Bi kịch của cô gái “làm ơn mắc oán”

Ngô Kim Diễm, 21 tuổi, vô tình đâm chết người khi cứu bạn, bị bắt giam, nhưng bạn lại từ chối ra tòa làm chứng.

Bi kịch của cô gái “làm ơn mắc oán”

Ngô Kim Diễm sau phiên tòa năm 2004. Ảnh: Toutiao

4h30 ngày 10/9/2003, cảnh sát quận Hải Điến, Bắc Kinh, nhận được cuộc gọi báo có vụ giết người xảy ra trong ký túc xá nhân viên nữ của khách sạn Long Đàm Sơn Trang.

Tại hiện trường, cảnh sát nhìn thấy vết máu ở khắp khu nhà ký túc xá, một cô gái cầm dao nhọn, tay bê bết máu, ánh mắt đờ đẫn, không hề phản kháng khi bị đưa đi.

Sau khi tỉnh táo, cô gái tên Ngô Kim Diễm, 21 tuổi, nhìn cảnh sát và hỏi: “Tôi giết người rồi? Tôi cũng sẽ chết ư?”. Cô hoảng sợ khi nghĩ phải chịu án tử hình.

Diễm lớn lên tại một ngôi làng ở Ar Horqin, thành phố Xích Phong, phía đông Nội Mông Cổ. Năm 2001, Diễm 19 tuổi, có mối tình đẹp với Doãn Xuân Sinh, chàng trai tuấn tú con nhà giàu ở làng bên. Năm 2003, đôi tình nhân ước hẹn tổ chức đám cưới vào mùa thu.

Gia đình Diễm khó khăn, bố bị bệnh nặng, mất sức lao động. Cuộc sống vốn đã nghèo khó, thấy ngày cưới đến gần, gia đình lo lắng không có tiền cho Diễm làm của hồi môn. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Diễm quyết định đến Bắc Kinh làm thuê, chị ruột của Sinh là Doãn Tiểu Hồng, 24 tuổi, cũng làm việc ở đây. Sau khi bàn bạc với bạn trai, Diễm gói ghém hành lý, đi tàu đến Bắc Kinh.

Được em trai nhờ vả, Hồng đón Diễm về làm phục vụ tại nhà hàng của khách sạn chỗ mình, vừa được bao ăn ở lại tiện chăm sóc lẫn nhau. Cả hai ở cùng ký túc xá, trở thành đôi bạn thân thiết.

Ở chỗ làm, Hồng bị nam đồng nghiệp tên Tôn Kim Cương, 22 tuổi, theo đuổi, nhưng cô chán ghét, nhiều lần từ chối anh ta.

Theo Hồng, Cương người gốc Bắc Kinh nhưng gia cảnh bình thường, thích chơi bời lêu lổng, không có chí tiến thủ. Hồng thường mượn cớ đi cùng Diễm để từ chối lời mời đi chơi, ăn tối của Cương. Diễm thấy bạn khó chịu nên cũng sẵn sàng giúp Hồng làm “lá chắn”.

Đến tháng 8/2003, Diễm rất vui vì sắp được về nhà chuẩn bị cho đám cưới vào cuối tháng sau. Thời gian này, Hồng cũng thoải mái vì Cương đã từ chức, không còn ai đeo bám cô nữa. Tuy nhiên, anh em tốt của Cương là Lý Quang Huy, 19 tuổi, vẫn làm việc trong nhà hàng.

Một lần trong ca trực của Diễm và Hồng, họ thấy Cương, Huy cùng nhóm bạn ngồi ăn uống, lớn tiếng cười nói. Hôm sau, Huy bị sa thải vì lợi dụng chức vụ mời bạn bè ăn miễn phí tại nhà hàng.

Tối 9/9/2003, Hồng bị Cương gọi điện đến mắng chửi. Hóa ra sau khi bị sa thải, Huy lại tụ tập với Cương, tố cáo Hồng mách lẻo chuyện họ “ăn chùa” cho ông chủ, đồng thời thêm thắt kể lại những lời Hồng chế nhạo Cương với đồng nghiệp.

Cương nổi điên, chuyển từ yêu thành hận. Anh ta gọi điện chửi bới, dọa dẫm Hồng, bị cô mắng lại rồi cúp máy ngang. Không ngờ đêm đó, Cương và Huy rủ thêm một người bạn tìm đến định bắt cóc Hồng.

1h sáng 10/9/2003, Hồng cùng Diễm tan làm, về ký túc xá tắm rửa rồi đi ngủ. 2h sáng, nhóm của Cương gọi Hồng ra ngoài giải quyết việc riêng nhưng bị từ chối. 3h sáng, họ lại đến đập cửa, chửi rủa đòi Hồng đi ra.

Không được đáp lại, họ đạp tung cửa xông vào. Ba cô gái trong phòng hét lên kêu cứu, nhưng đối mặt với ba người đàn ông to lớn hung ác, xung quanh không ai dám đến giúp họ.

