Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của Võ Đức P. (SN 2004, học sinh lớp 11, trú tại thôn Phượng Thành, xã Tân Dân, Đức Thọ), phát hiện và thu giữ 400 gam thuốc pháo, 300 gam lưu huỳnh và hàng chục quả pháo đã cuốn sẵn (12/2020). Ảnh Đức Phú
"Trào lưu" học... chế tạo pháo qua mạng
Gần 2 năm trôi qua, nhưng vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại nhà ông Nguyễn Xuân Đức (thôn Hoa Đình, xã Bùi La Nhân, Đức Thọ) vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Sau tiếng nổ lớn, nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng, 6 nạn nhân bất động.
Riêng em Đ.B.L. (SN 2004) đã tử vong do vết thương quá nặng. Theo xác minh, em L. cùng các bạn đã liên hệ qua facebook để tìm mua các vật liệu chế tạo thuốc nổ rồi lên Youtube xem video hướng dẫn chế tạo và làm theo dẫn tới hậu quả đau lòng.
Góc học tập được Võ Đức P. (SN 2004, trú tại thôn Phượng Thành xã Tân Dân, Đức Thọ) sử dụng làm nơi pha chế, tàng trữ thuốc pháo và pháo (Ảnh Đức Phú).
Những tưởng đây là bài học xương máu cho những học sinh (HS) đã và đang có ý định tự chế pháo nổ. Tuy nhiên, “trào lưu” tự chế tạo pháo không hề lắng xuống.
Tối 19/1/2020, sau khi tự chế pháo từ tinh diêm, L.T.S. (SN 2005, HS Trường THCS Cẩm Trung - Cẩm Xuyên) bị bỏng nặng vùng mặt, suýt mù mắt. Mới đây nhất (ngày 20/12/2020), Công an xã Thạch Châu (Lộc Hà) đã phát hiện 4 HS chế tạo pháo nổ để sử dụng; đồng thời, thu giữ 1,5 kg lưu huỳnh, 1 kg KClO3, 0,14 kg thuốc pháo, 24 quả pháo tự chế và một số tang vật khác.
4 em tham gia chế tạo pháo để sử dụng đều là học sinh một trường THCS trên địa bàn Lộc Hà (12/2020 - Ảnh Đức Hoàng).
Với từ khóa “hướng dẫn cách chế tạo pháo" trên Google, Youtube hay bất cứ trang Internet nào khác; hàng loạt kết quả được hiển thị. Công thức để chế tạo pháo nổ gồm các hợp chất lưu huỳnh, kali nitrat, than củi... với mức độ sát thương khác nhau. Và khi pháo tự chế phát nổ, đó sẽ được xem là thành công của clip hướng dẫn lẫn người tìm hiểu.
Ngoài việc nhan nhản clip hướng dẫn, các hóa chất để chế tạo chất nổ được rao bán công khai trên mạng. Chỉ cần một thao tác click chuột giản đơn để đặt hàng, chẳng phải đợi lâu, người mua đã được chuyển tận tay Amoni nitrat (NH4NO3); Natri nitrat (NaNO3); Kali clorat (KClO3)...
Các clip hướng dẫn chế tạo pháo nổ xuất hiện nhan nhản trên Internet
Đáng lo ngại, những clip tự chế tạo pháo cùng việc mua bán hóa chất càng nở rộ khi tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề. Tai hại hơn, đối tượng tiếp xúc, tìm hiểu thông tin tự chế tạo pháo trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang ở lứa tuổi học sinh. Đặc trưng tâm sinh lý ở độ tuổi này là hiếu kỳ, thích thể hiện, khám phá nhưng lại chưa lường hết tác hại, nguy hiểm.
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an Hà Tĩnh), từ ngày 15/11/2020 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ/10 đối tượng (đều ở độ tuổi HS) tự chế pháo nổ, thu giữ 9,2 kg thuốc pháo và 20 quả pháo. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ/9 đối tượng tự chế tạo pháo.
Cùng chung tay ngăn chặn
Công an thị Trấn Đức Thọ đến các hộ gia đình vận động, tuyên truyền ký cam kết chấp hành tốt các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, an toàn giao thông, không phạm tội và tham gia các tệ nạn xã hội (ảnh: Công an thị trấn Đức Thọ)
Nhiều địa phương, để ngăn chặn tình trạng HS tự chế tạo pháo, lực lượng công an đã tuyên truyền đến phụ huynh và HS về quy định pháp luật nhằm vận động sự vào cuộc của gia đình trong quản lý, kiểm soát con em. Đồng thời, phối hợp với phòng GD&ĐT để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp.
Tại Đức Thọ, từ ngày 15/12 đến nay, lực lượng Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho 1.037 giáo viên, HS của Trường THCS Yên Trấn (thị trấn Đức Thọ) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên; đồng thời in cấp phát 18 đĩa tuyên truyền cho 16 xã, thị trấn, đặc biệt là tại các địa bàn “nóng”. Tại các buổi tuyên truyền, 100% HS đã được ký cam kết thực hiện quy định đảm bảo ANTT trong dịp tết Tân Sửu và các sự kiện chính trị, văn hóa năm 2021.
Đầu tháng 12 đến nay, Công an xã Thạch Hải (Thạch Hà) đã tích cực phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý sử dụng pháo, vũ khí vật liệu nổ và Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Ngày 24/12 vừa qua, một HS THPT trên địa bàn huyện Thạch Hà đã tự nguyện đến giao nộp một số tiền chất như kali nitrat, lưu huỳnh... cho cơ quan Công an huyện. Việc làm này cho thấy, công tác tuyên truyền tại Thạch Hà đã thực sự phát huy hiệu quả.
“Năm nay, ngoài xây dựng kế hoạch, phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện để thành lập tổ truyên truyền tại các trường học, chúng tôi cũng đổi mới hình thức tiếp cận từ phía lực lượng công an. Theo đó, Công an huyện sẽ chủ trì phối hợp cho HS ký cam kết tại các trường THPT và công an xã sẽ chịu trách nhiệm làm việc với các trường tiểu học, THCS”, Thượng tá Nguyễn Hoài Việt - Trưởng Công an huyện Thạch Hà nhấn mạnh.
Nói không với mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đối pháo nổ cũng được giáo viên và học sinh trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân) ký cam kết.
Mới đây, các hình thức xử lý của pháp luật liên quan tới việc tự chế tạo pháo cũng đã được lực lượng Công an tỉnh chuyển tải đến 837 HS Trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân) vào ngày 25/12. Thầy Trần Trọng Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bắt đầu từ tháng 11, việc tuyên truyền về cấm chế tạo, mua bán, sử dụng pháo nổ, ma túy… là các nội dung được chúng tôi tập trung đẩy mạnh. Ngoài việc giáo dục những hình thức xử lý kỷ luật kiên quyết, cứng rắn đối với hành vi tự chế tạo pháo, lực lượng chức năng cũng đã phân tích cho học sinh về tác hại từ việc làm này và khuyến khích mỗi em trở thành một “tuyên truyền viên” cho bạn bè. Thời gian tới, nếu phát hiện HS có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp với công an xã để có hình thức xử lý phù hợp”.
Trước đó, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch 2512 ngày 11/12/2020 yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân ký cam kết; rà soát, lập danh sách các trường hợp thuộc diện đối tượng trọng điểm để chủ động tuyên truyền, vận động nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở, quản lý con em mình trong độ tuổi thanh thiếu niên, bởi lứa tuổi này thường hay hiếu kỳ, thích thể hiện mà chưa lường trước được hết hậu quả.
* Hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 305 Bộ Luật hình sự năm 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017. |