Các mật vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mọi hành trình (Ảnh: AP).
Ý tưởng thành lập Cơ quan Mật vụ Mỹ được Tổng thống Abraham Lincoln đưa ra vào ngày 14/4/1865. Tuy nhiên, cũng đúng vào ngày hôm đó ông bị ám sát khi đang xem vở kịch Our American Cousin trong bối cảnh nội chiến Mỹ sắp kết thúc. Đến tháng 7/1865, Cơ quan Mật vụ Mỹ được thành lập theo đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Hugh McCulloch với mục đích ban đầu là chống các hành vi giả mạo và gian lận tài chính.
Đến năm 2003, Mật vụ Mỹ được chuyển sang trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ và đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và gia đình Tổng thống. Trong lịch sử hoạt động hơn 110 năm, Cơ quan Mật vụ Mỹ chưa từng ghi nhận bất cứ trường hợp mật vụ “hai mang” nào, mặc dù bị điệp viên nước ngoài cài cắm.
Các tổng thống được mật vụ bảo vệ sẽ được gắn biệt danh riêng. Ví dụ, cựu Tổng thống Bill Clinton được gắn biệt danh Eagle, cựu Tổng thống George W. Bush là Acrobat, cựu Tổng thống Barack Obama là Renegade.
Nhân viên Mật vụ Mỹ không những có nhiệm vụ bảo toàn tính mạng cho tổng thống đương nhiệm mà còn cho phó tổng thống, cựu tổng thống, ứng viên tổng thống, cựu phó tổng thống, ứng viên phó tổng thống và gia đình của họ, cũng như các nguyên thủ nước ngoài thăm Mỹ.
Mật vụ Mỹ bảo vệ ông Trump năm 2016
Không khó để nhận ra ai là mật vụ trong đoàn tùy tùng của Tổng thống Mỹ. Họ thường là những người đàn ông cao lớn, có vẻ ngoài lạnh lùng, gương mặt “đóng băng”, mặc vest tối màu, đeo kính râm và không rời Tổng thống nửa bước.
Nguyên tắc của các mật vụ Mỹ là luôn đi cạnh Tổng thống. Họ tuy không có nghĩa vụ phải hy sinh tính mạng vì Tổng thống, nhưng từ lâu họ được biết đến là những người “sẵn sàng đỡ đạn” thay nhà lãnh đạo Mỹ.
Dan Bongino, một cựu nhân viên Mật vụ với 12 năm kinh nghiệm, từng bảo vệ cựu Tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush, cho biết ông và các đồng nghiệp được huấn luyện để “trở nên to hơn” theo nghĩa đen. Điều này có nghĩa là khi một vụ nổ súng diễn ra và mọi người ngồi sụp xuống để tránh đạn, nhân viên mật vụ sẽ phải dang rộng mình hết mức có thể để đón lấy viên đạn. Theo cựu mật vụ này, khi thực sự xảy ra nổ súng, nhân viên mật vụ chỉ có một nhiệm vụ là đảm bảo cho sinh mạng của tổng thống và di tản nhanh nhất có thể.
Các mật vụ vây quanh Tổng thống Joe Biden khi ông vẫy tay chào đám đông (Ảnh: Reuters).
“Tại Cơ quan Mật vụ, chúng tôi được huấn luyện để che chắn và di tản Tổng thống. Để che chắn cho Tổng thống, bạn phải dang rộng mình nhất có thể, thay vì cụp xuống. Do vậy, nhiều người từng hỏi tôi, và tôi cũng trả lời rất trung thực, rằng có lẽ việc tôi làm không liên quan đến lòng dũng cảm. Thay vào đó phản ứng đó phần nhiều là do huấn luyện. Những mật vụ giỏi mà tôi biết luôn tự diễn tập trong đầu mình. Họ tự nhủ rằng: nếu có tiếng súng, tôi sẽ túm lấy Tổng thống, xoay người sang bên trái rồi đi thật nhanh về cuối hành lang. Nếu có ai đó đứng dọc hai bên hàng rào an ninh bắt tay quá mạnh, tôi sẽ tóm ngón cái của họ kéo lại. Bạn cứ lặp đi lặp lại điều đó trong đầu để đến khi sự việc xảy ra, bạn chỉ cần hành động”, Bongino chia sẻ.
Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn tự truyện “Standing Next to History: An Agent”s Life Inside the Secret Service “của cựu mật vụ Joseph Petro, đã tiết lộ về thế giới bí mật của Cơ quan Mật vụ Mỹ với công tác đảm bảo an ninh cho Tổng thống. Những người luôn đi bên cạnh Tổng thống có những nguyên tắc vô cùng nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh cho người đứng đầu Nhà Trắng, đặc biệt trong các chuyến”vi hành".
Tổng thống Bill Clinton được các mật vụ hộ tống sau khi một kẻ biểu tình tiến gần về phía ông trong một sự kiện ở Columbus, bang Ohio hồi tháng 7/1992. Ông Clinton khi đó đang là Thống đốc Arkansas tranh cử tổng thống Mỹ (Ảnh: AFP).
