Tại phiên xử sơ thẩm hình sự diễn ra vào ngày 16/4 vừa qua, Nguyễn Văn Hậu (SN 1990, trú thôn Ngọc Sơn, xã Chu Điện, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thành khẩn khai báo từng hành vi phạm tội của mình và tha thiết mong nhận được sự khoan hồng từ hội đồng xét xử (HĐXX).
Được trình bày trước tòa, Hậu cho biết, bị cáo từng có thời gian lao động tại Đài Loan và quen biết nhiều “mối” trong việc tìm kiếm việc làm bất hợp pháp tại đó. Chính vì vậy, vào khoảng đầu năm 2020, Hậu liên hệ với một người đàn ông ở Đài Loan tên Vương (Hậu quen biết khi đang lao động tại đây vào năm 2019, không rõ nhân thân, lai lịch) đặt vấn đề nhờ người này đưa mình sang Đài Loan lao động trái phép.
Vương đồng ý và thống nhất với Hậu chi phí đi Đài Loan khoảng 7.000 USD, hình thức đi từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi lên thuyền vượt biển sang Đài Loan. Đồng thời, Vương trao đổi và hứa nếu Hậu tìm được nhiều người đi thì sẽ sắp xếp cho Hậu sang mà không mất phí.
Nhận thấy khoản hời béo bở nên trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7/2020, Hậu đã 2 lần có hành vi tổ chức cho 15 công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Đài Loan.
Tuy nhiên, sau khi sang đến Đài Loan, 15 công dân trên đã bị chính quyền Đài Loan phát hiện và trục xuất về Việt Nam. Còn Hậu, sau đó đã bị Công an Trung Quốc bắt giữ và bị Tòa án quận Hàm Giang (TP Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) đưa ra xét xử vào ngày 23/4/2021, tuyên phạt 2 năm 2 tháng tù giam về hành vi “Tổ chức cho người khác vượt biên qua Đài Loan trái phép”.
Đến ngày 4/7/2023, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), sau khi tiếp nhận Nguyễn Văn Hậu do phía Trung Quốc trao trả (đã chấp hành xong hình phạt tù), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật (do trước đó, anh Phan Văn H., SN 1997, ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, là một trong những người mà Hậu tổ chức trốn sang Đài Loan có đơn tố cáo).
Được HĐXX cho nói lời sau cùng, Hậu giãi bày: “Số tiền 7.000 USD mà bị cáo phải bỏ ra để sang Đài Loan làm việc là quá lớn so với điều kiện gia đình nên khi nghe lời mời gọi của người đàn ông tên Vương, bị cáo đã nhắm mắt làm liều. Bị cáo biết hành vi đưa người khác trốn đi nước ngoài làm việc là phạm pháp. Giờ đây, bị cáo đã nhận ra sai lầm của mình, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Mặt khác, bị cáo cũng đã bị kết án ở Trung Quốc. Khoảng thời gian đó, bị cáo đã thực sự ăn năn, sám hối về sai lầm của bản thân”.
Dù đã cố gắng biện bạch về hành vi phạm pháp của mình nhưng những lời nói của Hậu chẳng thể nào giúp bị cáo “rửa tội”. Căn cứ vào các tình tiết vụ án, HĐXX nhận định, bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố gắng thực hiện vì để đạt được mục đích đi sang Đài Loan mà không mất chi phí. Đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh và quản lý người lao động ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực biên giới. Do đó, cần có mức hình phạt tương xứng nhằm giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Sau khi soi xét kỹ các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu 8 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Xuất phát từ mục đích đi lao động “chui” của bản thân, bị cáo đã khiến 15 người khác vừa mất tiền, vừa vướng vào con đường vi phạm. Bản án trên là bài học đắt giá cho những ai đang có ý định tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những lao động nhẹ dạ cả tin, vội nghe theo những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” theo con đường bất hợp pháp.