Bảo đảm tài sản công sử dụng đúng mục đích, vì lợi ích quốc gia

(Baohatinh.vn) - Thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý một số nội dung cụ thể và thiết thực.

bao dam tai san cong su dung dung muc dich vi loi ich quoc gia

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu góp ý

Theo đại biểu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) được xây dựng công phu, khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, đảm bảo quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu đồng ý với các quan điểm chung tại báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là: Luật cần quy định bao quát, thống nhất, cụ thể, đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm bảo đảm tài sản công sử dụng đúng mục đích, thiết thực vì lợi ích quốc gia.

Tuy vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng có một số góp ý cụ thể:

-Điều 4: Phân loại tài sản công. Tại các khoản 2, 3, 5 quy định các tài sản công gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý như các tài sản tịch thu, tài sản vô chủ, tài sản được chuyển giao,… hay là một số tài nguyên được liệt kê. Tuy nhiên, tại điều này chưa đề cập đến loại tài sản phổ biến nhất và bao quát nhất đó là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Mặt khác tại khoản 1, điều này cũng chỉ mới đề cập một cách không rõ là: "Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang,…” mà không nói đó là những tài sản gì? Vì vậy, đại biểu đề xuất ở khoản 1, điều 4 cần xác định rõ trong điểm 1 là: “Tài sản công bao gồm những tài sản hữu hình và vô hình phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang,…”. Khoản 4 điều này đang quy định: “Tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp” là rất chung chung, không rõ ý. Vì vậy, đề xuất sửa như sau: “Tài sản công phục vụ mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp có thu”. Bởi tài sản công phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh chủ yếu phát sinh tại hai loại hình đơn vị này.

-Điều 28: Hình thành tài sản công tại các cơ quan nhà nước. Khoản 1 được quy định: Nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm: a, Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật; b, Nhà nước giao ngân sách hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí khác để đầu tư, xây dựng, mua sắm hoặc đi thuê tài sản. Nguồn kinh phí khác cũng được quy định trong Quyết định số 19, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp là các nguồn vốn góp của hội viên, tài trợ, biếu tặng,… Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nếu nguồn kinh phí khác được tài trợ bởi các tổ chức trong và ngoài nước thì các cơ quan nhà nước có được nhận ồ ạt không? Trong khi đó, chúng ta vừa góp ý xong Dự thảo Luật về hội thì việc góp vốn từ các tổ chức nước ngoài lại thuộc điều cấm vì lý do an ninh? Vậy các hội không được nhận tài trợ của các tổ chức nước ngoài nhưng các cơ quan nhà nước nếu theo quy định như dự thảo Luật lại được nhận tất cả.

Trong thực tế thì các cơ quan nhà nước theo Luật vẫn được phép nhận các tài sản được biếu, tặng của các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, để tương thích với các Luật khác, mà cụ thể ở đây là Luật về hội, ban soạn thảo cần quy định rõ nguồn kinh phí khác để đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước là những tài sản nào và cũng như ý kiến các đại biểu góp ý trong Dự thảo Luật về Hội, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này (cụ thể là các loại hình tổ chức, cá nhân tài trợ, biếu tặng tài sản công).

-Điều 43, 44 quy định về bán, thanh lý TSCĐ. Trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (QĐ số 19/2006) thì bán và thanh lý tài sản cố định (TSCĐ) được thực hiện theo quy trình kế toán giống nhau. Theo đó, đầu tiên kế toán sẽ ghi giảm bút toán về TSCĐ, xác định giá trị còn lại của TSCĐ bán, thanh lý sau khi đã lấy nguyên giá TSCĐ trừ hao mòn lũy kế. Trong đó giá trị còn lại của TSCĐ chỉ có tác dụng trong việc thực hiện quy trình hoàn thành khép kín của TSCĐ, không liên quan gì đến các khoản thu từ bán và thanh lý TSCĐ. Vì vậy, theo đại biểu, để TSCĐ bán không bị thất thoát về mặt giá trị, trong Luật cần quy định rõ giá khởi điểm phải tương đương với giá trị còn lại của TSCĐ. Bởi trong thực tế, có nhiều đơn vị lợi dụng việc thanh lý và bán TSCĐ, cho dù giá trị sử dụng của TSCĐ vẫn còn cao, nhưng xác định giá bán, giá thanh lý thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của TSCĐ (ví dụ: bán xe ô tô,…).

-Điều 49: Đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp. Khoản 1 quy định: “Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp được áp dụng trong trường hợp chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức, chức năng, nhiệm vụ được giao…”.

Trong thực tế, có những đơn vị khi lập hồ sơ xây dựng trụ sở làm việc hoàn toàn hợp lệ, đúng mục tiêu đề ra, việc xây dựng này cũng đã được ghi vốn. Tuy nhiên, do có độ trễ về việc cấp vốn, khi vốn được cấp thì các đơn vị đó đã được quy hoạch mới, ví dụ như chuyển vị trí hoặc trụ sở đó sẽ không được sử dụng hoặc nếu trụ sở hoàn thành, xây dựng xong thì việc sử dụng cũng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, nhưng việc xây dựng vẫn được triển khai và kèm theo mỗi trụ sở được xây dựng thì kèm theo hàng loạt tài sản, trang thiết bị được mua sắm, và kết cục là trụ sở chỉ được sử dụng trong thời gian rất ngắn và bị “đắp chiếu”, gây ra lãng phí và tốn kém nhiều cho NSNN.

Vì vậy, điều 49 này cần bổ sung thêm một khoản, và khoản này được đặt đầu tiên của điều 49 (gọi là khoản 1). “Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp phải có mục đích rõ ràng, mang lại lợi ích về kinh tế, có tính đến quy hoạch trung và dài hạn của đơn vị”. Việc quy định như thế này cũng phù hợp với quy định về tiêu chuẩn của TSCĐ: “TSCĐ là những tài sản có thời gian sử dụng không dưới 1 năm, có giá trị lớn và mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai”. Vì thực chất công trình xây dựng khi hoàn thành là TSCĐ.

-Điều 61: Khấu hao TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập. Khoản 1: Các tài sản sau đây tại đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao TSCĐ theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước”. Thực tế, trong công tác kế toán, các tài sản này ngoài việc trích khấu hao vẫn phải theo dõi hao mòn, cách xác định mức hao mòn TSCĐ trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tính theo phương pháp khấu hao đường thẳng (còn gọi là PP tuyến tính cố định). Còn nếu tính khấu hao theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp theo Thông tư 45/2013 quy định về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ thì TSCĐ có thể áp dụng một trong bai phương pháp, đó là: Phương pháp khấu hao đường thẳng, PP khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh hoặc PP khấu hao theo sản lượng. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp đối với một số TSCĐ (đặc biệt TSCĐ thường xuyên thay đổi theo tiến bộ của khoa học công nghệ) thì có thể xảy ra hai kết quả tính toán khác nhau, nếu theo dõi mức hao mòn TSCĐ theo phương pháp khâu hao đường thẳng, mức hao mòn sẽ thấp hơn so với tính khấu hao nếu theo phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh.

Vì vậy, nên quy định rõ khấu hao TSCĐ trong điều này phải phù hợp với cách xác định hao mòn TSCĐ.

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.