Bệnh nhân mắc các chứng liên quan đến tâm thần gia tăng

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2021, bình quân mỗi tháng có gần 800 bệnh nhân mắc chứng stress, trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc… đến Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh khám và điều trị.

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, số lượng bệnh nhân mắc chứng stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí mắc bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần… đến khám, điều trị ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của thực trạng này là do tác động của cuộc sống như áp lực kinh tế, công việc, học tập và những mặt trái của các trào lưu trong xã hội hiện đại.

Anh N.Q.Q (huyện Lộc Hà) có biểu hiện của chứng mất ngủ hằng đêm dù còn trẻ tuổi. Trước đó, vợ chồng anh chị gửi con cho cha mẹ ở quê để vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghề lao động tự do. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, lo lắng sợ mắc bệnh và công việc bấp bênh khiến cho bệnh khó ngủ của anh Q. ngày càng trầm trọng. Cuối tháng 8/2021, anh Q. trở về quê nhà và thực hiện cách ly y tế tập trung tại xã Mai Phụ. Tại đây, anh Q. đã có những biểu hiện rối loạn tâm thần như: lên cơn kích động, hò hét, phá phách tài sản của khu cách ly.

Bệnh nhân mắc các chứng liên quan đến tâm thần gia tăng

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh trò chuyện với bệnh nhân N.Q.Q.

Anh Q. được các bác sỹ của Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh trực tiếp xuống thăm khám, chỉ định sử dụng thuốc. Được điều trị kịp thời, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn, không còn các biểu hiện kích động.

Tuy vậy, ngay sau khi kết thúc thời hạn cách ly tập trung, bệnh nhân không tái khám sức khỏe như chỉ định của bác sỹ mà đi khám và uống thuốc thầy lang khiến bệnh tình lại trở nặng. Hiện bệnh nhân Q. đang được điều trị tại Khoa Cấp tính nam của Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng khoa Khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, bệnh nhân đến viện khám và điều trị do mắc chứng stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí mắc bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần… đang gia tăng, với khoảng 800 bệnh nhân/1 tháng. Bên cạnh đó, có nhiều người gặp sang chấn về mặt tâm lý khi đang thực hiện cách ly y tế hay điều trị COVID-19. Vì vậy, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã chủ động bố trí các bác sỹ, thuốc điều trị cùng phương tiện phòng hộ trực tiếp đến các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 để khám và điều trị cho bệnh nhân vừa nhiễm COVID-19 vừa mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần”.

Bệnh nhân mắc các chứng liên quan đến tâm thần gia tăng

Bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh thăm khám cho một bệnh nhân.

Bác sỹ Hồ Giang Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh cho biết: “Tính từ ngày 14/6 đến ngày 18/9, trong số 204 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại trung tâm, có gần 50% ca bệnh có dấu hiệu của chứng lo âu; khoảng 12% bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt của triệu chứng rối loạn tâm thần, mất ngủ, stress… Trước tình hình đó, chúng tôi phối hợp Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh điều trị cho bệnh nhân bằng cách kết hợp dùng thuốc và điều trị tâm lý, động viên, hướng dẫn tập luyện các liệu pháp thể dục thể thao, tập thở… qua đó tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh”.

“Các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, stress kéo dài. Một số trường hợp mắc bệnh lý về tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết đều tiến triển thành mãn tính dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, không làm được việc, ảnh hưởng mối quan hệ trong gia đình… Khi ở tình trạng nguy hại nhất, bệnh nhân không chỉ có ý nghĩ tiêu cực như tự làm hại bản thân mà còn có hành vi xâm hại cả người thân hoặc người mình thù ghét rồi tự tử” - bác sĩ Mạnh cho biết.

Bệnh nhân mắc các chứng liên quan đến tâm thần gia tăng

Các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh và Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh tư vấn, theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có những biểu hiện về mặt tâm lý.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, khi có một vài biểu hiện như: khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi, người dân cần chủ động đi khám. Trên thực tế, người bị mắc các chứng liên quan đến tâm thần nếu không được can thiệp tâm lý kịp thời sẽ dễ diễn tiến nặng thêm. Vì vậy, yếu tố hàng đầu là cần kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị khoa học, hiệu quả.

Để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh, cần tăng cường rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin tích cực, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật. Đặc biệt, kiểm soát tốt thời gian của bản thân bằng cách lên lịch làm việc, sinh hoạt khoa học, hợp lý và duy trì lịch trình đó.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.
Yoga chệch chuẩn

Yoga chệch chuẩn

Mỗi người tập luyện yoga cần tìm hiểu, tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, quy tắc đảm bảo ANTT nơi công cộng để hình ảnh vốn rất đẹp đẽ của yoga không bị méo mó.
Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Việc ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp hỗ trợ não bộ, tim mạch, hệ miễn dịch, làn da khỏe mạnh... Và tư thế bạn ngủ cũng rất quan trọng. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe?