Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hầu đồng, hát chầu văn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ hay diễn xướng hầu đồng, hát chầu văn đều là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang dấu ấn tâm linh, gắn chặt với đời sống tinh thần của một bộ phận người dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Người xưa quan niệm, sinh hoạt diễn xướng hầu đồng, hát văn là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các thanh đồng cô, đồng cậu, nhằm phán truyền, độ giới quốc thái dân an, diệt trừ tà ma, bách gia trăm họ được mạnh khoẻ, bình an hạnh phúc. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng là hiện thân của vị thần.
Người xưa quan niệm, sinh hoạt diễn xướng hầu đồng, hát văn là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các thanh đồng cô, đồng cậu
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Hà Tĩnh Nguyễn Cảnh Thụy: "Ngày nay, các hình thức sinh hoạt hầu đồng trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra vào các dịp lễ, tết, các lễ hội đền thánh, phủ mẫu. Các nghi thức sinh hoạt hầu đồng trên địa bàn tỉnh ta được quản lý chặt chẽ. Nhà nước luôn tạo điều kiện để người dân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phù hợp thần phong mỹ tục của địa phương".
Chúng tôi cũng đã có dịp được chứng kiến các đồng cô, đồng cậu Hà Tĩnh cùng môt số nghệ sĩ, cô đồng khu vực phía Bắc vào giao lưu diễn xướng nghi thức hầu đồng, hát chầu văn. Nghi thức diễn xướng các giá chầu na ná nhau. Tuy nhiên, về phong cách vũ đạo, biểu cảm được thể hiện theo mỗi điệu chầu văn khác nhau.
Ngày nay, các hình thức sinh hoạt hầu đồng trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra vào các dịp lễ, tết, các lễ hội đền thánh, phủ mẫu.
Hầu đồng là một sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa, hát chầu văn nhạc cổ độc đáo. Nhạc hát thông thường là chầu văn có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Với các giá ông Hoàng thì cung văn sẽ có cả ngâm thơ cổ. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng; thanh đồng là nam giới thì được gọi là "cậu", nữ giới được gọi là "cô" hoặc "bà đồng". Thường có 2 hoặc 4 phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...
Theo nhạc sĩ Trương Quốc Đính (Hội viên Hội nhạc sĩ VN): "Ở Việt Nam, hầu đồng là nghi thức không thể thiếu trong các tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần... Trình tự một giá hầu gồm lên khăn áo, múa lễ, phán truyền và thăng. Âm nhạc là thành phần không thể thiếu, cung văn chính là người tấu nhạc phục vụ buổi lễ".
Các nghệ nhân đàn hát chầu văn
Xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... được thiết kế theo kiểu trang phục cung đình cổ tương xứng với từng "giá". Các điệu múa diễn xướng hầu đồng được biên đạo cấu trúc theo hàng, giá hầu rất gần gũi với đời sống lao động của người dân.
Hầu đồng là một nghi lễ của đạo mẫu, không tách rời đạo mẫu, giúp còn người hướng tới những nét đẹp chân, thiện, mỹ, tạo niềm tin vào tương lai tươi đẹp.
Cô đồng Phan Thị Nhạn ở Thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: "Một lần đi dự một ván hầu, em bị cuốn hút bởi lời ca tiếng hát văn và theo luôn hầu đồng"
Theo GS Trần Quang Hải - Trung tâm nghiên cứu Âm nhạc dân tộc (Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam): "Khi hầu đồng được coi là di sản văn hóa phi vật thể thì chính những thanh đồng càng phải có trách nhiệm nặng nề hơn với con dân khi mình phục lễ. Theo đó, ngành Văn hóa cần tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân sinh hoạt hầu đồng lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Không lạm dụng, biến nghi thức hầu đồng thành nơi "mua thần, bán thánh" để kiếm tiền, trục lợi bất chính, làm giảm đi nét độc đáo vốn có của nghệ thuật diễn xướng hầu đồng và hát chầu văn của người Việt".
Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. |