoảng 6 triệu tấn chất thải mỗi năm, chỉ khoảng 30% trong số đó được tái chế. Ngay cả trước khi dịch Covis-19 xuất hiện, người dân Hong Kong thường đeo khẩu trang trên đường đi làm hàng ngày, đặc biệt là trong những đợt cao điểm cảm cúm vào mùa đông. Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 lại càng khiến cho những chiếc khẩu trang trở nên phổ biến ở đặc khu kinh tế này. Hiện, Hong Kong đã ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm Covid-19 và 4 ca tử vong.
Hong Kong nhiều năm nay đã phải vất vả đối mặt với tình trạng rác thải nhựa. Các nhóm bảo vệ môi trường đã tổ chức các chiến dịch làm sạch bãi biển để xử lý rác. (Ảnh: AFP)
Nhiều công ty ở Hong Kong đã hướng đến việc sản xuất khẩu trang tái sử dụng. Trong khi, giới chức đặc khu này cũng này cũng đưa ra sáng kiến cung cấp khẩu trang vải có thể được giặt để sử dụng lại đến tay người dân. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả các sản phẩm này, khẩu trang dùng một lần vẫn là lựa chọn phổ biến nhất.
“Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh một chú cá heo chết dạt vào bờ với một cái dạ dày đầy khẩu trang. Rõ ràng, loại rác thải này sẽ xâm nhập vào môi trường biển và nhiều loại động vật sẽ bị nhầm lẫn với thức ăn”, ông Stokes nói.