Cương không nói một lời, liên tục đấm đá Hồng, xé rách quần áo cô. Diễm tới can ngăn thì bị Cương vung tay đấm ngã ra đất. Lúc này, Cương chuyển mục tiêu về phía Diễm, vừa đánh vừa xé áo rồi đè lên người cô.

Nghĩ Cương muốn cưỡng hiếp mình, Diễm liều mạng phản kháng. Cô mò mẫm lấy con dao gọt hoa quả ở đầu giường, cứa vào cánh tay Cương khiến hắn bị đau mà buông cô ra.

Diễm dùng dao ép Cương lùi lại, nhưng Huy bất ngờ nhặt ổ khóa bằng sắt trên bệ cửa sổ, đập mạnh về phía Diễm. Trong lúc hoảng loạn, Diễm cầm dao đâm về phía trước hai lần, không ngờ đâm trúng ngực trái của Huy khiến anh ta ngã xuống đất, bất động.

Diễm hoảng hốt ngồi bệt ở một bên, còn Hồng trốn trong góc tường không dám lại gần.

Huy tử vong trên đường đến bệnh viện do mất máu quá nhiều.

Trong thời gian ngồi tù, Diễm luôn hy vọng Hồng có thể giải thích rõ tình huống khi đó cho cảnh sát. Diễm nghĩ đã cứu Hồng và Hồng sẽ nói lại với bạn trai cô, họ nhất định sẽ cứu cô. Nhưng cô đợi suốt 4 tháng, bạn trai không hề xuất hiện, ngay cả gia đình cũng không đến thăm cô.

Cuối cùng, khi Diễm được gặp mẹ trong tù, cô bật khóc nức nở kể lại mọi chuyện. Mẹ cô bảo, Hồng đã trở về nhà nhưng không nói một câu về chuyện của Diễm, cách đây không lâu cảnh sát mới thông báo việc Diễm giết người cho gia đình.

Nhà họ Doãn lập tức từ hôn, Sinh đã làm đám cưới với một cô gái ở thôn khác. Nghe vậy, Diễm chết điếng.

Mẹ Diễm mất nhiều công sức dò hỏi mới tìm được nơi con gái bị giam giữ. Bố cô cũng muốn đi cùng nhưng sức khỏe yếu nên đành thôi. Tin tức Diễm giết người và bị bỏ tù nhanh chóng lan truyền khắp thôn. Nhiều người tung tin đồn Diễm làm công việc bất chính, bị cưỡng hiếp, sau đó giết người. Bố mẹ Diễm phải hứng chịu ánh mắt dè bỉu của dân làng. Chỉ họ biết con gái không cố ý giết người, tiền cô kiếm được đều trong sạch.

Họ được biết gia đình Huy thuê luật sư riêng, yêu cầu tòa nghiêm phạt Diễm và đòi bồi thường gần 200.000 nhân dân tệ. Bố mẹ Diễm dùng tiền tiết kiệm cả đời để mời luật sư ở Bắc Kinh biện hộ cho con. Tuy nhiên, riêng phí tư vấn đã tiêu tốn hơn một nửa số tiền họ có.

Giữa lúc khó khăn, luật sư Dương Phượng Lan ở Nội Mông Cổ đề nghị bào chữa miễn phí cho Diễm.

Luật sư Dương liên lạc với Hồng, hy vọng cô có thể làm chứng cho Diễm trước tòa. Nhưng Hồng từ chối, bày tỏ không muốn dính líu đến chuyện này.

Ngày 29/7/2004, sau 10 tháng ngồi tù, Diễm bị đưa ra tòa án quận Hải Điến xét xử vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Theo luật sư Dương, hành động của Diễm là phòng vệ chính đáng khi bị ba người đàn ông xâm hại và tấn công. Luật sư dùng lời khai của Hồng và một cô gái khác ở cùng ký túc xá để chứng thực tình hình lúc đó giống như lời Diễm nói.

Cuối cùng, tòa phán quyết Diễm phòng vệ chính đáng, không phải chịu trách nhiệm hình sự hay bồi thường dân sự, được trả tự do tại tòa.

Diễm cùng bố mẹ về quê, không làm đơn đòi bồi thường vì 10 tháng ngồi tù. Tháng 6/2005, Diễm tìm được hạnh phúc mới cùng một chàng trai ở làng bên.

Theo Tuệ Anh VnExpress (Toutiao, Gongbao)

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh trộm xe máy

Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh trộm xe máy

Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hoàng Vĩnh (Quảng Bình) về tội trộm cắp tài sản.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật tuần (từ 2-8/11)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật tuần (từ 2-8/11)

Đột nhập trộm cắp lúc rạng sáng, 2 đối tượng bị khởi tố; cố băng qua đường tàu, người đàn ông bị tàu hỏa đâm tử vong; liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn xe container trên quốc lộ 1; Công an Hà Tĩnh đột kích diện rộng, phá đường dây buôn vũ khí liên tỉnh lớn chưa từng có … là những thông tin chính sẽ có trong bản tin Podcast hôm nay của Báo Hà Tĩnh.