Bảo hiểm y tế tự nguyện mang lại quyền lợi cho người dân trong khám chữa bệnh.
Gần 1 năm trôi qua nhưng chị Trịnh Thị Hạnh (thôn 4, xã Bình Lộc) vẫn còn tiếc nuối số tiền cả chục triệu đồng khi chồng nằm viện. Chị cho biết: “Cuộc sống của người nông dân chúng tôi chủ yếu góp nhặt trên đồng ruộng mà cái thẻ BHYT cũng mất mấy trăm ngàn đồng. Xót tiền và thực sự tôi cũng cho rằng, vợ chồng còn độ tuổi lao động chắc chưa cần dùng đến nên dù được chị em vận động nhưng tôi cũng bỏ qua. Thế rồi, không may chồng tôi đột nhiên bị bệnh, sau vài lần ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc đã mất cả chục triệu đồng. Từ hoàn cảnh gia đình mình, tôi càng ý thức được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tự nguyện nên cả 2 vợ chồng bây giờ đã thực hiện nghiêm túc”.
Thực tế, với suy nghĩ mua BHYT cả năm có khi không cần dùng đến, cùng với đời sống người dân còn khó khăn nên công tác vận động hội viên, đặc biệt là vùng nông thôn thực hiện BHYT tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, sự kiên trì vận động và dẫn chứng từ những hoàn cảnh cần thiết phải sử dụng BHYT của cán bộ hội, suy nghĩ của hội viên về mua BHYT tự nguyện đã dần thay đổi.
Chị Phan Thị Tâm – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lộc cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền đến tận hội viên thông qua sinh hoạt chi hội và lồng ghép trong các hoạt động xây dựng NTM nên năm 2016, hội phụ nữ xã đã vận động hội viên mua 227 thẻ, vượt kế hoạch giao 134%. Riêng 2 tháng đầu năm nay, toàn xã đã vận động được 50 trên 250 thẻ kế hoạch”.
Nỗ lực của hội phụ nữ đã góp phần phát triển rộng khắp phong trào mua thẻ BHYT tự nguyện trên địa bàn 13 xã ở huyện Lộc Hà. Chị Nguyễn Thị Lân - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Lộc cho biết: “Việc thực hiện BHYT tự nguyện không chỉ được người dân tích cực hưởng ứng nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân khi đau ốm, đồng thời, góp phần giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm. Trong 2 tháng đầu năm nay, toàn xã Hồng Lộc đã vận động được 86 thẻ trên tổng số 300 thẻ theo kế hoạch năm”.
Chị Hoàng Thị Quỳnh Oanh - Chủ tịch Hội LHPN Lộc Hà cho biết: “Cùng với việc chủ động trong kế hoạch phối hợp với BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của người tham gia bảo hiểm, Hội LHPN huyện chỉ đạo việc thiết lập hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại hội LHPN các xã gắn với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Năm 2016, chúng tôi đã vận động được 2.701 thẻ, vượt kế hoạch 148%. Riêng 2 tháng đầu năm nay, các cấp hội trên địa bàn đã vận động được 613/3.800 thẻ”.
Gần đây, chính sách thông tuyến BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhờ đó, việc phát triển BHYT tự nguyện có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của UBND huyện bằng các văn bản chỉ đạo cụ thể cũng đã góp phần giúp Hội LHPN huyện thực hiện mục tiêu tăng nhanh diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.