Mật vụ Mỹ luôn mang theo túi máu phòng tình huống khẩn cấp. Mặc dù có hàng nghìn đặc vụ được Sở Mật vụ tuyển dụng, nhưng chỉ một số ít được phân công vào Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD), một nhánh của cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng của tổng thống và gia đình. Theo Jeffrey Robinson, đơn vị này đảm bảo các mật vụ được đào tạo về kỹ năng y tế theo nguyên tắc “10 phút”, làm mọi cách có thể để giữ cho tổng thống sống sót cho đến khi được chăm sóc y tế chuyên khoa trong trường hợp khẩn cấp.
Khi hộ tống tổng thống di chuyển, mật vụ không bao giờ cách xa trung tâm y tế quá 10 phút. Họ sẽ điều một mật vụ trực sẵn tại bệnh viện và người này nắm rõ thông tin về các nhân viên trong phòng phẫu thuật. Ngoài ra, đội mật vụ tháp tùng tổng thống luôn có sẵn những túi máu chứa nhóm máu của tổng thống phòng trường hợp cần truyền máu.
Việc đào tạo mật vụ về cấp cứu y tế đã giúp cứu sống Tổng thống Ronald Reagan trong vụ ám sát vào năm 1981. Sau khi bị bắn, Tổng thống Reagan nghĩ rằng ông chỉ bị thương nhẹ ở xương sườn và quyết định trở về Nhà Trắng, nơi được coi là an toàn nhất ở thủ đô Washington. Nhưng trên chiếc limousine của tổng thống, mật vụ Jerry Parr nhận thấy máu đỏ sủi bọt chảy ra từ miệng Tổng thống Reagan - một dấu hiệu cho thấy ông đã bị chảy máu từ phổi. Mật vụ đã nhanh chóng quyết định đưa Tổng thống Reagan đến bệnh viện, nơi các bác sĩ phát hiện ông bị bắn vào phổi. Tổng thống đã trải qua nhiều giờ phẫu thuật và các biến chứng sau phẫu thuật trước khi hồi phục hoàn toàn.
Các Mật vụ dìu Tổng thống Trump rời khỏi sân khấu khi phát hiện một khán giả bên dưới mang súng trong lúc ông đang phát biểu tranh cử tại bang Nevada hồi tháng 11/2016 (Ảnh: Reuters).
Mật vụ Mỹ cũng cần đảm bảo tổng thống không bao giờ ở một mình. Các mật vụ luôn đi theo tổng thống tới bất kỳ nơi nào chủ nhân Nhà Trắng có mặt, bao gồm phòng tắm, phòng khám hoặc thậm chí cả nơi riêng tư. “Tổng thống không bao giờ ở một mình”, Robinson cho biết.
“Khi Tổng thống Reagan kiểm tra tuyến tiền liệt và nội soi ruột, (mật vụ) Joseph Petro cũng ở trong phòng với một khẩu súng. Nếu anh ta nghĩ bác sĩ là một mối đe dọa, anh ta sẽ nổ súng”, Robinson cho biết thêm.
Mật vụ luôn điều tra các đối tượng khả nghi, có nguy cơ gây mất an toàn cho tổng thống. Theo Tim Wood, cựu nhân viên Sở Mật vụ với 23 năm kinh nghiệm, bất kỳ ai đưa ra lời đe dọa nhằm vào tổng thống, mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ sẽ bị điều tra.
“Chúng tôi thẩm vấn bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, nhân viên của họ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu người này có phải mối đe dọa nghiêm trọng không?”, Wood cho biết.
Khi Wood thẩm vấn một người đàn ông liên tục gọi điện đe dọa tính mạng của Tổng thống Reagan, cựu mật vụ xác định đối tượng này nghiện rượu và có thể mắc bệnh tâm thần, nên anh ta không bị truy tố nghiêm trọng.
Mật vụ Clint Hill trèo lên đuôi xe và tiến gần tới chỗ ngồi của Tổng thống John F. Kennedy sau khi ông bị trúng đạn của kẻ ám sát vào ngày 22/11/1963 (Ảnh: Getty).
Mật vụ cũng luôn chú ý đến việc ghi hình hoạt động của tổng thống. Đoạn phim về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963 được xem là bằng chứng vô giá giúp Cơ quan Mật vụ hiểu rằng, một tình huống có thể vượt ngoài tầm kiểm soát nhanh chóng như thế nào. Cho đến nay, các mật vụ vẫn chiếu đoạn phim này như một phần trong quá trình đào tạo của họ.
Theo phóng viên Ronald Kessler, tác giả từng viết sách về Mật vụ Mỹ, họ cũng ghi hình các hoạt động di chuyển của tổng thống phòng trường hợp cần xem lại một cuộc tấn công.
