Vị trí và hướng di chuyển bão Conson lúc 7h sáng 9-9 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Sáng 9-9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến ứng phó với bão số 5 (Conson).
Dự báo bão còn phân tán
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khoảng 22h tối 8-9, bão Conson đi vào Biển Đông.
Lúc 7h sáng nay 9-9, bão Conson mạnh cấp 9, giật cấp 11, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía đông đông nam. Hiện tại ngoài Biển Đông còn có bão Chanthu (mạnh cấp 12-13) đang hoạt động song song.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc 20-25km/h, đến sáng 10-9, bão cách Hoàng Sa 280km về phía đông.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới, từ vĩ tuyến 14 đến 18 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 113 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 72 giờ tới, bão chủ yếu theo hướng tây nhưng di chuyển chậm lại do tương tác với bão Chanthu. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển khoảng 10-15km/h, có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 11-9, bão đang nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, đây là thời điểm bão mạnh nhất.
Trong khoảng 48-72 giờ, bão di chuyển rất chậm. Do đó, trong ngày 11 và 12-9, bão sẽ quần thảo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, với gió cấp 11, giật cấp 13 thì khu vực quần đảo Hoàng Sa cực kỳ nguy hiểm.
"Về hướng di chuyển và cường độ sau đó của bão diễn biến rất phức tạp do tương tác với bão Chanthu. Các dự báo của các nước trên thế giới rất phân tán, có dự báo bão đi vào phía nam đảo Hải Nam, có dự báo bão đi lên ngang vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An.
Đài Nhật nhận định bão đi ngang theo hướng tây sau đó vào vùng biển Hà Tĩnh - Quảng Bình. Đài Mỹ cho rằng bão đi vào Đà Nẵng - Quảng Nam.
Các dự báo từ 24-48 giờ hiện nay có độ tin cậy cao. Dự báo sau 48 giờ còn rất phân tán. Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng vậy, có phương án sát kinh tuyến 110, có phương án bão vòng trở ra nên các dự báo về bão Conson còn tương đối phức tạp, phân tán mạnh" - ông Lâm nói.
Khẩn trương kêu gọi tàu vào bờ
Ông Đặng Quang Minh, vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai), cho biết theo thông tin cập nhật ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến COVID-19 phức tạp.
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh dự kiến sơ tán 468.984 người ở ven biển, khu vực ven sông và ngoài đê. Các tỉnh miền núi phía Bắc dự kiến sơ tán 297.788 người ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét và khu vực ven sông, ngoài đê.
Đại tá Phạm Hải Châu, phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã có công điện chỉ đạo các đơn vị duy trì hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 2.000 phương tiện để ứng phó với bão Conson.
“Cần dự báo sớm và chính xác về hướng di chuyển của bão để ngư dân biết, tránh tình trạng ngư dân đi ngược với hướng di chuyển của bão và xảy ra sự cố đáng tiếc như năm trước. Đối với mưa lớn, đề nghị các tỉnh miền núi rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn” - đại tá Châu nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết hiện nay trên biển còn gần 500 tàu đang hoạt động trong vùng di chuyển của bão, chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa.
“Các phương tiện này đều nắm được thông báo và đang di chuyển, một số di chuyển xuống phía nam, một số di chuyển vào bờ. Bộ đội biên phòng sẽ tiếp tục bắn pháo hiệu theo quy định để cảnh báo bão cho ngư dân” - đại tá Hưng nói.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết thiệt hại do bão Conson tại Philippines làm 19 người chết và mất tích, 19.343 hộ/79.062 người bị ảnh hưởng, 10.063 người phải sơ tán…, thiệt hại trên 3,2 triệu USD.
Theo dự báo, bão có cường độ cấp 10-11, giật cấp 13 trên Biển Đông, hướng di chuyển phức tạp, diễn biến mưa ở miền Trung cũng phức tạp.
“Qua theo dõi trên hệ thống, số lượng tàu thuyền còn rất lớn. Tránh tình trạng như bão số 9 năm 2020 mất tích 2 tàu với 23 ngư dân. Trước ngày mất tích, chúng tôi đã gọi điện cho 2 chủ tàu, do chủ quan nên mất tích. Do đó, bộ đội biên phòng phối hợp với địa phương quyết liệt, yêu cầu tàu thuyền khẩn trương vào bờ” - ông Hoài nói.