Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, toàn tỉnh đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên phụ trách công tác gia đình tại thôn, tổ dân phố với mức phụ cấp 50.000 đồng/người/tháng; 13 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng xong mạng lưới cộng tác viên gia đình với 2.140 cộng tác viên gia đình ở thôn, tổ dân phố đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có những số liệu tin cậy, cập nhật về số hộ gia đình, các loại hộ gia đình, số vụ bạo lực gia đình, số nạn nhân bị bạo lực gia đình, số cơ sở khám chữa, bệnh, số địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tính đến thời điểm này, Sở VHTT&DL đã xây dựng 11 mô hình câu lạc bộ về gia đình; một số địa phương triển khai nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã đem lại hiệu quả tích cực một phần trong việc phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương... Tuy nhiên, có những mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại một số địa phương hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào chất lượng, chưa nhân rộng được nhiều mô hình theo kế hoạch đặt ra.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tăng cường công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của việc nhân rộng mô hình can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, biên tập, phổ biến các tài liệu liên quan đến công tác gia đình.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thông qua các hoạt động xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến rõ nét.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, năm 2015, toàn tỉnh có 308 vụ, đến 6 tháng đầu năm 2017 giảm còn 102 vụ. Các vụ bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng tính chất của một số vụ lại nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực, gây hiệu ứng không tốt trong đời sống.