Bị cáo U80 và cú lừa chạy việc ngoạn mục

(Baohatinh.vn) - Tâm lý nôn nóng tìm việc làm cho con đã khiến một hộ dân tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) giao hàng chục triệu đồng cho người quen. Để rồi, khi mọi việc vỡ lở, tiền mất mà việc không thành.

Phiên tòa lưu động xét xử Đoàn Quang Dương (SN 1946, trú xã Kim Hoa, Hương Sơn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra vào sáng 27/10 tại hội trường UBND xã Kim Hoa thu hút hàng trăm người tham dự.

Đây là phiên tòa khá đặc biệt, bởi lẽ người đang đứng trước bục khai báo đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” và hành vi phạm tội của bị cáo liên quan đến vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm: lừa đảo chạy việc.

Bị cáo U80 và cú lừa chạy việc ngoạn mục

Đoàn Quang Dương tại phiên xử lưu động.

Hơn 7 năm trước (tháng 7/2016), Đoàn Quang Dương đến nhà ông P.V.L. (SN 1959, trú thôn Hòa Tiến, xã Sơn Tiến, Hương Sơn) chơi. Biết chị P.T.H. (con gái ông L.) tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân loại giỏi nhưng chưa có việc làm, Dương đã tự nhận mình quen biết với một số lãnh đạo và có thể xin cho chị H. vào làm việc ở một cơ quan Nhà nước.

Không lâu sau, Dương thông báo với gia đình ông L. rằng đã xin được việc cho con gái ông nhưng phải mất 100 triệu đồng. Trước mắt, ông L. phải đưa trước 50 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi có quyết định. Tin tưởng vào “năng lực” của Đoàn Quang Dương, ông L. đã giao 50 triệu đồng cho bị cáo (có giấy biên nhận). Đến tháng 2/2017, ông L. đưa tiếp 20 triệu đồng cho Dương theo yêu cầu để tổ chức lễ gặp mặt, liên hoan chị H. nhận việc.

Tuy nhiên, tiền đã trao nhưng chờ mãi vẫn khôn thấy thông tin về việc làm của con gái, ông L. nhiều lần liên lạc với Dương để hỏi kết quả. Lúc này, Dương mới thừa nhận không có khả năng xin được việc cho chị H. và hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền. Đến tháng 1/2019, Đoàn Quang Dương mới hoàn trả cho ông L. 30 triệu đồng.

Bị cáo U80 và cú lừa chạy việc ngoạn mục

Phiên toà xét xử Đoàn Quang Dương thu hút đông người tham gia.

Vì Đoàn Quang Dương chưa hoàn trả hết số tiền 40 triệu đồng còn lại, ông P.V.L. đã có đơn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Sơn thấy có dấu hiệu của tội phạm hình sự nên đã ban hành văn bản yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn điều tra theo quy định của pháp luật. Sau đó, tòa án đã hướng dẫn cho bị hại làm đơn tố giác đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn; đồng thời, ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT để giải quyết.

Tại phiên tòa lưu động, trước sự theo dõi của hàng trăm người dân đang có mặt, Đoàn Quang Dương không giấu được tâm lý lo lắng. Bằng thái độ thành khẩn, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, theo trần tình của Dương, bị cáo không có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền và đã trả lại một phần tài sản cho bị hại.

Lời nói của bị cáo không nhận được đồng tình từ phía kiểm sát viên và hội đồng xét xử. Bởi lẽ, bản thân bị cáo tuổi đã cao, chỉ là lao động thuần nông, không có mối quan hệ quen biết, không giữ bất cứ chức vụ nào trong cơ quan Nhà nước nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để lừa chạy việc. Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cũng làm rõ, hiện nay, việc tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước chỉ được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển, sát hạch và có hợp đồng cụ thể. Do vậy, hành động đưa tiền “lót tay” để chạy việc là hành vi trái với quy định.

Hình ảnh bị cáo già nua, ốm yếu nói lời sau cùng đầy khẩn thiết: “Bị cáo tuổi đã cao, sức đã yếu, lại thuộc diện hộ cận nghèo. Chính vì vậy, chỉ mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về, kiếm tiền bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại” khiến không ít người cảm thấy chua chát. Với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, TAND huyện Hương Sơn đã tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù giam và buộc phải bồi thường 40 triệu đồng cho bị hại.

Án đã tuyên, Đoàn Quang Dương đã phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, người bị hại cũng đã ít nhiều phải trả giá cho niềm tin mù quáng. Xét ở một góc độ nào đó, họ chính là một trong những tác nhân tạo điều kiện cho Đoàn Quang Dương phạm tội. Quá tin vào sức mạnh của đồng tiền, cho rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, họ đã tự đẩy mình vào cảnh tiền mất tật mang. Lời nói sau cùng của bị cáo cũng để lại nhiều suy ngẫm khi với độ tuổi U80, hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc hoàn trả số tiền 40 triệu đồng cũng hết sức mong manh...

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.