“Khi một người nào đó ném vật lạ vào Tổng thống Donald Trump tại Mar-a-Lago. Họ (Mật vụ Mỹ) có thể xác định vị trí của người đó nhờ video ghi hình”, Kessler cho biết thêm.
Mật vụ Mỹ sẵn sàng xả thân vì tổng thống (Ảnh: AFP).
Kiểm soát đồ ăn của tổng thống cũng là nhiệm vụ của mật vụ. Nếu bạn gửi cho tổng thống một món ăn, nó sẽ không bao giờ đến tay ông ấy. Từng phần thức ăn được mang đến cho tổng thống đều được chế biến dưới sự giám sát của Cơ quan Mật vụ, những người theo dõi các đầu bếp của Nhà Trắng để đảm bảo không có ai tẩm hương liệu bằng thạch tín hoặc thuốc diệt chuột. Khi tổng thống đi công du, những người phục vụ thuộc lực lượng hải quân sẽ đi cùng để chuẩn bị đồ ăn. Khi tổng thống chụp ảnh tại một quán ăn và gọi đồ ăn, chưa chắc ông ấy sẽ ăn nó.
“Nếu tổng thống muốn một chiếc bánh pizza, họ sẽ giao nó đến Đài quan sát Hải quân hoặc một địa chỉ khác gần đó. Vì tiệm bánh pizza không biết chiếc bánh đó dành cho ai, nên nó sẽ làm giảm mức độ nguy hiểm”, Robinson tiết lộ.
Các Mật vụ theo sát Tổng thống Barack Obama khi ông bước xuống chuyên cơ Không Lực Một tại sân bay quốc tế Tampa năm 2012 (Ảnh: AFP).
Các Mật vụ cũng kiểm soát khách sạn nơi tổng thống ghé qua. Khi Tổng thống Mỹ đi công du, Cơ quan Mật vụ bắt đầu dò tìm và rà soát các khách sạn để kiểm soát tốt nhất vấn đề an ninh. Các nhân viên khách sạn tiếp xúc với đoàn tùy tùng của tổng thống phải được kiểm tra lý lịch.
Nếu bất kỳ ai có tiền sử phạm tội, quản lý khách sạn sẽ yêu cầu họ không đến làm vào ngày hôm đó. Cơ quan Mật vụ cũng sẽ tiếp quản toàn bộ tầng trên và tầng dưới nơi nghỉ chân của tổng thống và dùng thang máy riêng cho tổng thống, mặc dù điều này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của khách sạn. Họ thậm chí yêu cầu một thợ sửa thang máy trực sẵn để phòng trường hợp tổng thống bị mắc kẹt bên trong.
Mật vụ Mỹ cũng có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống khi gặp trực tiếp người dân. Theo Wood, không có nhiệm vụ nào căng thẳng như việc phải bảo vệ tổng thống trong các cuộc gặp ngẫu nhiên với người dân qua hàng rào. “Bạn không biết một đám đông mất kiểm soát có thể làm chuyện gì”, Wood cho biết.
Để giảm thiểu các mối đe dọa, các mật vụ liên tục quét mắt để phát hiện các đối tượng có bàn tay nhét trong túi hoặc có các biểu hiện đáng ngờ khác. Các mật vụ Mỹ luôn đeo kính râm để quét đám đông mà không khiến các đối tượng khác nghi ngờ, đồng thời ngăn chặn bất kỳ loại chất lỏng hoặc lựu đạn nào ném về phía họ.
Phản ứng nhanh nhạy của các Mật vụ Mỹ khi Tổng thống Ronald Reagan bị một tay súng tấn công vào tháng 3/1981 (Ảnh: AP).
Mật vụ cũng phải học các sở thích mới để tháp tùng các tổng thống Mỹ. Vì tổng thống không bao giờ vắng người tháp tùng nên các nhân viên Mật vụ buộc phải học những sở thích mới theo sở thích của tổng thống. Wood không có kinh nghiệm cưỡi ngựa khi tháp tùng Bill Clinton trong suốt 2 nhiệm kỳ. “May mắn thay, Clinton không phải là một kỵ sĩ bậc thầy như Reagan, vì vậy việc đi lại khá đơn giản”, Wood nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Clinton lại là người thích chạy bộ, điều này buộc các mật vụ phải có thể trạng tuyệt vời để có thể theo kịp tổng thống.
Để chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào xảy ra, các mật vụ phải trải qua quá trình đào tạo thường xuyên và nghiêm ngặt. Một mật vụ sẽ đóng giả làm Tổng thống, trong khi các mật vụ khác cố gắng xử lý các mối đe dọa. Để quá trình mô phỏng trở nên hiệu quả hơn, Wood các mật vụ sử dụng “đạn đánh dấu” không gây chết người, hoặc đạn nhựa để lại vết màu và vết đỏ bên ngoài. “Bạn sẽ biết mình có bị trúng đạn không, hay bạn đã bắn trúng mục tiêu ở đâu”, Wood cho biết.