Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hải Ninh, tỉnh Triết Giang - Trung Quốc. Chữ “Dung” trong tên ông có nghĩa là quả chuông lớn. Ông tách chữ này ra thành 2 chữ “Kim” và “Dung”, có nghĩa là thanh thép bình thường. “Thanh thép bình thường” ấy đã làm được một chuyện phi thường: Viết 12 bộ truyện và 5 đoản thiên - khoảng trên 20 triệu chữ tân văn Trung Quốc.
Kiến thức thâm hậu
Kim Dung tốt nghiệp cử nhân luật tại Đông Ngô pháp Học viện nhưng không làm luật sư mà ra làm quản thủ thư viện tại Triết Giang. Lúc bấy giờ, Triết Giang thuộc nhà nước của thống chế Tưởng Giới Thạch - chế độ Trung Hoa Dân quốc.
Họ Tra của Kim Dung là một họ danh gia vọng tộc ở Triết Giang. Chính viễn tổ của ông là Tra Kế Tá (Tra Thận Hành) từng tham gia nhóm trí thức Nho học ở Giang Nam viết bộ Minh sử (Minh thư tập lược) thời Khang Hy triều Thanh. Cố mệnh đại thần Ngao Bái đã ra lệnh bắt giết tất cả nhà nho này.
Tra Kế Tá may mắn được đề đốc tỉnh Quảng Đông mang ơn, viết một tờ bẩm lên Ngao Bái, trình rằng Tra Kế Tá chỉ có cái tên chứ thực sự không viết một chữ nào trong Minh thư tập lược. Tra Kế Tá được miễn tội, về Hải Ninh sinh sống. Chuyện này được ông nhắc đến trong Lộc đỉnh ký.
Ông nội của Kim Dung tên là Tra Văn Thanh, học giỏi, thi đậu tiến sĩ năm Mậu Tuất (1898) dưới đời vua Quang Tự, được bổ làm tri huyện Đơn Dương, nổi tiếng là người nhân đức. Trong quyển Hai ngàn năm lịch sử Trung Hoa, Đặng Chí Thành từng đề cập chuyện có 2 người đốt giáo đường, triều đình ra lệnh cho Tra Văn Thanh truy nã bắt chém để thị chúng. Tra Văn Thanh đã không truy nã 2 người ấy, cáo quan về nhà lấy đèn sách làm vui. Ông biên soạn bộ Hải Ninh sát thị sao thi gồm mấy trăm bài thơ.
Kim Dung rất thông minh, có một trí nhớ khá tuyệt vời. Lên 6 tuổi, ông được một người làm trong nhà tên là Hòa Sinh cõng đi học. Hòa Sinh là nạn nhân của một vụ án oan bị giam trong ngục, được ông nội của Kim Dung thẩm tra lại. Khi cáo quan, Tra Văn Thanh lẳng lặng cho mang Hòa Sinh theo, về giúp việc trong nhà, đối xử rất tôn trọng. Lúc sắp chết, Hòa Sinh kể câu chuyện oan ức của mình cho Kim Dung nghe. Năm 1963, Kim Dung mượn câu chuyện ấy của Hòa Sinh xây dựng nên vụ án oan của Địch Vân trong tác phẩm Liên thành quyết.
Năm 1948, chiến tranh diễn ra quyết liệt. Kim Dung bỏ Triết Giang về Quảng Đông rồi vượt biển sang Hồng Kông. Ông chỉ còn khoảng 80 đô la Hồng Kông trong túi. Một mình trên đất nhượng địa, ông đã viết báo để kiếm sống. Tờ ông tham gia đầu tiên là Minh báo. Bút danh Kim Dung có từ năm ông 24 tuổi.
Nhờ đọc hết sách vở của cha, ông nội và làm quản thủ thư viện mấy năm nên kiến thức về lịch sử, địa lý, văn học, triết học của Kim Dung thâm hậu. Đem tất cả điều học được biến thành sở dụng cho mình, ông viết đủ thứ trên đời, từ phiếm luận, tạp văn đến truyện ngắn, bình luận. 30 tuổi, ông trở thành bỉnh bút của Minh báo.
15 tác phẩm để đời
Nhận thấy báo ra bình thường thì không có gì hấp dẫn được bạn đọc lâu dài, Kim Dung nghĩ đến cách phải có một thứ truyện nhiều kỳ (feuilleton) mới. Ông đọc lại những tiểu thuyết lịch sử cũ và truyện thuộc loại “võ hiệp kỳ tình” Trung Hoa, nghiên cứu một hướng viết mới cho mình.
Kim Dung gọi cách viết của mình là võ hiệp tiểu thuyết, trong đó phần võ công để đánh trả, chế phục người khác không quan trọng bằng phần hiệp - hành động cứu giúp kẻ yếu đuối, chống lại bạo lực cường quyền.
Ông bắt đầu bằng đoản thiên Bạch mã khiếu tây phong (Ngựa hồ reo gió tây). Quả nhiên, nhờ đoản thiên này, ấn bản tờ Minh báo tăng lên khá nhanh. Chủ bút đặt hàng ông viết liên tục, mỗi kỳ ra 2.000 chữ, đi chân 2 trang en regard (đối mặt nhau) giữa tờ báo.
Minh báo được bán ra nhiều nước châu Á có cộng đồng người Hoa sinh sống. Chính các nhà văn giỏi chữ Hán ở Sài Gòn trước năm 1975 đã đặt mua tờ Minh báo và dịch feuilleton của Kim Dung ra bán cho nhiều nhật báo. Thời ấy, chưa ai nói đến chuyện bảo vệ quyền tác giả nên các nhật báo ở Sài Gòn, các nhà xuất bản (NXB) in truyện nhiều kỳ hay sách của Kim Dung mà không trả đồng nào.
Hơn các nhà báo, nhà văn khác, Kim Dung là người có ý tưởng có thể làm giàu được nhờ nghề làm báo. Ông dành dụm tiền rồi hùn với bạn bè cho ra đời tờ Nam Dương Thương báo, bán qua khối Nam Á, chủ yếu là Indonesia. Có được 2 “đầu ra” vững chắc đó, Kim Dung viết rất bền bỉ. “Có ngày tôi viết đến 4.000 chữ cho cả 2 tác phẩm khác nhau và viết liên tục như vậy trong nhiều năm” - ông tiết lộ.
Xong một feuilleton, Kim Dung biên tập lại và giao cho NXB ở Hồng Kông và Đài Loan in thành sách. Những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thông thường dài khoảng 1,5 triệu chữ tân văn, dịch ra Việt ngữ khoảng 1,7-1,8 triệu chữ. Do viết nhiều và viết feuilleton rất gấp nên cốt truyện của Kim Dung có những sai sót, sơ hở khá buồn cười. Khi in thành sách, ông phải chỉnh đi chỉnh lại, như bộ Tiếu ngạo giang hồ phải sửa đến 18 lần mới được xem là hoàn chỉnh. Ông có riêng một NXB là Minh Hà xã.
12 bộ tiểu thuyết của Kim Dung gồm: Phi hồ ngoại truyện, Tuyết sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên Long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Lộc đỉnh ký, Ỷ thiên đồ long ký, Thư kiếm ân cừu lục, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Bích huyết kiếm và Thần điêu hiệp lữ. Ba đoản thiên của ông là: Bạch mã khiếu tây phong, Uyên ương đao và Việt nữ kiếm. Để cho dễ nhớ, có người làm 2 câu “thơ”: Phi, Tuyết, Liên, Thiên, Xạ, Bạch, Lộc/ Tiếu, Thư, Thần, Hiệp, Ỷ, Bích, Uyên và cộng với Việt nữ kiếm là đủ 15 tác phẩm.
Ngôn ngữ thông tục - văn chương cung đình Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung được nhà cầm quyền Trung Quốc cho in lại năm 1995. Cũng năm này, Đại học Bắc Kinh mời ông về trao hàm giáo sư danh dự và nói chuyện trước sinh viên. Giáo sư - hiệu trưởng Nghiêm Gia Viêm ca ngợi Kim Dung: “Ông là nhà văn có công nâng ngôn ngữ thông tục lên thành văn chương cung đình”. Năm 1997, Kim Dung về quê nhà, định cư ở Triết Giang, mở thư viện, thỉnh thoảng qua Hồng Kông thăm con cái. |
VŨ ĐỨC SAO BIỂN/NLĐ